Qua 5 năm triển khai, việc thực hiện Quy định 1374 đã giúp thành phố tiếp nhận 9.864 thông tin phản ánh, qua đó xử lý 9.609 thông tin. 15 tổ chức đảng bị kỷ luật, với 12 tổ chức bị khiển trách, 3 tổ chức bị cảnh cáo. Đã thi hành kỷ luật về mặt Đảng 405 đảng viên, về chính quyền là 453 trường hợp.
Về mức 10 triệu đồng cho một tin tố giác, thành phố dựa vào quy định của Trung ương và lấy mức tối đa. Việc “mua tin” không phải là một giao dịch dân sự mà được xem là hình thức khuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có giá trị, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mục tiêu cuối cùng nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thành phố cũng như phát huy vai trò của nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, nhất là góp sức cùng thành phố phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, chủ trương này khác gì về mặt bản chất với Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng. Với Thông tư này, các cá nhân có thành tích xuất sắc còn được thưởng từ Quỹ Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý. Mức cao nhất cho danh hiệu Huân chương dũng cảm là 60 lần lương cơ sở, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 40 lần lương cơ sở, bằng khen của bộ, ngành, đoàn thể trung ương là 20 lần lương cơ sở.
Trong trường hợp giúp cho Nhà nước thu hồi số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì thậm chí có thể xét thưởng vượt mức trên. Nhưng không được vượt quá 10% số tiền, tài sản thu hồi và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở hiện hành. Với mức lương cơ sở 1,8, số tiền tối đa một cá nhân có thể được lĩnh lên tới 5,4 tỷ đồng!
Có thể thấy ngay sự khác nhau cơ bản giữa chủ trương của Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV về mặt phạm vi áp dụng, giữa TP Hồ Chí Minh và cả nước. Thêm vào đó, cũng không có cơ sở nào để ngăn cản một cá nhân gửi tin tố giác lên cả Thành ủy TP Hồ Chí Minh lẫn Thanh tra Chính phủ hoặc các bộ, ban, ngành chuyên môn khác. Như vậy mỗi người hoàn toàn có thể vận dụng cả hai chủ trương trên nếu có thông tin liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc ban hành Quy định 1629 là một trong các giải pháp đồng bộ để góp phần xử lý tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố. Mục tiêu là đưa chủ trương của Đảng và Nhà nước về kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực vào cuộc sống. Bên cạnh đó cũng thể hiện sự nhanh nhạy và quyết liệt của TP Hồ Chí Minh trong thời điểm cần sự chung tay của toàn Đảng, toàn dân.