Thế khó của NATO

Ngày 24/5, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thừa nhận, các thành viên của liên minh quân sự này đang chia rẽ về những việc cần làm tại hội nghị cấp cao sắp tới về việc Ukraine thúc đẩy gia nhập NATO. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng đã đến lúc NATO đưa ra quyết định chính trị để mời Kiev gia nhập liên minh và muốn biết thời điểm được kết nạp.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MAHMOUD RIFAI
Biếm họa: MAHMOUD RIFAI

Theo AP, mâu thuẫn nảy sinh khi nhóm Đông Âu yêu cầu NATO tại hội nghị cấp cao của khối, dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 12/7 tới tại Thủ đô Vilnius của Litva, ít nhất phải đưa ra cam kết về lộ trình gia nhập cho Ukraine với những mốc thời gian cụ thể. Trong khi đó, Mỹ và các thành viên Tây Âu muốn những bước đi đơn giản hơn, thậm chí mang tính thủ tục, như nâng cấp cơ quan hợp tác NATO - Ukraine hoặc mở rộng hỗ trợ kỹ thuật của NATO cho Kiev trong lĩnh vực quốc phòng. Nhiều thành viên NATO cũng bày tỏ sự lo ngại về những tình huống phát sinh nếu kết nạp Ukraine trong thời chiến, khi động thái này sẽ chất lên vai NATO thêm nhiều gánh nặng.

Phát biểu ý kiến tại một hội nghị ở Brussels (Bỉ), ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Về vấn đề đó có những quan điểm khác khau trong liên minh và tất nhiên cách duy nhất để đưa ra quyết định trong NATO là thông qua sự đồng thuận”. Ông cho rằng “vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ quyết định điều gì và chúng ta sẽ giải quyết vấn đề tư cách thành viên như thế nào” tại hội nghị cấp cao ở Litva.

Ông Stoltenberg cũng hy vọng tại hội nghị cấp cao tới đây, các nhà lãnh đạo NATO ít nhất sẽ nhất trí về một chương trình kéo dài nhiều năm nhằm giúp quân đội Ukraine chuyển sang sử dụng vũ khí của phương Tây. Cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine đang thúc đẩy Kiev chuyển sang sử dụng vũ khí tiêu chuẩn NATO khi các nước tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Mặc dù cho rằng sự bảo đảm an ninh cuối cùng cho Ukraine là tư cách thành viên NATO, nhưng ông Stoltenberg khẳng định điều này sẽ không thể xảy ra trong bối cảnh xung đột ở quốc gia Đông Âu.

CNN nhận định rằng, các đồng minh phương Tây của Ukraine đang cân nhắc việc có thể đưa ra các hình thức bảo đảm an ninh khác cho Ukraine để trấn an Kiev như một bước tạm thời trước khi kết nạp nước này. Hôm 23/5 vừa qua, Pháp cho biết nước này sẵn sàng đạt được một thỏa thuận với Ukraine về bảo đảm an ninh trong dài hạn.

Ukraine, nước đang được các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu hỗ trợ, dự kiến sẽ đưa ra một “thông điệp rõ ràng” tại hội nghị cấp cao NATO, rằng Kiev sẽ gia nhập liên minh quân sự này sau khi cuộc xung đột với Nga kết thúc. Ukraine thừa nhận sẽ không gia nhập NATO khi đang xảy ra xung đột trên lãnh thổ nước này, nhưng muốn liên minh quân sự có hành động vượt ra ngoài cam kết đưa ra năm 2008 rằng sẽ kết nạp Kiev vào một ngày nào đó.

Chính sách hỗ trợ Ukraine đang không nhận được sự ủng hộ của Bulgaria, một thành viên của NATO. Cuộc biểu tình quy mô lớn lên tới khoảng 20.000 người đã diễn ra tại Thủ đô Sofia nhằm phản đối khối quân sự này can thiệp sâu vào cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như có thể cung cấp vũ khí của Bulgaria cho Ukraine. Người biểu tình cũng kêu gọi chính phủ nước này thể hiện thái độ trung lập, không tham gia vào các cuộc xung đột quân sự và đóng cửa các căn cứ quân sự của NATO.

Trong khi đó, dù rất thân thiết với nhiều quốc gia NATO, song Nhật Bản không tỏ ra mặn mà với ý tưởng trở thành một thành viên của khối quân sự này. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mới đây nhấn mạnh nước này không có ý định gia nhập NATO, song cho biết NATO có kế hoạch mở một văn phòng liên lạc tại Nhật Bản. Phát biểu ý kiến tại Quốc hội, ông Kishida khẳng định Nhật Bản không có kế hoạch gia nhập NATO với quy chế thành viên hay bán thành viên.

Bất đồng nội bộ liên quan việc kết nạp Ukraine, thiếu ngân sách hoạt động do rót kinh phí quá nhiều vào cuộc xung đột ở Ukraine, hay sự thờ ơ của các đối tác lâu năm cho thấy uy tín của NATO đang bị hao tổn trầm trọng. Vị thế và vai trò của khối quân sự này chưa thể tăng lên chừng nào những chia rẽ chung quanh hàng loạt vấn đề của NATO chưa được giải quyết.