Gia tăng các vụ cháy rừng
Trang Euronews dẫn số liệu của Hệ thống Thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS) cho biết, tính đến ngày 18/6 vừa qua, hơn 119.000 ha rừng đã bị thiêu rụi trên khắp lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU), cao hơn nhiều so mức trung bình 80.000 ha được ghi nhận vào cùng thời điểm trong giai đoạn 2003-2022. Diện tích rừng bị cháy ở Pháp đã lên tới hơn 21.000 ha, gấp khoảng 3,5 lần mức trung bình trong hai thập niên qua. Tây Ban Nha mất 66.200 ha rừng trong năm nay trong 324 vụ cháy, cả hai con số đều tăng hơn gấp bốn lần so mức trung bình của 20 năm.
Trong khi đó, theo Frontline Wildfire Defense - trang web chuyên theo dõi các vụ cháy rừng, châu Phi là nơi xảy ra hơn nửa số vụ cháy rừng trên thế giới. Tây Cape, một tỉnh phía tây nam của Nam Phi với những sườn đồi nhiều cây bụi và đồng cỏ, là một trong những “điểm nóng” đặc biệt của các vụ cháy rừng. Người dân Nam Phi vẫn phụ thuộc nhiều vào củi đốt để sưởi ấm và nấu ăn, cộng thêm hệ thống thu gom rác thải chưa phủ đủ rộng, các hộ gia đình thường giữ thói quen đốt rác và đây cũng là một số nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy.
Diện tích rừng phân bố không đồng đều ở Trung Quốc và tại các vùng sâu, vùng xa, nơi dân cư thưa thớt và giao thông không thuận tiện, công tác dập các đám cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương của Trung Quốc, nhất là ở khu vực nông thôn thiếu trầm trọng các nguồn lực cơ bản để chữa cháy. Do thiếu phương tiện chữa cháy tiên tiến, nên khi xảy ra cháy rừng, hàng trăm người dân không được đào tạo kỹ năng từ trước cũng thường được kêu gọi tham gia chữa cháy rừng bằng những công cụ cơ bản nhất.
Hơn 50% diện tích bề mặt của Nam Mỹ được rừng bao phủ. Rừng mưa nhiệt đới thường khó bị cháy, tuy nhiên trong những năm gần đây cháy rừng nhiệt đới đang trở nên phổ biến hơn, chủ yếu là do hạn hán. Trở ngại thường gặp nhất đối với công tác chữa cháy ở hầu hết các quốc gia Nam Mỹ là thiếu nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực có trình độ. Quản lý rừng và phòng chống cháy rừng chưa nhận được đủ sự quan tâm trong các chiến lược phát triển kinh tế và xã hội của các nước.
Các biện pháp ứng phó
Trong tất cả các khu vực trên thế giới dễ xảy ra cháy rừng, Australia được xem là nơi có công nghệ chữa cháy tiên tiến. Chính phủ Australia triển khai gói công nghệ gồm các máy bay không người lái và trung tâm chỉ huy di động, cùng các thiết bị chia sẻ dữ liệu trong xe cứu hỏa trên toàn quốc. Công nghệ giúp các lính cứu hỏa có thể truy cập thông tin theo thời gian thực khi ứng phó các trường hợp khẩn cấp. Lính cứu hỏa của Australia cũng sử dụng các robot chữa cháy có khả năng phun cột nước cao tới 295 feet (gần 90 m) và được điều khiển từ khoảng cách 1.600 feet (gần 500 m).
Chính phủ Nam Phi triển khai chương trình mang tên “Working on Fire” (WoF) để ứng phó các đám cháy, đồng thời kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng ở khu vực. Những người Nam Phi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được đào tạo chuyên sâu và sau đó được chính phủ thuê làm lính cứu hỏa tại các vùng đất hoang vắng. Hiện có hàng nghìn người tham gia chương trình WoF tại hơn 200 căn cứ trên khắp Nam Phi. Các nhân viên của WoF đã góp phần ngăn ngừa thành công nhiều vụ cháy rừng lan rộng, song công nghệ phòng cháy vẫn chưa phát triển đầy đủ.
Theo Hiệp hội phòng, chống cháy rừng quốc gia (NFPA) của Mỹ, Chile cũng đã bắt đầu triển khai chương trình WoF để đào tạo và thuê nhân viên là người địa phương chữa cháy. Hiện Chile là nước có số lượng nhân viên chữa cháy nhiều thứ hai trên thế giới được triển khai theo chương trình WoF.
Trong khi đó, các quốc gia thành viên EU thường chia sẻ nguồn lực chữa cháy. Hồi cuối tháng 7 vừa qua, EU đã cử 490 lính cứu hỏa và 9 máy bay chữa cháy tới hỗ trợ Hy Lạp và Tunisia. Pháp cũng triển khai hai máy bay chiến đấu tới Hy Lạp, trong khi các thành viên như Bulgaria, CH Cyprus, Romania và Serbia cũng tích cực đóng góp hỗ trợ.
Ngay cả ở những ngôi làng nhỏ nhất tại Đức cũng có đội cứu hỏa tình nguyện, đó là lý do vì sao phần lớn trong số khoảng 900.000 lính cứu hỏa của Đức là các tình nguyện viên. Cứ mỗi 70 người dân Đức thì có một lính cứu hỏa tình nguyện, đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Lực lượng nòng cốt của các đội cứu hỏa ở Áo là 320.000 tình nguyện viên nam và nữ. Tương tự, phần lớn trong số 45.000 lính cứu hỏa của Bồ Đào Nha là tình nguyện viên, trong khi ở Tây Ban Nha khoảng 90% trong số 22.000 lính cứu hỏa là các công chức và tình nguyện viên.
Mặc dù hầu hết lực lượng cứu hỏa ở châu Âu đều được biên chế bởi các nhân viên dân sự dưới sự chỉ huy của các sĩ quan được đào tạo chuyên nghiệp, các đơn vị cứu hỏa ở Paris và Marseille ở Pháp lại là các đơn vị quân đội. Hơn 8.000 lính cứu hỏa Paris là binh lính và sĩ quan của quân đội Pháp. Đây là lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp lớn nhất tại châu Âu và là lực lượng cứu hỏa đô thị lớn thứ ba thế giới.
Giống Pháp, Canada cũng phải nhờ cậy tới quân đội trong phòng chống cháy rừng. Ngày 20/8 vừa qua, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, chính phủ nước này sẽ điều quân đội để hỗ trợ việc xử lý các đám cháy rừng đang lan nhanh tại tỉnh bang British Columbia. Khu vực này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp do đối mặt cháy rừng dữ dội, với hơn 35.000 người được lệnh sơ tán. Cháy rừng khiến các nguồn lực địa phương cạn kiệt. Canada đang trải qua mùa cháy rừng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Ước tính chính thức cho thấy hơn 14 triệu ha đất - gần bằng diện tích của Hy Lạp - bị thiêu rụi. Trước tình hình này, chính quyền liên bang và 13 quốc gia đã cam kết hỗ trợ chính quyền tỉnh bang British Columbia ứng phó thảm họa.
Giải quyết nguyên nhân gốc rễ
Giới chức các nước cảnh báo, trong đợt nắng nóng sắp tới nguy cơ xảy ra hỏa hoạn ở một số khu vực là đặc biệt cao. Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu đóng vai trò tác nhân quan trọng trong sự gia tăng các vụ cháy rừng tại châu Âu cả về tần suất và cường độ.
Hơn một phần tư lãnh thổ của EU đang trong tình trạng cảnh báo về hạn hán. Châu Âu nóng lên gấp đôi so mức trung bình của toàn thế giới kể từ những năm 1980. Năm 2022, nhiệt độ của châu Âu từng có thời điểm tăng khoảng 2,3 độ C so mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng nhiệt này vượt xa so mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, là giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5oC so mức của thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo Euronews, các vụ cháy rừng đã khiến EU thiệt hại khoảng 2,5 tỷ euro vào năm 2022, năm ghi nhận số diện tích rừng bị cháy tồi tệ thứ hai kể từ năm 2006. Các nhân viên cứu hỏa lo ngại thời tiết ngày càng khắc nghiệt có thể khiến việc dập tắt các đám cháy sẽ trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn. Để ứng phó, EU đã củng cố kho trang bị chống cháy rừng bằng cách tăng gấp đôi số máy bay chữa cháy trong năm nay lên 28 máy bay và triển khai lực lượng ở 10 quốc gia.
GS Johann Georg Goldammer, Giám đốc Trung tâm Giám sát hỏa hoạn toàn cầu (GFMC), tổ chức có trụ sở tại Đức cho rằng, nỗ lực tăng cường trang bị chữa cháy là điều đáng hoan nghênh, tuy nhiên các khoản đầu tư vào giải pháp cho các nguyên nhân gốc rễ của hỏa hoạn như quản lý đất đai và lâm nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Theo GFMC, những thay đổi về nhân khẩu học cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gia tăng các vụ cháy rừng. Việc dân số ồ ạt chuyển tới các đô thị sinh sống khiến đất đai ở các vùng nông thôn không còn được quản lý đầy đủ. GFMC khuyến nghị chính phủ các nước châu Âu có giải pháp khiến không gian nông thôn trở nên hấp dẫn hơn với thế hệ trẻ, đầu tư vào quản lý đất đai theo truyền thống, song cũng cần điều chỉnh để giảm tính dễ bắt lửa của tài nguyên rừng tại khu vực nông thôn.