Thế bí của G20

Ngày 22/7, các Bộ trưởng Năng lượng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã không ra được tuyên bố chung trong bối cảnh chia rẽ về vấn đề giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm nợ và nguồn tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: GIACOMO CARDELLI
Biếm họa: GIACOMO CARDELLI

Theo AP, các Bộ trưởng G20 nhóm họp tại thành phố Panaji, miền tây nam Ấn Độ để thảo luận về mục tiêu cân đối giữa việc thực hiện mục tiêu phi carbon hóa và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hội nghị cho thấy những rạn nứt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Chính phủ Ấn Độ đã công bố tổng kết của nước chủ tịch sau hội nghị, nhấn mạnh thế giới đang đối mặt vấn đề thiếu năng lượng, đặc biệt với những người không có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu hằng ngày, trong khi nguồn nhiên liệu hóa thạch vẫn khó có thể thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, bản tổng kết cũng lưu ý một số nước tham gia nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phát triển thời gian qua liên tục phải ứng phó những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Ấn Độ - nước chủ tịch G20 đồng thời là một tiếng nói quan trọng trong các nước đang phát triển, đặt mục tiêu tập hợp sự ủng hộ của các nước phát triển và triển khai các kế hoạch hướng tới phát thải ròng bằng 0 phù hợp với mỗi quốc gia.

Chia rẽ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển diễn ra trong bối cảnh thế giới sẽ cần tăng đầu tư khoảng 3.000 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2030 cho các kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu và nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Theo báo cáo của một hội đồng độc lập, đứng đầu là các nhà kinh tế học Lawrence Summers và N.K. Singh, công bố ngày 18/7. G20 đã ủy quyền cho hội đồng này đề xuất phương hướng cải cách cho các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) với trọng tâm là tăng cường tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Báo cáo nêu rõ, MDB cần đóng vai trò là trung gian hiệu quả tại các nước đang phát triển nhằm lồng ghép các chương trình nghị sự về phát triển và biến đổi khí hậu. Tương tự như các thể chế tài chính Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB), MDB cần phối hợp với chính phủ và khu vực tư nhân để bảo đảm giảm và quản lý rủi ro nhằm giúp tiết kiệm chi phí.

Hội đồng của G20 nhấn mạnh, khoản đầu tư bổ sung 3.000 tỷ USD hằng năm từ nay đến năm 2030 là cần thiết cho các kế hoạch hành động vì môi trường và vì mục tiêu phát triển bền vững, trong đó 1.800 tỷ USD để thúc đẩy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, trong khi 1.200 tỷ USD sẽ giúp thế giới đạt được các mục tiêu quan trọng khác, trong đó có lĩnh vực y tế và giáo dục.

Theo báo cáo trên, hệ thống tài chính phát triển quốc tế cần có cách thức hỗ trợ khoản đầu tư trên, thông qua cung cấp bổ sung 500 tỷ USD mỗi năm, trong đó một phần ba số tiền nên được cấp dưới dạng khoản vay ưu đãi và tài trợ và số còn lại dưới hình thức cho vay chính thức không ưu đãi.

Để trấn an các nước nghèo, hội đồng cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để giải quyết những khác biệt về lập trường, thống nhất phương án hỗ trợ các nước thu nhập thấp giải quyết gánh nặng nợ và giải ngân nguồn tài chính cho mục tiêu khí hậu. Hội đồng cho rằng, MDB nên cung cấp thêm 260 tỷ USD tài trợ chính thức hằng năm, trong đó khoảng 200 tỷ USD là khoản vay không ưu đãi, huy động các nguồn tài chính tư nhân cho các nước nghèo.

Vấn đề then chốt hiện nay là nỗ lực giải quyết nợ của các quốc gia nghèo nhất thế giới đang chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu vào thời điểm cần nhiều tiền hơn bao giờ hết để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, sự chia rẽ đã đẩy G20 vào thế bí khi không thể nhất trí về một chính sách cho vay chung đối với hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp đang cận kề hoặc đã rơi vào cảnh nợ chồng chất. Bên cạnh đó, G20 cũng đang loay hoay tìm kiếm lời giải cho vấn đề giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhằm chống biến đổi khí hậu.