Thành viên mới của Eurozone và Schengen

Ngày 1/1/2023 đánh dấu thời điểm Croatia chính thức gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khu vực tự do đi lại Schengen. Đây cũng là lần đầu một quốc gia châu Âu gia nhập cả hai khu vực đặc biệt trong cùng một ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Schengen là khu vực tự do đi lại lớn nhất thế giới. Ảnh: GETTY IMAGES
Schengen là khu vực tự do đi lại lớn nhất thế giới. Ảnh: GETTY IMAGES

Sự kiện đặc biệt

Từ ngày 1/1/2023, Croatia chính thức trở thành thành viên thứ 20 của Eurozone và thành viên thứ 27 của Schengen. Nhiều hoạt động được tổ chức tại các khu vực biên giới giữa Croatia với Slovenia và Hungary để chào mừng hai sự kiện lịch sử này. Sáng 1/1, Bộ trưởng Nội vụ Croatia Davor Bozinovic và người đồng cấp Slovenia, Sanja Ajanovic Hovnik đã nhấn nút dỡ bỏ hàng rào tại cửa khẩu Bregana, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Croatia, Gordan Grlic Radman và nghị sĩ Hungary, Peter Cseresny - cựu Thị trưởng của thị trấn biên giới Nagykanizsa, đã dỡ bỏ hàng rào ở cửa khẩu biên giới, đánh dấu việc tự do đi lại giữa Croatia với Slovenia và Hungary.

Được thiết lập năm 1985, Schengen là khu vực tự do đi lại lớn nhất thế giới và hiện có 26 quốc gia thành viên, trong đó có 22 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Khoảng 1,7 triệu người đang sống ở một quốc gia Schengen, trong khi làm việc tại một quốc gia khác trong khu vực này. Mỗi ngày có khoảng 3,5 triệu người qua lại trong khu vực với dân số khoảng 400 triệu người.

Trước đó, tại cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ EU diễn ra ngày 8/12/2022, các thành viên EU đã xác nhận việc nhất trí cho phép Croatia tham gia đầy đủ vào khu vực miễn thị thực Schengen. Đại diện Cộng hòa Czech, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong sáu tháng cuối năm 2022 thông báo, với quyết định kết nạp Croatia, khu vực Schengen chính thức mở rộng lần đầu sau hơn một thập niên.

Phát biểu ý kiến trong chuyến thăm Croatia vào ngày đầu năm mới 2023, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định: Những chương mới đang được mở ra với Croatia khi hai sự kiện đặc biệt quan trọng đối với quốc gia thành viên trẻ nhất của EU đều diễn ra trong cùng một ngày. Chủ tịch EC nhấn mạnh, thế hệ tiếp theo của người Croatia sẽ lớn lên ở khu vực Schengen. Người dân sẽ được đi lại tự do, kinh doanh sẽ không bị cản trở. Du lịch liền mạch sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân sinh sống dọc biên giới, nơi họ sống ở một quốc gia, trong khi đi làm hằng ngày ở một quốc gia khác.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng nêu rõ sức mạnh của đồng euro, vốn tạo ra những điều kiện thuận lợi cho đầu tư và thương mại xuyên biên giới, góp phần giúp cho nền kinh tế sôi động hơn, tạo việc làm, mang lại sự ổn định kinh tế vĩ mô và uy tín của khu vực. Là đồng tiền quan trọng thứ hai trên toàn cầu, đồng euro cũng giúp cho EU mạnh mẽ hơn trên trường thế giới.

Việc Croatia gia nhập khu vực không biên giới Schengen sẽ thúc đẩy ngành du lịch trọng điểm của quốc gia giáp biển Adriatic. Du lịch chiếm 20% GDP của Croatia, với hàng triệu khách du lịch châu Âu và các quốc gia khác mỗi năm. Tuy nhiên, do các vấn đề kỹ thuật, việc kiểm soát biên giới tại các sân bay sẽ chỉ kết thúc vào ngày 26/3 tới. Croatia vẫn sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt ở biên giới phía đông với các nước láng giềng ngoài EU là Bosnia và Herzegovina, Montenegro và Serbia.

Lợi ích kinh tế

Các chuyên gia cho rằng, việc chính thức đưa vào sử dụng đồng euro sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế Croatia vào thời điểm lạm phát đang tăng vọt trên toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đẩy giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt. Nhằm hỗ trợ người dân thích nghi với việc sử dụng đồng euro, đồng kuna nội tệ của Croatia và đồng euro sẽ cùng lưu thông trong hai tuần kể từ khi Croatia chính thức gia nhập Eurozone. Hết giai đoạn chuyển tiếp, chỉ đồng euro được chính thức sử dụng tại Croatia. Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ người dân, các ngân hàng và bưu cục vẫn tiếp tục chuyển đổi đồng kuna sang đồng euro trong suốt cả năm 2023.

Tuy nhiên, phản ứng của người dân Croatia về hai sự kiện lịch sử đối với đất nước rất khác nhau. Hoan nghênh việc chấm dứt kiểm soát biên giới, một số người lại lo lắng về việc chuyển đổi sang đồng euro. Các nhóm đối lập cánh hữu cho rằng điều này chỉ có lợi cho các nước lớn trong khu vực, trong khi nhiều người Croatia cũng lo ngại việc sử dụng đồng euro sẽ khiến giá hàng hóa tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp sẽ làm tròn giá khi họ chuyển đổi ngoại tệ.

Theo Al-Jazeera, trên thực tế việc sử dụng đồng euro đã khá phổ biến ở Croatia. Khoảng 80% tiền gửi ngân hàng là bằng đồng euro và các đối tác thương mại chính của Zagreb đều nằm trong khu vực đồng euro. Người Croatia từ lâu đã định giá những tài sản giá trị lớn như ô-tô và căn hộ bằng đồng euro. Các quan chức Croatia đã bảo vệ quyết định gia nhập Eurozone và Schengen. Thủ tướng Croatia, Andrej Plenkovic nhấn mạnh đây là hai mục tiêu chiến lược của việc hội nhập sâu hơn vào EU. Croatia gia nhập EU năm 2013.

Chuyên gia Ana Sabic của Ngân hàng quốc gia Croatia (HNB) nói với hãng tin AFP: Đồng euro chắc chắn mang lại sự ổn định và an toàn về kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng đồng euro sẽ hạ thấp các điều kiện vay trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Tỷ lệ lạm phát của Croatia lên tới 13,5% trong tháng 11/2022, trong khi tỷ lệ này trong khu vực đồng euro là 10%. Quốc gia vùng Balkan gia nhập khu vực đồng euro vào thời điểm mà chính khối này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cố gắng kiềm chế lạm phát sau khi dành cả thập niên qua để tung ra các biện pháp cứu trợ lớn chưa từng có nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ nhận định với tờ Jutarnji list của Croatia, ngày 31/12/2022, ngay trước thời điểm Croatia chính thức gia nhập Eurozone, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng, cần thận trọng để những nguyên nhân trong nước, chủ yếu liên quan các biện pháp tài chính và đà tăng của tiền lương, không trở thành nguyên nhân khiến lạm phát trở nên trầm trọng hơn và khó kiểm soát. Bà Lagarde không đưa ra gợi ý chính sách mới nào trong cuộc phỏng vấn, nhưng cho biết, các ngân hàng trung ương phải thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm lạm phát xuống 2% từ mức gần 10% hiện tại. Chủ tịch ECB cho rằng, cuộc suy thoái mùa đông dự kiến của khối do chi phí năng lượng tăng cao có thể sẽ ngắn và nông, miễn là không có thêm cú sốc nào.

Romania và Bulgaria “phải chờ thêm”

Cùng với Croatia, Bulgaria và Romania đều là các ứng cử viên gia nhập khu vực tự do đi lại Schengen. Trong cuộc họp vào tháng 12/2022, EC cho rằng, tất cả ba ứng cử viên Croatia, Bulgaria và Romania đều đáp ứng các tiêu chí để gia nhập Schengen. Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã bỏ phiếu ủng hộ quy chế thành viên cho các nước này. Tuy nhiên, các quyết định cuối cùng về việc mở rộng Schengen đều phải được thông qua với sự đồng thuận tuyệt đối của các nước thành viên.

Bulgaria và Romania đã vấp phải sự phản đối của Áo, nước từng chứng kiến tình trạng người xin tị nạn tăng mạnh và lo ngại rằng việc chấp nhận hai quốc gia này sẽ làm gia tăng tình trạng nhập cư. Ủy viên phụ trách nội vụ của EU Ylva Johansson cho biết, khối chưa đạt được sự nhất trí đối với trường hợp của Bulgaria và Romania. Các quan chức Áo lo ngại rằng, việc bãi bỏ kiểm tra biên giới nội bộ có thể khiến Bulgaria và Romania trở thành “con đường thông thoáng” cho những người xin tị nạn. Các nghị sĩ cánh hữu của đảng Dân chủ Thụy Điển thậm chí còn phản đối tư cách thành viên của cả ba quốc gia, với những lo ngại tương tự.

Trong khi đó, Thủ tướng Romania, Nicolae Ciuca chỉ ra những dữ liệu cho thấy nước này không nằm trong dòng di cư có thể gây ra các mối lo ngại. Trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Romania nhấn mạnh, di cư bất hợp pháp là vấn đề rất nhạy cảm ở nhiều quốc gia thành viên…, song việc ngăn chặn Romania gia nhập Schengen không giúp giải quyết tình trạng bất ổn về người di cư. Tổng thống Bulgaria, Rumen Radev viết trên Facebook rằng, ba quan chức biên giới Bulgaria đã bị giết trong những tháng gần đây khi đang bảo vệ biên giới bên ngoài của khối. Bulgaria và Romania cũng đã hai lần mời các phái đoàn đi tìm hiểu thực tế tại các khu vực biên giới.