Không phủ nhận công dụng của nhiều loại thuốc Đông y, trong đó có thuốc cam. Nhưng nếu lạm dụng, hoặc sử dụng tùy tiện, mua ở những cơ sở không có chứng nhận của ngành y tế, thì chẳng những không chữa khỏi bệnh cho con trẻ, mà nhiều nguy cơ khác có thể xảy đến.
Như mới đây, bé Bảo N (bảy tháng tuổi, ở Thanh Hóa) được chuyển đến Khoa Cấp cứu - chống độc, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư trong tình trạng li bì, nôn trớ và đi ngoài. Theo lời người nhà bệnh nhi, trước đó hai tuần, bé N bị viêm loét miệng, bà nội nghe theo lời của hàng xóm chữa cho cháu bằng bài thuốc cam gia truyền của một thầy lang gần nhà. Sau bảy ngày sử dụng thuốc cam do thầy lang kê, bé bị nôn trớ, đi ngoài, co giật, li bì nên đã được gia đình đưa đến BV tỉnh để khám và điều trị. Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Cấp cứu - chống độc, BV Nhi T.Ư. TS, BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu - chống độc cho biết, kết quả lấy mẫu máu cho thấy, nồng độ chì trong máu lên đến 384.2 microgam/dL (mức cho phép là >10 microgram/dL). Ngoài ra, bệnh nhi N còn có tổn thương gan (xét nghiệm men gan tăng rất cao), thiếu máu nặng đến mức phải truyền máu.
Đây không phải trường hợp cá biệt. Từ đầu năm đến nay, BV Nhi T.Ư đã tiếp nhận và điều trị cho sáu trẻ bị ngộ độc chì do uống thuốc cam không rõ nguồn gốc.
Từ câu chuyện này, nhìn rộng ra, có thể thấy, lâu nay, việc sử dụng thuốc cam đã được nhiều bậc cha mẹ ở nhiều làng, bản sử dụng một cách dễ dãi, thậm chí tùy tiện, để điều trị bệnh cho con em mình. Ít người hay rằng, những gói thuốc cam không rõ nguồn gốc đó có thể lẫn chì. Mà chì là chất rất độc và gây hại cho sức khỏe. Bộ Y tế đánh giá ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là ở trẻ em. Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra, khi vào cơ thể chì có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch và thận. Nếu ở lâu trong cơ thể, kim loại này tích luỹ trong nội tạng (đặc biệt là ở xương) và sẽ phải mất hàng chục năm mới có thể thải được chì ra ngoài.
Vì thế, yêu con, thương con nhưng cần thận trọng. Bởi chỉ lơ là, hay quá tin vào những lời quảng cáo, những lời truyền miệng “rỉ tai” về các loại thuốc gia truyền, là có thể “rước thêm bệnh” cho mình, cho người thân của mình.