Thận trọng trong mục tiêu tăng trưởng

Kinh tế Việt Nam năm 2022 đã cán đích ngoạn mục với kết quả tăng trưởng lên tới 8,02%, cao nhất hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, dự báo khó khăn, thách thức từ các yếu tố bên ngoài sẽ ngày càng gia tăng; những hạn chế, bất cập, vấn đề tích tụ, tồn đọng trong nội tại nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét hơn trong năm 2023. Bởi vậy, các doanh nghiệp (DN), bộ, ngành tỏ ra khá thận trọng khi hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD cho năm 2023. Ảnh: NGUYỄN NAM
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD cho năm 2023. Ảnh: NGUYỄN NAM

Bối cảnh khó khăn chung

Năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong năm 2023, Bộ đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu ngưỡng 6%, tương đương với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hóa so với năm 2022.

Đưa ra mức chỉ tiêu thận trọng này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu trong cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang đầu năm 2023. Cụ thể là nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới. Cùng với đó là do những cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, đẩy giá thành sản xuất hàng hóa ở mức cao.

Đặc biệt, tình hình xuất khẩu còn bị ảnh hưởng do lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng sức cầu nhập khẩu hàng hóa của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển.

Tương tự, toàn ngành nông nghiệp - vai trò trụ đỡ nền kinh tế, dù đã đạt mức tăng trưởng 3,36% và xuất khẩu 53,22 tỷ USD trong năm 2022, nhưng vẫn quyết định đặt mục tiêu tăng trưởng 3% và xuất khẩu 54 tỷ USD cho năm 2023. Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bày tỏ: Ngành nông nghiệp có nhiều tín hiệu mở cửa thị trường tích cực song cũng đối mặt không ít khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới biến động. Hơn nữa, không như những lĩnh vực khác, ngành nông nghiệp khó tăng trưởng nhanh mỗi năm bởi rủi ro cao.

Trước bối cảnh chung, các doanh nghiệp cũng giảm chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trong kế hoạch năm 2023. Khác xa với mức tăng trưởng hai con số nhiều năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 là 19.550 tỷ đồng, bằng 100,1% so cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 935 tỷ đồng, bằng 85,8% so năm 2022. Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho hay, sở dĩ hạ thấp mục tiêu như vậy là bởi, diễn biến thị trường đang không thuận lợi, kéo dài từ cuối quý III/2022 tới nay, dự báo 2023 là năm kinh doanh đầy khó khăn với các ngành xuất khẩu, trong đó có dệt may.

Hiện, các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm khá rõ rệt từ tháng 10/2022. Tỷ lệ tăng trưởng ở thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc giảm mạnh so cùng kỳ năm 2021. Thị trường EU và Nhật Bản vẫn giữ tỷ lệ tăng trưởng dương nhưng mức tăng trưởng đã thấp hơn hẳn so các tháng trước đó. “Thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2022 khoảng 722 tỷ USD, bằng 90% năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng năm 2023 tùy thuộc vào các kịch bản tăng trưởng của kinh tế thế giới”, ông Hiếu nói.

Vinatex chỉ là số ít trong nhiều doanh nghiệp khác đang thận trọng với mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Lý do được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là, sức mua thị trường trong nước được khôi phục trở lại nhưng chủ yếu tiêu thụ vẫn tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu, nhóm các hàng hóa không thiết yếu tăng thấp. Trong khi, thu nhập của người dân giảm, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong phục hồi hoạt động dẫn đến khó khăn trong phục hồi tiêu dùng. Người dân vẫn còn e ngại và có tâm lý tiết kiệm hơn trước những rủi ro dịch bệnh có thể xảy ra. Mặt khác, việc Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế, thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, có thể gia tăng áp lực cạnh tranh đối với thu hút đầu tư nước ngoài, hàng hóa của nước ta, cả trên thị trường nội địa và xuất khẩu...

Thận trọng trong mục tiêu tăng trưởng ảnh 1

Thị trường xuất khẩu chính của dệt may đã có dấu hiệu suy giảm từ tháng 10/2022. Ảnh: BẮC SƠN

Cần làm gì trong năm 2023?

Nhiều tổ chức quốc tế cũng thận trọng khi đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP tăng 6,2%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng 6,3%; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng 6,3%... Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%, tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phải tăng 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6-8,3%; khu vực dịch vụ tăng 6,5-7,0%. “Đây là các mức tăng không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam dự báo rơi vào suy thoái sẽ tác động rất mạnh tới kinh tế Việt Nam”, ông Lâm nói và bày tỏ, mục tiêu tăng trưởng có tính khả thi nhưng để đạt được cũng không dễ dàng, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn.

Đưa ra kế hoạch thực hiện những mục tiêu xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, chúng ta có những yếu tố tích cực như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực… Những yếu tố này sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu. Song, vị Thứ trưởng cũng cho rằng, các DN Việt Nam cần phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA.

Tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023 vào cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành công thương tiếp tục đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, sản xuất những loại hàng hóa thế giới cần chứ không chỉ bán những thứ đang có, tận dụng tối đa các FTA. “Khi tổng cầu hàng hóa giảm thì rõ ràng, cần tập trung thúc đẩy việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng. Các ngành hàng, doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu để sản xuất những loại hàng hóa mà thế giới cần chứ không phải bán những thứ ta đang có”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngành công thương cần làm tốt hơn nữa công tác thị trường, từ dự báo, cân đối cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến để điều hành phù hợp, hiệu quả, không để đứt gãy, bảo đảm nguồn cung, tạo thuận lợi hóa thương mại, phối hợp với các bộ, ngành giảm chi phí dịch vụ logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu hiến kế, Chính phủ cần đưa ra một chương trình hoãn nợ quốc gia (national credit moratorium) để tránh sự đổ vỡ hàng loạt của thị trường trái phiếu. Đồng thời, phải thúc đẩy đầu tư công và đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng.

Liên quan vấn đề lạm phát, TS Nguyễn Bích Lâm đánh giá, năm qua, chúng ta kiểm soát được lạm phát ở mức 3,15% là nhờ chính sách điều tiết của Chính phủ liên quan Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, chưa tăng giá các mặt hàng chiến lược. Ba - bốn năm nay không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục cũng chưa tăng. Tuy nhiên, áp lực lạm phát sẽ tăng cao khi thời gian tới phải tăng giá các mặt hàng này, bởi không kiềm giữ mãi được. Trong khi, giá xăng, dầu dự báo tăng khoảng 20% khi Trung Quốc mở cửa. Ngoài ra, việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 cũng tác động đến lạm phát. Do đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức 4,5% không phải là dễ. Bởi vậy, cần có tính toán hợp lý việc điều hành tiền tệ và chính sách tài khóa.