Nguy cơ vây quanh đàn ong mật
“Nuôi ong và nuôi chim yến là một trong hai nghề chăn nuôi không cần chọn giống, không phải mua thức ăn”, anh Võ Công Tình, thường trú tại thôn 5, xã Liên Đầm (Di Linh, Lâm Đồng), nói vui vậy.
Nhưng vì sao anh Tình lại không theo đuổi nó dài lâu, mỗi sáng “đi làm” mà như đi dạo, nhìn những mùa hoa bên núi không những đẹp mà đó còn là thu nhập của chính mình. Anh Tình cho hay: “Một trong những thách thức lớn nhất của nghề nuôi ong là thời tiết. Mật ong phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết và bất kỳ biến động nào như hạn hán, mưa lũ hoặc thời tiết lạnh có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hoa và do đó ảnh hưởng đến sản lượng mật ong”.
Nghề nuôi ong còn đối mặt nguy cơ từ các loại sâu bệnh và ký sinh trùng. Ong và tổ ong thường bị tấn công bởi các loại sâu bệnh và vi khuẩn gây hại, gây ra sự suy giảm nghiêm trọng đến đàn ong, thách thức lớn trong việc duy trì và tăng cường số lượng đàn ong.
Thuốc trừ sâu, phân hóa học được sử dụng trong nông nghiệp cũng ảnh hưởng đến đàn ong. Ong nuôi gần khu vực trồng hoa, rau màu, không bị chết vì thuốc bảo vệ thực vật thì mật ong ít nhiều cũng bị nhiễm độc. TS sinh học Trần Thị Thu Trang, Trung tâm Lan Anh Đào, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Sau vài ngày phun thuốc bảo vệ thực vật, cường độ của thuốc không đủ để làm chết ong, nhưng thuốc đó vẫn còn tồn dư trong hoa cỏ và tích tụ trong sản phẩm mật ong”.
Nhiều người thậm chí đã chế siro đường làm từ gạo, ngô, lúa mạch… có giá rẻ trộn vào mật ong. Đây là cách làm mới, tinh vi hơn trộn mật mía vì mật mía nặng mùi, dễ bị khách hàng nhận biết.
Thị trường mật ong thiếu minh bạch
Đi vào trong các huyện miền núi rất dễ gặp biển hiệu bán mật ong rừng. Từng nuôi ong, anh Võ Công Tình phân tích: “Tôi sẽ mua mật ong nhà nuôi. Mật ong nuôi đã tối ưu hóa quá trình sản xuất về thời gian, đó là không lấy mật khi còn non quá hoặc già quá. Thứ nhì là hệ thống lọc mật, bảo quản mật chủ động và bảo đảm vệ sinh. Mật ong tìm kiếm được trong rừng không có được điều kiện này”.
Mật ong nuôi thường được sản xuất từ các tổ ong do con người nuôi và quản lý, thường là trên các trang trại hoặc trong các khu vườn cây trồng. Mật ong này thường có hương vị nhẹ nhàng và mầu sắc đồng đều, do ong được nuôi trong môi trường kiểm soát chất lượng.
Trong phân khúc thị trường, từ siêu thị cho đến cửa hàng tạp hóa, ai cũng muốn bán được nhiều hàng, trong đó có mật ong. Tuy nhiên, để nhận được câu nói đúng hơn từ người bán rất hiếm gặp. Chị Đinh Thị Xuân Xinh, chủ hàng tạp hóa trên đường Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), là một người hiếm gặp như vậy. Chị cho biết: “Tôi bán ở đây toàn khách hàng quen biết. Nếu người mua mà mua mật ong về uống trà hoặc ăn với sữa chua không đường thì tôi khuyên họ đừng mua mật ong ở hàng của tôi. Vì mật tôi nhập từ những người địa phương. Nhập vào thấp, bán thấp”.
“Mật ong bảo đảm chất lượng chế vào đồ uống nóng, sữa chua... sẽ ra đúng chất. Mật ong “tậm tịt” sẽ không đưa đúng mùi, “dằn xóc” lưỡi khi nhấm nháp. Theo đó, tôi nói, mật ong tôi bán, khách chỉ nên mua về để dùng nấu ăn thôi”, chị Xinh cho hay.
Rao bán mật ong cũng “thiên la địa võng”, “thề thốt đủ điều”… Mật ong giả mạo có thể gây ra không chỉ mất niềm tin của khách hàng mà còn ảnh hưởng đến thị trường và giá trị của mật ong nguyên chất.
Hiện nay người tiêu dùng thường phân vân khi chọn mua mật ong. Mật ong pha trộn thường có giá thành thấp hơn (đôi khi cao hơn nếu gặp tay bán điêu xảo) và thường không đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng và nguồn gốc. Điều này gây khó khăn cho thị trường mật ong vì người tiêu dùng cảm thấy khó tin tưởng, không sẵn sàng lựa chọn.
Để giải quyết vấn đề này, quản lý và giám sát chất lượng từ nguồn gốc đến sản phẩm cuối cùng là rất quan trọng. Sự minh bạch và công bằng trong quảng bá và bán hàng cũng cần được thúc đẩy để người tiêu dùng có thể tin tưởng và lựa chọn mật ong nguyên chất rõ ràng nhãn mác, bảo đảm chất lượng.