Thách thức về bảo vệ không gian an toàn

Nga đã trình lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ dự thảo nghị quyết kêu gọi tất cả các nước không triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian vũ trụ. Tuy nhiên, dự thảo này không được thông qua trong cuộc bỏ phiếu mới đây tại HĐBA do các nước thành viên vẫn chia rẽ về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: GARCIA
Biếm họa: GARCIA

Theo Reuters, để được thông qua, dự thảo nghị quyết trên cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ tại HĐBA LHQ và không có phiếu phủ quyết nào của một trong 4 nước ủy viên thường trực còn lại trong HĐBA, gồm Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Tại cuộc bỏ phiếu ngày 20/5 vừa qua, dự thảo nghị quyết của Nga chỉ nhận được 7 phiếu ủng hộ, trong khi có 7 phiếu chống và 1 phiếu trắng.

Dự thảo nghị quyết của Nga kêu gọi các nước ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ, đồng thời bảo đảm hòa bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác quốc tế theo các hiệp ước hiện hành. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nhấn mạnh, dự thảo nghị quyết của nước này nhằm mục đích kêu gọi chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian, bao gồm cả vũ khí hủy diệt hàng loạt và tất cả các loại vũ khí khác.

Hiệp ước Không gian vũ trụ được ký năm 1967 cấm các bên ký kết, trong đó có Mỹ và Nga, đưa lên quỹ đạo chung quanh Trái đất mọi vật thể mang theo vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hồi tháng trước, Nga đã phủ quyết bản dự thảo nghị quyết do Mỹ và Nhật Bản giới thiệu trước HĐBA LHQ về việc không triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ. Theo AP, bản dự thảo nghị quyết nhận được 13 phiếu thuận, trong khi Nga bỏ phiếu phủ quyết và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Bản dự thảo kêu gọi tất cả các thành viên LHQ, đặc biệt những nước có năng lực lớn trong lĩnh vực không gian, tiếp tục đóng góp tích cực vào mục tiêu sử dụng hòa bình không gian vũ trụ, ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ, đồng thời bảo đảm hòa bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác quốc tế theo các hiệp ước hiện hành. Tuy nhiên, Nga phủ quyết dự thảo này vì cho rằng, nó chưa đi đủ đi xa trong việc cấm tất cả các loại vũ khí trong không gian.

Nga và Trung Quốc đề xuất sửa đổi dự thảo do Mỹ - Nhật bảo trợ nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có năng lực lớn về không gian, ngăn chặn vĩnh viễn việc bố trí vũ khí ngoài không gian và đe dọa sử dụng vũ lực ngoài không gian.

Bất đồng nảy sinh khi Mỹ cho rằng, Nga đang giấu giếm ý định nào đó về phát triển vũ khí trong không gian. Mỹ cáo buộc Nga đang phát triển và đưa vào không gian một loại vũ khí hạt nhân có thể tấn công vệ tinh của các nước khác, điều mà Moscow bác bỏ. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Moscow luôn kiên quyết phản đối việc đưa vũ khí hạt nhân vào không gian.

Trước đề xuất của phái đoàn Nga và Trung Quốc về sửa đổi dự thảo do Mỹ - Nhật bảo trợ, các thành viên HĐBA cũng đã bác bỏ một điều khoản bổ sung trong dự thảo. Theo đó, HĐBA cần kêu gọi tất cả các nước, trước hết là các quốc gia có năng lực không gian như Nga và Mỹ, thực hiện mọi biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hoàn toàn việc triển khai vũ khí ngoài không gian, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong không gian, từ không gian tấn công Trái đất và từ Trái đất tấn công các vật thể trong không gian vũ trụ, đồng thời thông qua đàm phán để sớm xây dựng các thỏa thuận đa phương phù hợp, đáng tin cậy, mang tính ràng buộc pháp lý và có thể kiểm chứng.

Về quan điểm bảo vệ không gian an toàn, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng khẳng định, việc quản trị hiệu quả không gian vũ trụ là cần thiết vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Trong báo cáo giới thiệu chính sách mang tựa đề “Vì toàn thể nhân loại - Tương lai của quản trị không gian vũ trụ”, Tổng Thư ký Guterres cho rằng, việc bảo tồn không gian vũ trụ đòi hỏi các biện pháp quản trị kịp thời và đa phương.

Theo báo cáo, trong 10 năm qua, sự tiếp cận của con người và các hoạt động trong không gian vũ trụ đã cơ bản thay đổi và các nhân tố chính đằng sau những thay đổi này sẽ gia tăng trong những thập kỷ tới. Báo cáo đã nêu ra 3 dấu hiệu thể hiện cho xu hướng thay đổi "chưa từng có tiền lệ" này bao gồm số lượng các vật thể được phóng lên quỹ đạo; sự tham gia của khu vực tư nhân; cam kết của lĩnh vực công và lĩnh vực tư trong việc khai thác trở lại không gian và cho phép sự hiện diện lâu dài trong vũ trụ.

Báo cáo cho rằng, sự thay đổi mang tính cách mạng này mang lại cả cơ hội và thách thức, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu phát triển hơn nữa cơ chế quản trị hiện tại để không ngừng thúc đẩy các sáng kiến, khám phá và đạt các mục tiêu phát triển bền vững.