PV: Chào Lê Rin! Đâu là động lực thôi thúc bạn thực hiện cuốn sách lần này?
Họa sĩ Lê Rin: Tôi yêu các giá trị truyền thống Việt Nam và đặc biệt rất thích Tết Nguyên đán. Không quá lớn tuổi nhưng trải qua hơn 30 mùa xuân của cuộc đời, tôi cảm nhận rõ những thay đổi của Tết nay - Tết xưa. Tết xưa chân chất, đơn sơ nhưng chẳng hiểu sao tôi thấy vui hơn bây giờ nhiều. Tết ngày nay đủ đầy, vậy mà thèm món bánh dân dã tìm hoài chẳng thấy. Tôi thích những ngày Tết khi mình còn nhỏ, ngày đầu năm lo dậy thật sớm, mặc quần áo mới, đợi lì xì. Ý tưởng cho cuốn sách này đã nhen nhóm từ nhiều năm trước, đến nay mới thành hình. Đây là dịp để độc giả lớn tuổi ôn lại Tết của nhiều năm về trước và bạn trẻ hôm nay biết thêm đôi điều về Tết cổ truyền các vùng miền. Làm sách Tết song ngữ cũng là cách quảng bá văn hóa nước mình với bạn bè quốc tế.
PV: Việc thu thập thông tin, vẽ tranh và viết nội dung sách mất bao lâu? Anh gặp những thuận lợi, khó khăn nào trong quá trình thực hiện?
Họa sĩ Lê Rin: Trong sách, khoảng 20% chất liệu là ký ức Tết xưa tôi góp nhặt từ thời thơ bé đến bây giờ. Còn lại, thông tin làm sách tôi chủ yếu dựa vào cuộc khảo sát nhỏ với vài chục người bạn, sinh viên khắp 3 miền. Tôi soạn một bảng câu hỏi rất chi tiết để mọi người kể cho tôi nghe những tập tục, món ngon, nét riêng của ngày Tết quê họ. Sau đó tiến hành kiểm tra, đối chứng, bổ sung thêm các thông tin cần thiết. Quá trình thu thập tài liệu kéo dài cả năm trời, cộng thêm 3 tháng làm nội dung bản thảo, gần 5 tháng hoàn thành hình vẽ.
PV: Cuốn sách thứ 4 của anh có gì khác biệt với những cuốn trước kia?
Họa sĩ Lê Rin: Đợt này tôi vẽ hơn 200 phác thảo nhưng chỉ đưa vào sách hơn 150 hình. Những hình còn lại sẽ đưa vào sách tái bản, bổ sung thêm nội dung cho đầy đặn hơn. Gần 10 năm nay, người ta đã quá quen với những cuốn sách toàn tranh vẽ mầu nước của tôi rồi, cuốn nào cũng vài trăm hình. Nhưng lần này tôi muốn mọi người tiếp cận sách theo góc nhìn khác nên đã có sự thay đổi. Ở “Tết ba miền”, tôi tập trung nhiều hơn cho phần nội dung bản thảo chứ không chỉ viết ngắn gọn theo kiểu giới thiệu chung chung.
PV: Khoảng 20% nội dung cuốn sách là ký ức Tết xưa của anh cùng gia đình. Tại sao không nhiều hơn hoặc ít hơn?
Họa sĩ Lê Rin: Thật ra ban đầu dự định của tôi là làm sách về chủ đề “Tết Việt - Tết xưa” nhưng vì chưa đủ tư liệu và nhận thấy bản thân chưa đủ trải nghiệm, kinh nghiệm để triển khai một nội dung quá lớn như vậy nên đã có sự điều chỉnh. Và tôi không muốn làm một cuốn sách với quá nhiều kỷ niệm cá nhân, định hướng độc giả mà thích mọi thứ khách quan, mở ra nhiều góc tiếp cận. Tôi chọn kể lại những nét đẹp của Tết các vùng miền trong vài chục năm gần đây, đủ để gợi nhớ ký ức của nhiều người và giúp bạn trẻ thời hiện đại không thấy xa lạ. Khi biết rõ, mình kể lại sẽ thuyết phục hơn. Điều tôi hạnh phúc hơn cả là có thể kể cho mọi người nghe về những kỷ niệm rất đẹp về Tết thời thơ ấu khi cả nhà quây quần bên nhau làm cốm nổ, khi nhìn bà và mẹ gói bánh chưng, bánh tét hay khi nhận lì xì, ăn bao món ngon chỉ có trong ngày đầu năm mới.
PV: Xin cảm ơn và chúc cho những dự án sắp tới của anh gặp nhiều thuận lợi!
“Tết ba miền” là bức tranh sống động, tái hiện không khí chuẩn bị và thưởng thức Tết cổ truyền của người Việt từ ngày 15 tháng Chạp đến hết mồng 3 tháng Giêng. Đây là hành trình khám phá nét đẹp văn hóa vùng miền ngày Tết qua các hoạt động và đồ vật đặc trưng của mỗi giai đoạn. Với những hình ảnh và thông tin được chắt lọc khéo léo, ngày Tết trong cuốn sách này không đơn thuần là dịp lễ hội để mọi người vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm vất vả ngược xuôi mà còn là không gian văn hóa dân gian chứa đựng những bài học sâu sắc về tình yêu thương, ơn nghĩa và sự sẻ chia.