Tây Phi trong cuộc chiến chống nạn đói

LHQ cảnh báo các quốc gia Tây Phi đang phải đối mặt nạn đói gia tăng, với khoảng 48 triệu người thiếu ăn. Con số cao nhất trong vòng 10 năm qua cũng cho thấy tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại khu vực vốn là điểm nóng an ninh của thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
LHQ cảnh báo nạn đói lan rộng ở Tây Phi. Ảnh: WFP
LHQ cảnh báo nạn đói lan rộng ở Tây Phi. Ảnh: WFP

AP dẫn báo cáo của LHQ cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực đã ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia Tây Phi, đặc biệt là Burkina Faso, Mali, Niger, miền bắc Nigeria và Mauritania. Nạn đói nghiêm trọng xảy ra do suy thoái kinh tế và lạm phát, cũng như hệ quả từ đại dịch Covid-19. Trong đó ước tính khoảng 45.000 người ở vùng Sahel, vùng đất khô cằn gần sa mạc Sahara, đang cận kề bờ vực nạn đói. “Phần lớn trong số đó, khoảng 42.000 người là công dân Burkina Faso và 2.500 người ở Mali, dự báo sẽ trải qua tình trạng cạn kiệt lương thực ở mức độ năm trong thang đo gồm sáu cấp độ nạn đói”, ông Ann Defraye, chuyên gia dinh dưỡng khu vực của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) ở Tây và Trung Phi giải thích.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, tình hình ở Sahel đến nay đã vượt ngưỡng đáng báo động. Các cơ quan LHQ tại địa bàn đã cảnh báo nạn đói nghiêm trọng tại đây từ khi bắt đầu bùng nổ đại dịch, trong bối cảnh an ninh bất ổn và thường xuyên xảy ra giao tranh. “Ở nhiều khu vực, các gia đình ngày càng khó tìm được thực phẩm dinh dưỡng cho bữa ăn, đặc biệt là ở những nơi chúng tôi không thể tiếp cận được vì bị phiến quân phong tỏa”, ông nói thêm. Tình hình càng cấp bách hơn khi bạo lực do các nhóm phiến quân và khủng bố gây ra, đã tàn phá cả khu vực trong nhiều năm liền.

Tại Burkina Faso và Mali, các nhóm thánh chiến cực đoan đã phong tỏa hàng chục ngôi làng, cắt đứt lối vào các trang trại và rải chất nổ dọc đường, khiến người dân khó di chuyển tự do để tìm thức ăn. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan cứu trợ phải di chuyển bằng máy bay đến để hỗ trợ lương thực. Điều này càng gây tốn kém và không thể thực hiện thường xuyên, liên tục. Theo Bloomberg, người dân sống tại các thị trấn bị bao vây ở Burkina Faso cho biết họ đang phải vật lộn để sinh tồn. “Chúng tôi không có đủ thức ăn. Mọi người ăn cả củ và vài loại lá cây họ kiếm được,” một người dân trong khu vực bị phong tỏa ở Burkina Faso cho biết.

Một số nhóm viện trợ đã tìm cách cung cấp lương thực và dầu cho các vùng cô lập. Tuy nhiên, người dân vẫn còn thiếu thốn khí đốt, không có đủ xăng dầu để xay xát ngũ cốc và nhiều người cũng không thể rời khỏi làng mạc vì lo ngại nguy hiểm. Báo cáo cũng cho thấy nạn đói đang lan rộng khắp biên giới Burkina Faso sang các nước láng giềng Togo và Benin. Gần một triệu người tại hai quốc gia này dự kiến ​​sẽ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, gần gấp đôi số liệu năm 2021.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cũng đặc biệt lo ngại tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em trong khu vực Tây Phi. Dự đoán khoảng 16,5 triệu trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính trong năm 2023, trong đó có 4,8 triệu trẻ em mắc phải dạng suy nhược nghiêm trọng (SAM). Giám đốc khu vực Tây Phi của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), ông Chris Nikoi cho biết: “Tình hình dinh dưỡng và an ninh lương thực ngày càng leo thang ở Tây Phi rất đáng báo động. Cần phải đầu tư lớn vào việc tăng cường năng lực của các cộng đồng và cá nhân để chống lại nạn đói, đồng thời ưu tiên các giải pháp địa phương và dài hạn để sản xuất, chuyển đổi và tiếp cận lương thực cho các nhóm dễ bị tổn thương”.

Cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng dự báo sẽ tác động nhiều chiều đến điều kiện sống của những người dân, đặc biệt nghiêm trọng ở những khu vực đã trải qua khủng hoảng nhân đạo. “Điều này đòi hỏi phải gấp rút triển khai xây dựng hệ thống thực phẩm, y tế, nước sạch, vệ sinh và các chương trình bảo trợ xã hội hướng tới các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ nhỏ. Đồng thời hỗ trợ các chính phủ tăng cường hệ thống y tế ở cấp cơ sở để phòng ngừa và xử lý tình trạng suy dinh dưỡng”, đại diện WFP nhấn mạnh.