Tăng thêm cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội

Nhiều đề xuất được đưa ra nhằm thêm hướng tiếp cận nhà ở xã hội cho người dân có thu nhập thấp, công nhân lao động… Đây là nội dung đang được thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chung quanh dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu nhà ở xã hội của người lao động vẫn ở mức cao. Ảnh: HẢI NAM
Nhu cầu nhà ở xã hội của người lao động vẫn ở mức cao. Ảnh: HẢI NAM

Chính sách chưa hợp lý

Bám trụ ở khu vực nhà trọ thuộc phường Tam Trinh, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã hơn 10 năm, việc có một ngôi nhà để “an cư, lạc nghiệp” đối với vợ chồng anh Minh-chị Loan - hiện đang làm công nhân cho một công ty giấy đóng trên địa bàn - vẫn chỉ là… giấc mơ. “Lương hai vợ chồng ổn định ở mức 15 triệu đồng/tháng nhưng phải gánh đủ tiền thuê nhà, tiền học cho hai đứa con nhỏ, tiền sinh hoạt, điện nước, xăng xe đi lại… Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hiện dao động từ 900 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, trả góp tối thiểu đã mất hết tiền lương rồi!”, anh Minh nói. Đã tính toán nhiều năm, nâng lên đặt xuống tờ giấy để xin làm thủ tục nhưng cuối cùng anh thấy không dư ra được khoản nào để trả gốc và lãi vay hằng tháng mua nhà ở xã hội, nên không đi làm thủ tục xác minh là người thu nhập thấp để mua nhà ở xã hội nữa.

Cơ quan chức năng cũng vướng nhiều thủ tục phức tạp, nhất là phải xác minh đối tượng không nộp thuế thu nhập thường xuyên; xác nhận đối tượng chưa có nhà ở. Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng lên tiếng: “10 năm qua, giá nhà tăng rất cao so thu nhập của người dân. Về lãi suất, mặc dù các ngân hàng đã đưa ra lãi suất 8%, nhưng người thu nhập thấp trả được gốc đã khó, huống chi là lãi suất 8% cũng vẫn rất cao”.

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho thấy, phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không có dự án mới trong giai đoạn 3 - 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, nhu cầu của phân khúc này chiếm tới 70 - 80% và đều là nhu cầu ở thực. Bên cạnh đó, rõ ràng các quy định hiện hành đang làm khó cho cả đối tượng được hưởng ưu đãi lẫn cơ quan chức năng.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 26/10, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Vấn đề nhà ở và nhà ở xã hội được đặc biệt quan tâm bởi còn nhiều vướng mắc tồn tại trong những năm qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng: “Xây dựng nhà lưu trú công nhân trong Khu công nghiệp là việc làm rất cần thiết. Đây là nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, đem lại nhiều tác động tích cực, tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt của người lao động; đặc biệt là góp phần hỗ trợ công nhân có thu nhập thấp, chưa có điều kiện để mua nhà ở hay công nhân mới đến sinh sống, làm việc tại khu công nghiệp. Để bảo đảm sức khỏe, môi trường sống, điều kiện của công nhân, người lao động thì cần quy định chặt chẽ các điều kiện về quy mô xây dựng nhà lưu trú, khoảng cách bảo đảm an toàn môi trường”.

Cũng theo bà Nga, để bảo đảm nhà lưu trú cho công nhân được sử dụng đúng mục đích, đúng người, đúng đối tượng, đề nghị bổ sung quy định. Sau khi xét duyệt và cho thuê, phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý theo định kỳ một lần/tháng, nhằm tăng cường công tác quản lý của Nhà nước cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc cho thuê nhà lưu trú cho công nhân.

Tăng thêm cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội ảnh 1

Khu nhà ở xã hội ECOHOME 3 phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN NAM

Mô hình thiết chế công đoàn

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp trong Luật Nhà ở. Về vấn đề này, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo hai phương án như sau:

Phương án 1: Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.

Phương án 2: Chưa quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi). Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất thí điểm quy định, Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp được mua, thuê mua. Điều này mở nhiều cơ hội an cư lạc nghiệp cho hàng triệu công nhân.

Được biết, ngay từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655 về việc thí điểm xây dựng một số thiết chế công đoàn trong đó có nhà ở trong các khu công nghiệp và xây dựng những thiết chế công đoàn này do Tổng LĐLĐ Việt Nam là đơn vị chủ trì. Như vậy, từ đó đến nay, đã có sáu năm Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn. Hiện đã có 12 địa phương phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để có thể giới thiệu quỹ đất cho Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai xây dựng các thiết chế.

Hiện đã có hai thiết chế công đoàn tại hai tỉnh là Hà Nam và Tiền Giang do Tổng LĐLĐ triển khai đầu tư xây dựng. Tại Hà Nam, thiết chế công đoàn đã xây dựng gần 1.000 căn hộ nhà ở tại khu công nghiệp. Khu thiết chế này có thiết kế hiện đại và nằm gần khu dân cư, trường học, nhà trẻ, chợ, trạm y tế, nhất là gần nơi làm việc và giá thuê hợp lý nên các căn hộ luôn đầy ắp. Tuy nhiên, với trên 80 nghìn công nhân tại các khu công nghiệp của Hà Nam, trong đó 40% là người tỉnh khác thì khu thiết chế này chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu nhà ở của người lao động.

Theo bà Phạm Thu Giang, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Nam: “Mong muốn của người lao động trên địa bàn tỉnh là các khu công nghiệp cần có nhà lưu trú và trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Song song vấn đề nhà ở, cần có thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người lao động được thuê, mua nhà ở”.

Ông Hà Quang Hưng, Cục phó Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Việc một dự án nhà ở cho thuê để có khả năng thu hồi vốn thì thời gian khá dài, thường từ 15-20 năm. Vấn đề này cũng đặt ra nguồn lực của Tổng LĐLĐ hiện nay là đến đâu? Như chúng tôi được biết, hiện nay Tổng LĐLĐ đã có một nguồn vốn tài chính công đoàn để riêng ra chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê này với mức tài chính khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, khoản này được trích từ quỹ tài chính công đoàn. Thời gian tới, Tổng LĐLĐ tiếp tục dành những nguồn vốn từ nguồn tài chính công đoàn này để đầu tư. Như vậy, với mục đích đầu tư tại một số vùng trọng điểm, khó khăn, đầu tư với tính chất mẫu, thí điểm với việc chuẩn bị nguồn vốn, tài chính như thế thì tôi đánh giá rằng, việc Tổng LĐLĐ đầu tư các nhà ở xã hội cho thuê là có cơ sở, có tính khả thi”.

“Tổng LĐLĐ ngoài việc có nguồn vốn, cũng đã xây dựng được một đơn vị, một tổ chức để thực hiện việc đầu tư xây dựng. Thiết chế công đoàn theo QĐ 655 của Thủ tướng Chính phủ đó là Ban quản lý xây dựng thiết chế công đoàn của Tổng LĐLĐ”, ông Hưng cho biết thêm.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện cả nước mới hoàn thiện 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 7,3 triệu m2/sàn nhưng số lượng này chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động. Nguồn cung nhà lưu trú cho công nhân cả nước hiện mới đáp ứng 10% nhu cầu. Những con số này dự kiến sẽ tăng nhanh nếu hệ thống chính sách hợp lý được ban hành kịp thời.