Tăng cường an toàn cho vận tải hàng không

Theo dữ liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2017-2021, hoạt động của ngành hàng không thương mại cho thấy đã có cải thiện mạnh mẽ về các chỉ số an toàn khi chỉ ghi nhận một vụ tai nạn sau 810.000 chuyến bay. Tuy nhiên, vụ tai nạn hôm 21/3 của máy bay Boeing 737 tại Quảng Tây (Trung Quốc) khiến 132 người thiệt mạng, tiếp tục thúc đẩy các hãng hàng không tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn bay. 

Nhiều quốc gia đang siết chặt an toàn bay sau vụ tai nạn của máy bay Boeing ở Trung Quốc. Ảnh: LUFTHANSAGROUP
Nhiều quốc gia đang siết chặt an toàn bay sau vụ tai nạn của máy bay Boeing ở Trung Quốc. Ảnh: LUFTHANSAGROUP

Phương thức di chuyển an toàn bậc nhất

IATA - tổ chức đại diện cho khoảng 290 hãng hàng không, chiếm 83% lưu lượng hàng không toàn cầu, vừa công bố dữ liệu cho thấy, hoạt động bay an toàn năm 2021 của ngành hàng không thương mại có sự cải thiện rõ rệt trong một số tiêu chí so năm 2020 và so cả giai đoạn 5 năm (2017-2021). Theo đó, điểm nổi bật trong ngành hàng không thương mại quốc tế là tổng số vụ tai nạn, tỷ lệ tất cả các vụ tai nạn và số người chết đều giảm. 

The National dẫn số liệu trong báo cáo hằng năm mới nhất về an toàn hàng không của IATA cho hay, năm 2021 đã xảy ra khoảng 26 vụ tai nạn hàng không, so 35 vụ được ghi nhận vào năm 2020. Năm 2021, cứ mỗi một triệu chuyến bay ghi nhận 1,01 vụ tai nạn; con số này trong năm 2020 là 1,58 vụ và trong cả giai đoạn 2017-2021 là 1,23 vụ. 

Kể từ những năm 50 thế kỷ trước, các vụ tai nạn máy bay làm chết người đã giảm mạnh mỗi thập niên, một thành tựu đáng kể nhờ sự phát triển vượt bậc của vận tải hàng không. Theo Tập đoàn bảo hiểm Allianz có trụ sở tại Đức, năm 1959, 40 vụ tai nạn chết người trên một triệu chuyến bay khởi hành ở Mỹ. Trong vòng 10 năm, con số này đã được cải thiện xuống dưới hai vụ tai nạn sau mỗi một triệu chuyến khởi hành và ngày nay giảm xuống còn chưa đến một vụ sau mỗi một triệu chuyến bay.

Hiện tại, hàng không vẫn là ngành vận tải có mức độ an toàn vượt trội so các phương thức di chuyển hiện đại khác. Theo số liệu báo cáo năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong trên 1 tỷ km di chuyển bằng máy bay được ước tính là 0,003%, so tỷ lệ ở giao thông đường sắt là 0,27% và 2,57% đối với giao thông đường bộ.

Sự cải thiện về an toàn hàng không có được là nhờ sự kết hợp của một số yếu tố, trong đó phải kể đến những bước tiến vượt bậc về mặt kỹ thuật. Sự ra đời của động cơ phản lực vào thập niên 50 thế kỷ trước cung cấp mức độ an toàn và độ tin cậy chưa từng có so các động cơ piston trước đó. Sự ra đời của thiết bị điện tử, đáng chú ý nhất là sự ra đời của các công cụ kỹ thuật số, hay còn được gọi là “buồng lái kính” vào những năm 70 của thế kỷ trước cũng là thành tựu đáng chú ý. Những cải tiến trong cảm biến, thiết bị định vị và công nghệ kiểm soát không lưu, chẳng hạn như hệ thống kiểm soát chống va chạm, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức độ an toàn.

Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh cho biết, số lượng chuyến bay bị cắt giảm nghiêm trọng trong năm 2021 so mức trung bình 5 năm qua đã tác động đến việc tính toán tỷ lệ các vụ tai nạn hàng không. Tuy nhiên, dù đối mặt nhiều thách thức trong hoạt động, ngành công nghiệp vận tải hàng không đã cải thiện mạnh mẽ một số chỉ số an toàn quan trọng.

Tiếp tục cải thiện khả năng phòng ngừa rủi ro

Trung Quốc cùng Bắc Mỹ và châu Âu là các thị trường vận tải hàng không hàng đầu thế giới. Các hãng vận tải hàng không chịu thiệt hại nặng nề trong bối cảnh những biện pháp hạn chế hoặc cấm bay được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo Boeing Co, số lượng hành khách ở Trung Quốc lần đầu vượt Mỹ vào năm 2020, một phần là do đất nước với dân số đông nhất thế giới đã mở cửa trở lại du lịch nội địa tương đối nhanh sau đợt bùng phát Covid-19 ban đầu. Boeing dự báo tăng trưởng vận tải hàng không là 5,4% và Trung Quốc sẽ chiếm tới một phần sáu năng lực tăng thêm của các hãng hàng không trong tương lai.  

Mức độ an toàn của hàng không Trung Quốc được cải thiện đáng kể sau các vụ tai nạn từng xảy ra trong giai đoạn 1990 đến 2000 và tiếp tục được tăng cường hơn nữa sau sự cố hôm 21/3 của máy bay Boeing 737 tại Quảng Tây. Vụ tai nạn của hãng China Eastern Airlines vừa qua là vụ việc nghiêm trọng nhất của ngành hàng không Trung Quốc trong hơn 10 năm gần đây. Theo ABC News, kể từ năm 2010, đất nước có dân số đông nhất thế giới này không có báo cáo về các vụ tai nạn máy bay có hơn năm người thiệt mạng trong mỗi vụ.

Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) và hãng China Eastern Airlines đã cử các quan chức đến hiện trường máy bay rơi tại Quảng Tây. Ủy ban An toàn giao thông vận tải quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết, một điều tra viên cấp cao đã được chọn để trợ giúp và Cục Hàng không liên bang (FAA) của Mỹ, cơ quan đã chứng nhận cho Boeing 737-800, sẵn sàng trợ giúp nếu được yêu cầu.

Sau vụ tai nạn, ngành hàng không dân dụng Trung Quốc đang tích cực triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường bảo đảm an toàn hoạt động của máy bay Boeing 737 thuộc hãng hàng không China Eastern Airlines. Theo đó, CAAC yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc lập tức đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm an toàn bay, đưa ra các chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác an toàn, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát rủi ro, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và tiêu chuẩn vận hành, cũng như thực hiện trách nhiệm giám sát an toàn. 

CAAC yêu cầu toàn ngành hàng không dân dụng Trung Quốc lập tức thực hiện đợt thanh tra về an toàn hàng không trong hai tuần nhằm tăng cường giám sát các rủi ro và bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng không, cũng như tính mạng của người dân. Theo Global Times, các hãng hàng không ở Trung Quốc cũng đang điều chỉnh để nâng cao hiệu quả điều phối phi hành đoàn, đồng thời triển khai các biện pháp giảm bớt căng thẳng tâm lý của các thành viên phi hành đoàn sau vụ tai nạn. Cổng thông tin thepaper.cn của Trung Quốc cũng cho biết, hãng hàng không China Eastern Airlines đang cải thiện khả năng phòng ngừa rủi ro tại buồng lái. Theo quy định mới của hãng, trong buồng lái bắt buộc phải có ba phi công có kinh nghiệm, thay vì hai phi công như trước đây.

Ấn Độ cũng có những biện pháp tăng cường giám sát an toàn bay ngay sau vụ tai nạn hôm 21/3 tại Trung Quốc. Hãng thông tấn PTI dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng (DGCA) của Ấn Độ, ông Arun Kumar cho biết, các cơ quan chức năng Ấn Độ sẽ giám sát tăng cường các máy bay Boeing 737. Năm 2019, Ấn Độ từng áp dụng lệnh đình chỉ bay với Boeing 737 Max sau các vụ tai nạn liên quan mẫu máy bay này cuối năm 2018 tới đầu 2019, khiến 346 người thiệt mạng. Đến tháng 8/2021, Ấn Độ mới cho phép mẫu máy bay này hoạt động bình thường trở lại.

Cơ quan Hàng không dân dụng Thailand (CAAT) cũng tăng cường kiểm tra toàn diện đối với năm hãng hàng không khai thác máy bay Boeing 737-800 tại nước này. Tổng Giám đốc CAAT Suttipong Kongpool yêu cầu tất cả máy bay đang khai thác phải trải qua các cuộc kiểm tra an toàn và các hãng phải có trách nhiệm thông báo về mọi vấn đề kỹ thuật bất thường.

Giám đốc Cục Hàng không liên bang (FAA) của Mỹ Steve Dickson bày tỏ tin tưởng các điều tra viên và chuyên gia sẽ tìm ra nguyên nhân dẫn tới vụ rơi máy bay Boeing 737-800 tại Trung Quốc. Trả lời CNBC, ông Dickson nêu rõ, theo nguyên tắc điều tra, FAA không được tin vào bất kỳ suy đoán nào về nguyên nhân vụ việc. Giám đốc FAA đồng thời khẳng định, các máy bay 737 NG, trong đó có dòng 737-800, là một trong những máy bay an toàn nhất từng được sản xuất để khai thác bay thương mại.