Tận dụng lợi thế từ xu hướng đầu tư mới

“Trung Quốc +1” - mô hình chuyển dịch và lập thêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới ở nước khác nhằm giảm chi phí và rủi ro đang khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu của các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp hỗ trợ...
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để thu hút các ngành công nghiệp, công nghệ cao. Ảnh: NAM ANH
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để thu hút các ngành công nghiệp, công nghệ cao. Ảnh: NAM ANH

Sự xuất hiện của mô hình “Trung Quốc +1”, đặc biệt là khi xung đột thương mại giữa Trung Quốc và một số đối tác thương mại lớn của nước này ngày càng gia tăng, đã chứng kiến các chiến lược tái cơ cấu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm rủi ro được thực hiện trên quy mô lớn. Việt Nam có lợi thế với đường bờ biển dài, là vị trí giao thương thuận tiện, nối đất nước với một loạt các thương cảng trên thế giới cũng đang tận dụng những xu hướng này để trở thành một trung tâm sản xuất trong khu vực. Ngoài ra, các doanh nghiệp đến Việt Nam đều được hưởng lợi nhờ chi phí đất đai, chi phí lao động thấp hơn, với dân số trẻ hơn.

Ngoài các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tìm hướng đầu tư đến Việt Nam do môi trường kinh doanh thuận lợi và quy mô nền kinh tế trong nước. Tuy các doanh nghiệp này không hoạt động trong những ngành hấp dẫn và sinh lời nhiều như sản xuất điện thoại di động và máy tính xách tay, nhưng họ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đồng thời, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và cung cấp đào tạo kỹ năng thậm chí còn nhiều hơn so doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trái ngược với các công ty đa quốc gia, nơi nhân viên có thể bị giới hạn công việc trong một nhiệm vụ, một thao tác máy móc, các ngành công nghiệp hỗ trợ thường tạo cơ hội lớn hơn cho nhân viên hoạt động theo chiều ngang trong tổ chức, cho phép họ phát triển nhiều kỹ năng hơn. Điều này có thể đặc biệt có lợi cho những nhân viên muốn thăng tiến trong sự nghiệp, cũng như cho chính các doanh nghiệp, vì họ được hưởng lợi từ việc có một lực lượng lao động linh hoạt và dễ thích nghi hơn. Hơn nữa, người lao động Việt Nam, được đánh giá là ham học hỏi phát triển các kỹ năng và coi trọng mối quan hệ với những người chung quanh. Đây là một đặc điểm rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất.

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ đối với sự phát triển bền vững của ngành sản xuất Việt Nam, Chính phủ đã có các chính sách giảm thuế và ưu đãi cho các doanh nghiệp. Cụ thể, Nghị định 57 cung cấp các ưu đãi từ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đến thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm đầu tiên đối với thu nhập phát sinh từ các dự án mới trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù là doanh nghiệp mới thâm nhập hay đang đi theo mô hình “Trung Quốc +1”, đều được hưởng lợi đáng kể từ các ưu đãi này. Tuy nhiên, tiến trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng nội địa của Việt Nam còn chậm.

Năm 2022, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ còn khoảng 36%, khá thấp so các đối thủ cạnh tranh chính là Ấn Độ và Trung Quốc. Theo xu hướng này, chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp ở Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ, chiếm chưa đến 0,4% trong số một triệu doanh nghiệp hiện đang kinh doanh trong nước. Nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đa dạng hóa khi đầu tư vào Việt Nam, đây chỉ là một thách thức nhỏ.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực tham gia hội nhập, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, các thỏa thuận song phương và đa phương với các nước trên thế giới, giúp tạo thuận lợi cho thương mại và dòng đầu tư trong và ngoài khu vực. Do đó, việc tìm nguồn cung ứng linh kiện và vận chuyển chúng đến Việt Nam để lắp ráp, hoặc vận chuyển các bộ phận và linh kiện từ Việt Nam đi nơi khác để lắp ráp ngày càng trở nên rẻ hơn và dễ dàng hơn. Hơn nữa, các diễn đàn, hội thảo quảng bá Việt Nam là điểm đến của ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng trở nên phổ biến. Thông qua việc đưa ra các chương trình khuyến khích đầu tư và mở rộng sản xuất, các cơ quan chức năng cũng đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập nhà máy và xí nghiệp mới trong nước. Điều này khiến cho một số nhà sản xuất lớn cũng đang muốn mở rộng ngành công nghiệp hỗ trợ của họ tại Việt Nam. Thí dụ như Samsung đã mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 200 triệu USD tại Hà Nội, hay Sunny Optical của Trung Quốc đầu tư 2,5 tỷ USD vào việc phát triển các cơ sở ở Thái Nguyên...

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thương mại theo đuổi chiến lược “Trung Quốc +1” cũng đang được khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. Khảo sát về điểm đến của nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 của tập đoàn CBRE cho thấy, TP Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn thứ 3 ngay sau Tokyo và Singapore; Thủ đô Hà Nội đứng thứ 9, trên cả Seoul, Hàn Quốc. Theo CBRE thì Việt Nam, Indonesia và Philippines hấp dẫn các công ty đa quốc gia muốn đa dạng hóa đầu tư khỏi Trung Quốc. Những thay đổi như vậy tạo động lực cho tất cả các loại hình bất động sản, từ logistic, văn phòng đến phòng trưng bày. Tuy nhiên, nhìn chung, các nhà đầu tư châu Á đang cảnh giác với bất động sản chi phí lãi suất cao, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu không chắc chắn và nguy cơ lây lan từ những vụ ngân hàng vỡ nợ tại Mỹ.

Hiện tại, Việt Nam chưa thể là công xưởng của thế giới mà chỉ mới là địa điểm mới, bổ sung với các doanh nghiệp lớn. Quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu đã khiến nước ta phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu. Thời kỳ đóng cửa của Trung Quốc trong đại dịch đã ảnh hưởng tới xuất khẩu do các doanh nghiệp không tìm được nguồn nguyên liệu đầu vào. Việc thay thế, tìm kiếm chuỗi cung ứng sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và phải làm trong dài hạn. Nhưng với lợi thế từ chi phí đất đai, lao động, dân số trong độ tuổi lao động sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, đất nước có thể nâng cao hoạt động sản xuất, nâng cấp nền kinh tế bằng cách thu hút các ngành công nghiệp, công nghệ cao.