Tận dụng FDI thu hút vốn nhân lực

Vốn nhân lực là tổng thể kiến thức, kỹ năng và trình độ chuyên môn mà người lao động tích lũy được. Với người sử dụng lao động, nó được đánh giá cao khi mức độ đầu tư và phát triển vốn nhân lực gắn liền với khả năng tăng năng suất lao động. Với người lao động, nó rất được coi trọng vì đầu tư cho vốn nhân lực được coi là một phương cách hiệu quả để gia tăng thu nhập trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Để sử dụng công nghệ mới, người lao động phải có các kỹ năng cần thiết. Ảnh: NGUYỆT ANH
Để sử dụng công nghệ mới, người lao động phải có các kỹ năng cần thiết. Ảnh: NGUYỆT ANH

Theo nghiên cứu “Tác động của sự mở cửa với vốn nhân lực: Nghiên cứu tại các quốc gia theo trình độ phát triển” của Đại học Quốc gia Hà Nội trên 112 quốc gia, tác động của mở cửa với vốn nhân lực rất khác nhau giữa các nhóm quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển cần chú trọng tới hiệu quả thu hút vốn nhân lực của các yếu tố chính như sự phát triển nội tại của nền kinh tế qua mức độ tăng trưởng và sự chuyển đổi các cơ cấu kinh tế; mức độ đô thị hóa; đầu tư trực tiếp nước ngoài; sự mở cửa thương mại quốc tế.

Xét đến sự phát triển nội tại của nền kinh tế ở mỗi quốc gia thì tăng trưởng kinh tế cao có tác động tích cực đến vốn nhân lực ở tất cả các nước. Vì hai thành phần chính của vốn nhân lực là giáo dục - đào tạo và sức khỏe. Khi mức GDP tăng, nguồn lực được phân bổ nhiều hơn cho các hoạt động giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe. Mức độ vốn nhân lực của đất nước sẽ tăng lên khi mọi người có thêm kiến thức, nâng cao kỹ năng và tăng cường sức khỏe thể chất.

Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng có tác động đáng kể đến vốn nhân lực. Vì giảm tỷ trọng của khu vực nông nghiệp hoặc tăng tỷ trọng của khu vực phi nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành vốn nhân lực. Sự mở rộng trong các lĩnh vực phi nông nghiệp tạo ra nhiều việc làm hơn với các kỹ năng luôn đòi hỏi khắt khe hơn. Cơ hội việc làm cao hơn sẽ khuyến khích mọi người muốn có được mức độ giáo dục cao hơn để trang bị thêm các kỹ năng cần thiết.

Cũng có mối quan hệ tích cực giữa đô thị hóa và vốn nhân lực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Vì khi tốc độ đô thị hóa tăng lên, nhiều người có thể di chuyển từ nông thôn ra thành thị. Sống ở khu vực đô thị, mọi người cần có các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhiều loại công việc có sẵn. Do đó, nhu cầu về giáo dục tăng lên. Về phía cung, cơ sở hạ tầng tốt hơn ở các khu đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giáo dục. Nhiều trường học, trường đại học, trung tâm đào tạo và học viện được phân bổ tại các thành phố, giúp người dân đô thị tiếp cận giáo dục tốt hơn, dễ dàng hơn, hình thành tích lũy vốn nhân lực.

Vốn nhân lực, được định nghĩa là kho kiến thức, kỹ năng và năng lực mà lực lượng lao động sở hữu, là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế. Còn tiến bộ công nghệ cũng là một động cơ quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Tiến bộ công nghệ được thực hiện dưới hình thức tạo ra kiến thức hoàn toàn mới hoặc áp dụng công nghệ hiện có. Trong cả hai trường hợp, sự thành công trong phát minh công nghệ mới hoặc hấp thụ công nghệ hiện có phụ thuộc vào mức độ vốn nhân lực một quốc gia.

Và FDI được biết đến như một phương tiện hiệu quả để chuyển giao công nghệ. Vì hầu hết công nghệ tiên tiến trên thế giới được sở hữu và kiểm soát bởi các tập đoàn đa quốc gia (MNC) nhờ những nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của họ. Khi các MNC thiết lập cơ sở của họ ở các nước chủ nhà, họ có thể sử dụng công nghệ vượt trội, cho phép tận dụng lợi thế của doanh nghiệp địa phương và đạt được năng suất lao động cao hơn. Để sử dụng công nghệ mới, người lao động phải có các kỹ năng cần thiết và do đó, cần cung cấp đào tạo cho người lao động địa phương.

Có nhiều hình thức đào tạo, bao gồm đào tạo tại chỗ, hội thảo và đào tạo chính thức khi người lao động nhận được hỗ trợ tài chính do các công ty nước ngoài cung cấp để tài trợ cho việc học chính thức của họ ở nước sở tại hoặc nước ngoài. Hơn nữa, các mối liên kết xuôi ngược mà MNC thiết lập với các công ty địa phương ở nước sở tại liên kết hiệu quả kinh doanh của họ với hiệu quả kinh doanh của các đối tác địa phương. Kết quả là các MNC có động cơ mạnh mẽ để cung cấp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung cấp và khách hàng địa phương.

Ngoài đóng góp trực tiếp, FDI có thể tạo ra tác động gián tiếp tích cực đối với việc hình thành vốn nhân lực ở nước sở tại thông qua hiệu ứng lan tỏa năng suất. Các cơ chế lan truyền hiệu ứng lan tỏa năng suất từ FDI có thể hoạt động thông qua ba kênh, đó là hiệu ứng lan tỏa, hiệu ứng cạnh tranh và dịch chuyển lao động:

Thứ nhất, sự tồn tại của các công ty nước ngoài ở nước sở tại là minh chứng tốt nhất về cập nhật công nghệ, kỹ năng quản lý và chuyên môn cũng như cách thức tiến hành kinh doanh của họ. Dựa trên sự quan sát chặt chẽ, các doanh nghiệp trong nước có thể học hỏi, bắt chước và áp dụng kiến thức này.

Thứ hai, sự ra đời của MNC đặt ra nhiều áp lực cạnh tranh hơn đối với các doanh nghiệp trong nước, buộc họ phải hoạt động hiệu quả hơn. Để tăng năng suất, các doanh nghiệp trong nước buộc phải áp dụng công nghệ mới và tiên tiến cũng như nâng cao kỹ năng của người lao động.

Thứ ba, phổ biến tri thức trong thị trường lao động. Thông qua kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài, người lao động địa phương có được kiến thức và kỹ năng mới và những người lao động đó, khi họ chuyển việc, có thể truyền bá kiến thức này, điều này sẽ có lợi cho những người lao động khác trong các doanh nghiệp mà họ làm việc sau này.

Ngoài việc tăng cường hình thành vốn nhân lực ở nước sở tại, đầu tư dưới hình thức FDI tìm kiếm hiệu quả được thu hút vào một quốc gia có vốn nhân lực cao. Từ quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài, sự gia tăng vốn nhân lực làm tăng năng suất lao động và làm cho nền kinh tế trở nên năng suất và cạnh tranh hơn. Vì vốn nhân lực là yếu tố quyết định sức hấp dẫn của FDI, nên các nước tiếp nhận đầu tư có động lực mạnh mẽ để đầu tư vào vốn nhân lực. Để thu hút FDI, nhiều nguồn lực hơn được phân bổ cho giáo dục và y tế, dẫn đến làm phong phú thêm nguồn vốn nhân lực.

Cùng với FDI, thương mại quốc tế cũng được coi là một kênh lan tỏa tri thức hiệu quả. Tự do hóa thương mại dẫn đến việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao. Công nghệ tiên tiến được thể hiện trong máy móc và thiết bị; vì vậy, chuyển giao công nghệ xảy ra khi lượng vốn này được mua. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc tiếp cận công nghệ và bí quyết nước ngoài mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là mức độ hấp thụ và lan tỏa của công nghệ nước ngoài trong nền kinh tế. Do đó, vốn nhân lực sẽ là chìa khóa. Càng nhiều tiến bộ công nghệ trong nền kinh tế sẽ làm tăng tỷ lệ hoàn vốn cho giáo dục và do đó thúc đẩy mọi người trở nên có học thức hơn.

Từ đó, có thể thấy FDI được coi là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển vốn nhân lực của các quốc gia đang phát triển và việc thu hút hơn nữa cũng như thúc đẩy FDI nên là một trong những ưu tiên chiến lược.

Tuy nhiên, cần lưu ý đến nguồn vốn của các công ty nước ngoài chưa sẵn sàng triển khai công nghệ cao và có thể thích sử dụng các công nghệ sử dụng nhiều lao động, cho phép họ khai thác chi phí lao động rẻ. Ngoài ra, có bằng chứng về FDI tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên ở các quốc gia kém phát triển nhất khi các công ty nước ngoài có động cơ thực hiện đầu tư để khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nếu nhiều doanh nghiệp FDI lựa chọn phân bổ hoạt động kinh doanh của họ trong các ngành sử dụng kỹ năng thấp, thì nhu cầu đối với lao động có kỹ năng thấp sẽ tăng lên dẫn đến mức lương cao hơn cho những lao động này. Mức lương cao hơn của người lao động có tay nghề thấp sẽ không khuyến khích mọi người tiếp cận giáo dục, điều này dẫn đến giảm nguồn vốn nhân lực.