Hội nghị tham vấn lần thứ 6 giữa các nhà lãnh đạo Trung Á diễn ra tuần trước tại Astana (Kazakhstan) được kỳ vọng tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển chung, cũng như hợp tác khu vực, nhất là trong những lĩnh vực then chốt là kinh tế, an ninh và năng lượng. Chủ đề thảo luận chính, cũng là trọng tâm của Chiến lược phát triển hợp tác khu vực Trung Á đến năm 2040 (Trung Á-2040), gồm duy trì ổn định, an ninh trong khu vực và tăng cường hợp tác với điểm nhấn là quan hệ đối tác kinh tế và thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hậu cần. Trước thềm hội nghị tham vấn của các nhà lãnh đạo, các Bộ trưởng Năng lượng Trung Á đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của khu vực.
Nằm ở vị trí địa - chính trị quan trọng giữa khu vực Đông Á và châu Âu, Trung Á gồm 5 quốc gia thuộc Liên Xô (trước đây) là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Các nước trong khu vực giàu tài nguyên năng lượng và khoáng sản, nhất là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan. Kazakhstan còn là nhà sản xuất urani và có trữ lượng lớn crom.
Với vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên dồi dào, Trung Á trở thành địa bàn thu hút sự quan tâm và hợp tác của các cường quốc ngoài khu vực. 5 nước Trung Á duy trì quan hệ kinh tế và an ninh sâu sắc với Nga, trong đó ba nước tham gia Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn dắt. Hàng triệu lao động Trung Á đang làm việc tại Nga.
Các nước Trung Á cũng tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc, với kim ngạch thương mại hai bên năm 2023 đạt hơn 89 tỷ USD, cao hơn nhiều mức 44 tỷ USD giữa khu vực với Nga. Trung Quốc và các nước Trung Á ký thỏa thuận hợp tác mang tính bước ngoặt về xây dựng tuyến đường sắt nối Trung Quốc với Kyrgyzstan và Uzbekistan.
Trong khi đó, Nhật Bản hỗ trợ Trung Á hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, qua việc cung cấp công nghệ, phát triển nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có lượng khí thải thấp. Nhật Bản cũng hợp tác thiết lập mạng lưới cung cấp khoáng sản quan trọng của khu vực.
Với Mỹ và châu Âu, trữ lượng dầu khí dồi dào của Trung Á là lựa chọn quan trọng giúp bảo đảm an ninh năng lượng; nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản của khu vực cũng đóng góp quan trọng trong việc mở rộng các chuỗi cung ứng. Xung đột nổ ra ở Ukraine khiến gián đoạn các chuỗi cung ứng, tuyến Hành lang vận tải quốc tế xuyên Caspi, trải dài khắp Trung Á đã cung cấp giải pháp hiệu quả giúp duy trì kết nối thương mại giữa châu Á và châu Âu...
Không chỉ Nga và Trung Quốc, các cường quốc và khu vực từ lâu đã quan tâm và tăng cường quan hệ chặt chẽ với Trung Á. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ cũng đã mời các nhà lãnh đạo Trung Á tới dự Hội nghị thượng đỉnh C5+1 lần đầu, thảo luận việc mở rộng hợp tác giữa Mỹ và khu vực. Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng tốc chiến lược “hướng tới Trung Á” với hai hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á được tổ chức liên tiếp trong chưa đầy một năm...
Thực tế, khu vực Trung Á gần đây có bước phát triển nhanh. Trong khoảng 20 năm qua, GDP của khu vực ước tính tăng 7 lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 6,2%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tỷ trọng trong GDP thế giới tăng 1,8 lần; kim ngạch thương mại tăng 6 lần và FDI tăng tới 17 lần. Đó là nền tảng quan trọng để Trung Á tiếp tục củng cố hợp tác nội khối và tăng cường hội nhập, hợp tác với các đối tác bên ngoài. Chiến lược Trung Á-2040 hướng tới phát triển bền vững, đồng thời bảo đảm an ninh, ổn định của khu vực.