Tai nạn giao thông ở Tiền Giang giảm cả 3 tiêu chí

Năm 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhìn chung ổn định, tương đối thông suốt, ùn tắc giao thông được hạn chế. Các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng thuộc Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang kiểm tra công trình trên Quốc lộ 1 thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Lực lượng chức năng thuộc Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang kiểm tra công trình trên Quốc lộ 1 thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Công an tỉnh Tiền Giang chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên huy động tối đa lực lượng tập trung thực hiện xuyên suốt 2 chuyên đề trọng tâm xử lý vi phạm về nồng độ cồn; chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật về giao thông.

Qua đó đã tạo chuyển biến tích cực, duy trì ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, giảm tai nạn giao thông, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt, nhất là việc chuyển biến, hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe” trong nhân dân.

Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang và Ban An toàn giao thông các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chủ động xây dựng kế hoạch mở nhiều cao điểm xử lý theo chuyên đề, xác định cụ thể các tuyến, địa bàn phức tạp, tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả các giải pháp trọng tâm góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở tuyến, địa bàn phụ trách.

Đặc biệt là triển khai cao điểm xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy đối với người điều khiển phương tiện. Từ đó, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giảm sâu cả 3 tiêu chí. Năm 2023, toàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 319 vụ tai nạn giao thông, làm chết 231 người, bị thương 148 người. So với cùng kỳ năm 2022, tai nạn giao thông giảm 68 vụ, giảm 41 người chết và giảm 46 người bị thương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh, Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang và các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với hình thức phong phú, đa dạng như: cấp phát tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền về tác hại của rượu bia, Poster tuyên truyền về hệ thống báo hiệu đường bộ… góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giải tỏa lòng đường, vỉa hè, chống ùn tắc giao thông được tăng cường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trên các tuyến đường trọng điểm.

Trong năm 2024, các sở, ngành, thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang, Ban An toàn giao thông các huyện, thành, thị thuộc tỉnh Tiền Giang phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang về biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2022-2026; nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông từ 5-10%; không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cần kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp; thực hiện chiến dịch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề như: vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, quá tải trọng, đi sai làn đường… đặc biệt tập trung vào các đối tượng là lái xe tải, xe container, xe khách, xe mô-tô, xe gắn máy; các hành vi tổ chức đua xe mô-tô trái phép; chú trọng tuần tra lưu động trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm các lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông…