Hãng tin Sputnik dẫn lời Đại sứ Borisenko cho biết, Ai Cập rất quan tâm việc sử dụng loại tiền tệ thay thế đồng USD trong hoạt động thương mại và đã tham gia Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF) năm 2023, được tổ chức ở “thủ đô phương Bắc” của nước Nga cuối tuần trước, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune tuyên bố Algeria muốn gia nhập BRICS trong tương lai gần để “giải thoát nền kinh tế quốc gia khỏi một số áp lực”.
Trong khi đó, Myanmar đang xem xét việc gia nhập NDP. Trao đổi với Sputnik bên lề SPIEF, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Myanmar Tan Tan Swe nêu rõ: Myanmar ủng hộ sáng kiến của BRICS thúc đẩy “phi đô-la hóa và giao dịch bằng đồng nội tệ”.
Thông báo trên tài khoản Twitter ngày 10/6, Chính phủ Honduras cũng cho biết, Tổng thống nước này Siomara Castro đã nộp yêu cầu chính thức về việc Honduras trở thành thành viên NDB. Giám đốc NDB Dilma Rousseff đã chính thức tiếp nhận được đơn của Honduras xin gia nhập ngân hàng này.
BRICS là một trong những khối kinh tế lớn của thế giới với năm thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. BRICS chiếm khoảng 30% quy mô kinh tế toàn cầu, 26% diện tích lãnh thổ và 43% dân số thế giới, sản xuất hơn một phần ba sản lượng ngũ cốc toàn cầu.
NDB được BRICS thành lập với tổng nguồn vốn 100 tỷ USD để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các quốc gia thành viên, cũng như các nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển. Năm 2021, Hội đồng Thống đốc NDB đã quyết định kết nạp Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Uruguay vào định chế tài chính này.
Theo Đại sứ Borisenko, một trong những sáng kiến được BRICS thúc đẩy và nhiều nước quan tâm là sử dụng đồng tiền thay thế trong giao thương quốc tế. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi từng nhấn mạnh, việc gia nhập NDB sẽ giúp Ai Cập giảm bớt áp lực trong quá trình tìm kiếm nguồn USD để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu.
Việc liên tiếp các nước nộp đơn gia nhập đã khẳng định sức hút mạnh mẽ của nhóm “những viên gạch vàng”, cũng như mục tiêu của BRICS đưa NDB trở thành định chế tài chính, tiền tệ toàn cầu mới, đáp ứng lợi ích của các nước đang phát triển.