Sự trở lại UNESCO của Mỹ

Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden ngày 25/7 có mặt tại Paris (Pháp) để dự lễ treo cờ Mỹ tại trụ sở chính của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), đánh dấu sự kiện Mỹ trở lại làm thành viên sau 5 năm rời bỏ định chế quốc tế này. Sự trở lại của Mỹ mang ý nghĩa quan trọng đối với cả Washington lẫn UNESCO.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Jill Biden (trái) và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey tại buổi lễ đánh dấu sự trở lại UNESCO của Mỹ. Ảnh: CNN
Bà Jill Biden (trái) và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey tại buổi lễ đánh dấu sự trở lại UNESCO của Mỹ. Ảnh: CNN

Hợp-tan và tái hợp

Vào đầu năm 1942, mặc dù đang phải đối mặt phát-xít Đức và quân đồng minh, nhưng các quốc gia châu Âu đã tính đến việc tìm kiếm cách thức và phương tiện để xây dựng lại các hệ thống giáo dục của họ một khi hòa bình được khôi phục.

Từ ngày 1 đến 16/11/1945, LHQ đã triệu tập một hội nghị ở London (Anh) nhằm thảo luận thành lập một tổ chức giáo dục và văn hóa. Hội nghị diễn ra trùng thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc. Vào cuối hội nghị, 37 quốc gia đã quyết định thành lập UNESCO. Hiến pháp của UNESCO được ký ngày 16/11/1945 và có hiệu lực từ ngày 4/11/1946 ngay sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn (gồm Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Đan Mạch, CH Dominica, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Lebanon, Mexico, New Zealand, Na Uy, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ).

Phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng UNESCO được tổ chức tại Paris từ ngày 19/11 đến 10/12/1946 với sự tham dự của đại diện đến từ các chính phủ có quyền biểu quyết. Theo Công ước thành lập UNESCO, tổ chức này hoạt động với mục đích “thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để bảo đảm sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam, nữ, ngôn ngữ, tôn giáo”.

Từ 20 quốc gia sáng lập ban đầu, UNESCO hiện có 195 quốc gia thành viên và 9 quan sát viên. UNESCO có trụ sở chính đặt tại Paris với hơn 50 văn phòng, một số viện và trung tâm trực thuộc đặt khắp nơi trên thế giới.

Mỹ là một trong những thành viên sáng lập và cũng là quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho UNESCO. Tuy nhiên, mối quan hệ tưởng như rất gắn bó này đã nhiều lần rạn nứt đến mức không thể cứu vãn nổi. Lần đầu là vào năm 1983, chính quyền Tổng thống Ronald Reagan đã rút Mỹ ra khỏi UNESCO vì cho rằng, tổ chức này đã chính trị hóa, ngả về phía Liên Xô (trước đây). Washington cũng cáo buộc UNESCO có cung cách quản lý kém và để xảy ra một số vụ tham nhũng.

Phải đợi 20 năm sau, thế giới mới chứng kiến sự trở lại của Washington ở UNESCO và đây cũng là nhiệm vụ đầu tiên được Tổng thống George W. Bush thực hiện. Mục tiêu vào thời điểm đó là cải thiện hình ảnh của Mỹ trên thế giới và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cho cuộc chiến ở Afghanistan và trước đó là ở Iraq.

Tuy nhiên, mâu thuẫn lại bùng lên vào năm 2011 khi Washington tuyên bố hủy các đóng góp ngân sách hằng năm của mình cho UNESCO để phản đối việc tổ chức này kết nạp Palestine trở thành thành viên chính thức. Việc ngân sách bị cắt giảm đột ngột đã khiến UNESCO rơi vào tình thế vô cùng khó khăn.

Mọi căng thẳng giữa hai bên đã lên mức đỉnh điểm vào ngày 12/10/2017 khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump gửi thông báo rút khỏi UNESCO nhằm phản đối “hành động thiên vị chống lại Israel” và sự cần thiết phải “cải cách cơ bản” tại tổ chức này. Người đứng đầu UNESCO thời điểm đó là bà Irina Bokova lấy làm tiếc trước quyết định trên, khẳng định hợp tác của Mỹ với UNESCO vô cùng quan trọng.

“UNESCO đóng vai trò là nền tảng cho các cuộc đối thoại liên văn hóa về nhân quyền, tự do ngôn luận, xóa đói, giảm nghèo và đấu tranh cho giáo dục. Tôi cho rằng, chúng ta cần sự đoàn kết của tất cả các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ - một thành viên sáng lập và cũng là quốc gia có nhiều đóng góp quan trọng nhất đối với tất cả nỗ lực này”, bà Irina Bokova nhấn mạnh.

Dẫu vậy, Mỹ vẫn quyết “dứt áo ra đi” vào ngày 31/12/2018. “Không dễ dàng để đưa ra quyết định này. Điều đó phản ánh khoản đóng góp ngày càng tăng của Mỹ đối với UNESCO, sự cần thiết phải cải cách cơ bản trong nội bộ tổ chức và lập trường phản đối Israel vẫn được duy trì trong UNESCO”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó là Heather Nauert nêu rõ.

Chỉ vài giờ sau khi Mỹ thông báo quyết định rút khỏi UNESCO, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng thông báo đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao nước này chuẩn bị xúc tiến các thủ tục cần thiết để rời khỏi UNESCO.

Lợi cả đôi đường

Sau khi đắc cử, Tổng thống Joe Biden nhanh chóng thúc đẩy “sự trở lại” của Mỹ trong các vấn đề đa phương. Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015 mà Washington chính thức tham gia lại vào ngày 19/2/2021, sau khi rời đi vào năm 2017, là bước đi đầu tiên trong quá trình tái hòa nhập này. Việc trở lại UNESCO đòi hỏi thời gian thuyết phục nhiều hơn, trong đó Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đóng vai trò hàng đầu, tiếp đó là sự vận động tích cực của một số nghị sĩ như Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham hay Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Coons.

Tháng 4/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken giải thích trước một ủy ban của Thượng viện về tầm quan trọng của việc quay trở lại UNESCO. Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, khi Mỹ vắng mặt ở tổ chức UNESCO, Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu về khoản đóng góp bắt buộc, với mức xấp xỉ 50 triệu USD/năm. Điều này vô hình trung khiến Trung Quốc trở thành thành viên lớn nhất trong tổ chức này. Do đó, Mỹ cần khôi phục vai trò lãnh đạo của mình ở các tổ chức đa phương.

Trong một bức thư do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Richard Verma ký mà nhật báo Le Monde có được, chính quyền Tổng thống Biden đã thông báo ý định trình bày kế hoạch tái hòa nhập của Mỹ vào UNESCO. Bức thư viết: “Kể từ khi chúng tôi rút khỏi UNESCO vào ngày 31/12/2018, chúng tôi đã ghi nhận những nỗ lực của tổ chức này trong việc thực hiện các cải cách quan trọng trong quản lý và điều hành, cũng như quan tâm đến việc giảm thiểu các cuộc tranh luận bị chính trị hóa, đặc biệt là về các vấn đề liên quan Trung Đông”.

Về phần mình, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định: “Khi người Mỹ rời UNESCO năm 2018, họ không ngờ rằng, chúng tôi vẫn tồn tại tốt. Giờ đây, họ nhận thấy rằng, họ đang đánh mất lợi ích của chính mình khi không được tham gia bàn bạc và quyết định, cho dù là về các vấn đề quy phạm, trí tuệ nhân tạo hay hành động giáo dục của chúng tôi ở châu Phi. Khi ghế của bạn trống, bạn không thể có tiếng nói”.

Ngày 30/6/2023, tại hội nghị bất thường của UNESCO, với 132 phiếu thuận, 15 phiếu trắng và 10 phiếu chống, hội nghị nhất trí ủng hộ Mỹ quay trở lại UNESCO. Sau khi nhận được đầy đủ các công văn gia nhập, ngày 11/7 vừa qua, UNESCO chính thức thông báo việc Mỹ được kết nạp trở lại là thành viên thứ 194 của tổ chức này. “Đây là kết quả của những nỗ lực ngoại giao gian khổ ở hậu trường và các cuộc đàm phán phức tạp ở chính trong nội bộ Washington”, tờ Le Monde nhấn mạnh.

Sự trở lại UNESCO của Mỹ ở thời điểm này được giới chuyên gia đánh giá là “lợi cả đôi đường”. Với UNESCO, tổ chức này đã tìm lại được một trong những nhà bảo trợ lớn nhất của mình, với một khoản đóng góp hào phóng. Theo AFP, tài trợ của Mỹ chiếm tới 22% ngân sách của tổ chức. Khi xin tái gia nhập, Washington đã đồng ý chi trả cho UNESCO các khoản đóng góp mà họ đã “thiếu” trong 5 năm đứng ngoài định chế này, một món “nợ” khoảng 619 triệu USD, còn cao hơn cả ngân sách hằng năm của UNESCO, chỉ khoảng 534 triệu USD. “Số tiền đóng góp của Mỹ sẽ giúp ích rất nhiều cho UNESCO”, một nhà ngoại giao làm việc cho định chế này nhấn mạnh.

Còn với Washington, ngoài việc củng cố vai trò của mình ở UNESCO còn có một lý do quan trọng thúc đẩy sự trở lại của nước Mỹ. “Đó là việc Washington nuôi ý định tranh cử một ghế trong ban điều hành UNESCO trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới”, trang tin Axios nhận định. Nhưng dù với động cơ gì thì tất cả đều nhằm một mục tiêu duy nhất: Tái khẳng định vị thế của nước Mỹ tại UNESCO. “Tôi tin rằng chúng ta quay lại UNESCO, một lần nữa, không phải như một món quà cho UNESCO mà bởi những điều đang diễn ra tại UNESCO thực sự quan trọng”, Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken tuyên bố.