Các ứng dụng phổ biến
Theo Investopedia, công nghệ chuỗi khối lần đầu tiên được phác thảo năm 1991 bởi Stuart Haber và W.Scott Stornetta, hai nhà nghiên cứu muốn triển khai một hệ thống cơ sở dữ liệu không thể bị giả mạo. Nhưng phải đến gần hai thập niên sau với sự ra mắt của đồng tiền ảo bitcoin năm 2009, blockchain mới có ứng dụng thực tế đầu tiên.
Một nhân vật hoặc có thể là một nhóm người vẫn chưa xác định được danh tính thực, dưới mật danh Satoshi Nakamoto, được coi là “cha đẻ” của Bitcoin. Bitcoin được mô tả là một hệ thống tiền điện tử mới, mọi giao dịch đều được ghi lại trên từng khối (block) và được liên kết với nhau thành chuỗi (chain) một cách công khai, minh bạch, được xác thực bởi hàng nghìn máy tính và hoàn toàn không thể đảo ngược hay chỉnh sửa.
Với cơ chế hoạt động tương tự, blockchain có thể được sử dụng để ghi lại bất kỳ dữ liệu nào ở dạng các giao dịch, phiếu bầu cử, kiểm kê sản phẩm, thông tin nhận dạng, giấy chứng nhận quyền sở hữu… Hàng chục nghìn dự án đang tìm cách triển khai các blockchain theo nhiều cách khác nhau, ngoài việc ghi lại các giao dịch tiền điện tử đơn thuần, chẳng hạn như phát triển hệ thống bỏ phiếu an toàn trong các cuộc bầu cử. Thí dụ, một hệ thống bỏ phiếu có thể hoạt động sao cho mỗi công dân sẽ được phát một loại tiền điện tử hoặc token, còn gọi là mã thông báo duy nhất. Sau đó, mỗi ứng cử viên sẽ được cấp một địa chỉ ví cụ thể và những người bỏ phiếu sẽ gửi mã thông báo hoặc tiền điện tử của họ đến địa chỉ ví của bất kỳ ứng cử viên nào mà họ muốn bỏ phiếu. Bản chất minh bạch và có thể truy nguyên của blockchain sẽ loại bỏ cả công việc kiểm phiếu cồng kềnh của con người và khả năng giả mạo lá phiếu thực.
Theo trang thống kê Coingecko, hiện có hơn 13.000 dự án tiền điện tử được phát triển dựa trên công nghệ blockchain. Tuy nhiên, bên cạnh ứng dụng trong lĩnh vực tiền mã hóa, blockchain còn xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Một số công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đã kết hợp blockchain vào quy trình vận hành của mình như Walmart, Pfizer, AIG, Siemens, Unilever… và một loạt các công ty khác.
Ngành công nghiệp thực phẩm đã chứng kiến vô số đợt bùng phát vi khuẩn chết người, cũng như các chất độc hại vô tình được đưa vào thực phẩm. Trong quá khứ, người ta đã mất hằng tuần để tìm ra nguồn gốc của những đợt bùng phát này hoặc nguyên nhân gây bệnh. Forbes cho biết, Tập đoàn công nghệ máy tính IBM của Mỹ đã tạo ra chuỗi khối Food Trust để theo dõi nguồn gốc và hành trình của các sản phẩm thực phẩm, qua đó dễ dàng truy xuất qua từng điểm dừng cũng như đưa ra các dự báo sớm hơn về khả năng nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng có thể tận dụng blockchain để lưu trữ hồ sơ y tế của bệnh nhân một cách an toàn. Khi một hồ sơ y tế được tạo ra và được ghi vào chuỗi khối, nó cung cấp cho bệnh nhân bằng chứng và sự tin tưởng rằng hồ sơ không thể bị thay đổi. Các hồ sơ sức khỏe cá nhân này có thể được mã hóa và lưu trữ trên blockchain bằng khóa riêng tư mà chỉ một số cá nhân nhất định mới có thể truy cập được, do đó bảo đảm quyền riêng tư.
Ưu và nhược điểm
Với nhiều ưu điểm như cải thiện độ chính xác của dữ liệu, khó làm giả, minh bạch, độ bảo mật cao…, blockchain ngày càng nhận được sự kỳ vọng trong việc phát triển như một hình thức lưu trữ hồ sơ phi tập trung.
Các giao dịch trên mạng blockchain được chấp thuận bởi một mạng lưới hàng nghìn máy tính. Điều này loại bỏ hầu như tất cả sự tham gia của con người vào quá trình xác minh, dẫn đến ít sai sót của con người hơn. Ngay cả khi một máy tính trên mạng mắc lỗi tính toán, lỗi sẽ chỉ xảy ra với một bản sao của chuỗi khối. Theo trang Coindesk, để lỗi đó có thể lây lan sang phần còn lại của chuỗi khối, nó sẽ phải diễn ra ở ít nhất 51% máy tính của mạng, một điều gần như không thể xảy ra đối với một mạng lớn và đang phát triển có kích thước như Bitcoin.
Blockchain không lưu trữ bất kỳ thông tin nào ở một máy chủ duy nhất, thay vào đó, chúng được sao chép và trải rộng trên một mạng máy tính. Bất cứ khi nào một khối mới được thêm vào blockchain, mọi máy tính trên mạng đều được cập nhật sự thay đổi. Nếu một bản sao của blockchain rơi vào tay của tin tặc, thì chỉ một bản sao thông tin, thay vì toàn bộ mạng sẽ bị xâm phạm.
Hầu hết các blockchain hoàn toàn là phần mềm mã nguồn mở. Điều này có nghĩa là bất kỳ cá nhân nào cũng đều có thể xem mã của nó. Không ai thực sự kiểm soát mã nguồn của Bitcoin hoặc cách nó được chỉnh sửa. Nếu phần lớn người trong mạng lưới đồng ý rằng phiên bản mã mới với bản nâng cấp là hợp lý và đáng giá, thì Bitcoin có thể được cập nhật.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính có khoảng 1,7 tỷ người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng hoặc bất kỳ phương tiện lưu trữ tiền hoặc của cải nào. Gần như tất cả những người này sống ở các nước đang phát triển, nơi nền kinh tế còn sơ khai và hoàn toàn phụ thuộc vào tiền mặt. Họ phải cất giữ số tiền mặt này ở những vị trí ẩn trong nhà hoặc những nơi sinh sống khác, khiến họ có thể bị cướp hoặc bạo lực. Theo Investopedia, những người ủng hộ tiền điện tử cho rằng, chìa khóa của một ví Bitcoin có thể được lưu trữ trên một mảnh giấy, một chiếc điện thoại di động rẻ tiền hoặc thậm chí được ghi nhớ nếu cần thiết sẽ lựa chọn tốt hơn rất nhiều so việc giấu tiền mặt dưới nệm…
Mặc dù blockchain có thể giúp người dùng tiết kiệm phí giao dịch, song việc vận hành công nghệ này không hề miễn phí. Theo một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh), lượng điện năng hằng năm để vận hành hệ thống mà mạng Bitcoin sử dụng để xác thực các giao dịch lớn hơn lượng điện tiêu thụ hằng năm của Na Uy hay Ukraine. Hiện, một số giải pháp cho vấn đề này đang bắt đầu được thúc đẩy, như các trang trại khai thác Bitcoin sử dụng năng lượng mặt trời, khí đốt tự nhiên dư thừa từ các địa điểm khai thác mỏ hoặc năng lượng từ các trang trại gió.
Tốc độ giao dịch của một số hệ thống blockchain vẫn còn kém hiệu quả, như Bitcoin mất khoảng 10 phút để thêm một khối mới vào blockchain. Với tốc độ đó, người ta ước tính rằng mạng blockchain chỉ có thể quản lý khoảng bảy giao dịch mỗi giây. Trong khi đó, các dịch vụ tài chính truyền thống hơn như Visa có thể xử lý tới 65.000 giao dịch mỗi giây. Thời gian gần đây xuất hiện những dự án blockchain tuyên bố có thể xử lý hàng chục nghìn giao dịch mỗi giây. Tuy nhiên, khi tốc độ giao dịch được đẩy lên, nhiều dự án lại đối mặt vấn đề về khả năng mở rộng cũng như bảo mật.
Với sự phát triển mạnh mẽ của tiền điện tử, ngày càng nhiều người trên thế giới xem lĩnh vực này là cơ hội đầu tư kiếm lời. Cùng với đó, tiền điện tử lại trở thành mục tiêu của các tin tặc. Công ty phân tích dữ liệu Chainalysis thống kê, trong tổng số 11 tỷ USD tiền điện tử mà tội phạm mạng nắm giữ năm 2021, 93% trong số đó có được thông qua việc trộm cắp.
Mạng Blockchain Ronin Network được Công ty Sky Mavis phát triển để phục vụ cho tựa game blockchain Axie Infinity hôm 29/3 thông báo bị tin tặc tiến công và lấy đi số tiền điện tử trị giá tương đương 615 triệu USD. Đây là vụ trộm tiền điện tử lớn nhất từ trước tới nay. Hồi tháng 2, Wormhole-một cầu nối phổ biến giữa blockchain Ethereum và Solana bị đánh cắp khoản tiền điện tử trị giá 320 triệu USD. Trước đó, tháng 8/2021, nền tảng giao dịch xuyên chuỗi Poly Network bị tin tặc lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống blockchain và lấy cắp số tiền mã hóa trị giá khoảng 611 triệu USD.
Với ngày càng nhiều ứng dụng thực tế đã được triển khai và khám phá, trong đó nổi bật nhất là Bitcoin và tiền điện tử, blockchain dần tạo nên vị thế của mình trong thúc đẩy hoạt động lưu trữ, giao dịch chính xác, ít khâu trung gian hơn. Song, những vụ tin tặc đánh cắp tới hàng triệu USD cho thấy rõ ràng bảo mật vẫn là thách thức lớn đối với tiền điện tử nói riêng và công nghệ mới như blockchain nói chung.