Sứ mệnh nhiều chông gai của LHQ ở Mali

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thông qua Nghị quyết 2690 về việc chấm dứt sứ mệnh của Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali (MINUSMA) và hoàn thành việc rút quân trước ngày 31/12/2023. Người đứng đầu MINUSMA khẳng định, lực lượng này sẽ rời đi song LHQ tiếp tục đồng hành cùng người dân Mali trong khát vọng hòa bình.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng MINUSMA giám sát an ninh tại Mali. Ảnh: GETTY IMAGES
Lực lượng MINUSMA giám sát an ninh tại Mali. Ảnh: GETTY IMAGES

Nhiệm vụ đầy thách thức

Phái bộ MINUSMA của LHQ tại Mali, với tên gọi đầy đủ là Phái bộ ổn định tích hợp đa chiều của LHQ tại Mali, được thành lập theo Nghị quyết 2100 của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 25/4/2013. Trong một thập kỷ qua, sứ mệnh của MINUSMA được đánh giá là sứ mệnh nhiều thách thức nhất của LHQ, khiến hơn 300 nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ thiệt mạng, trong khi bạo lực cực đoan tiếp diễn và tình trạng bất ổn vẫn tràn lan trên khắp miền bắc và miền trung Mali.

Ngày 22/3/2012, cuộc binh biến của các binh sĩ nhằm phản đối cách Chính phủ Mali xử lý phong trào nổi dậy của các nhóm vũ trang phía bắc đất nước đã dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự. Chính quyền quân sự đã nhanh chóng đình chỉ Hiến pháp và giải tán các cơ quan chính phủ, sau đó ký với Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) một thỏa thuận khung dẫn đến việc buộc Tổng thống Mali khi đó là Amadou Toumani Touré từ chức, đồng thời đặt ra mục tiêu hướng tới việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp.

Cuộc đảo chính khiến các nhóm khủng bố cực đoan và các nhóm vũ trang đánh bại lực lượng chính phủ ở phía bắc đất nước. Tình hình an ninh ở Mali trở nên xấu đi nghiêm trọng vào đầu tháng 1/2013. Việc các nhóm cực đoan chiếm giữ thị trấn Konna, cách Thủ đô Bamako khoảng 680 km đã khiến chính quyền chuyển tiếp của Mali phải yêu cầu sự hỗ trợ của Pháp để bảo vệ chủ quyền và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Nhờ các hoạt động quân sự của Pháp và các lực lượng ở châu Phi, tình hình an ninh ở Mali được cải thiện đáng kể. Đến cuối tháng 1, quyền kiểm soát của chính phủ đã được khôi phục ở hầu hết các thị trấn lớn phía bắc như Diabaly, Douentza, Gao, Konna và Timbuktu. Phần lớn các lực lượng khủng bố đã rút lui về phía bắc vào vùng núi Adrar des Ifoghas, trong khi những lực lượng khác, chủ yếu là người Mali địa phương, được cho là đã tái hòa nhập vào các cộng đồng.

Tuy vậy, những thách thức an ninh nghiêm trọng vẫn hiện hữu, các hoạt động khủng bố và vũ trang tiếp diễn ở một số khu vực. Theo những điều khoản của Nghị quyết 2100 của Hội đồng Bảo an LHQ, MINUSMA có nhiệm vụ hỗ trợ tiến trình chính trị và thực hiện một số nhiệm vụ ổn định liên quan an ninh, tập trung vào các khu vực dân cư và đường dây liên lạc, bảo vệ dân thường, giám sát nhân quyền, tạo điều kiện cho việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo và hồi hương những người phải di dời và chuẩn bị các cuộc bầu cử tự do, toàn diện và hòa bình.

Văn phòng LHQ tại Mali (UNOM), được thành lập trước đó theo Nghị quyết 2085 ngày 20/12/2012 của Hội đồng Bảo an LHQ, được sáp nhập vào MINUSMA ngay sau khi Nghị quyết 2100 ra đời. Ngày 1/7/2013, MINUSMA tiếp quản Phái bộ Hỗ trợ quốc tế tại Mali (AFISMA). Khi đó, MINUSMA có tới 11.200 nhân viên quân sự, bao gồm các tiểu đoàn dự bị có khả năng triển khai nhanh chóng trong nước khi được yêu cầu.

Cuộc khủng hoảng ở Mali diễn biến phức tạp sau hai cuộc đảo chính vào tháng 8/2020 và tháng 5/2021. Chính phủ của Đại tá Assimi Goita, người lên nắm quyền tại Mali sau hai cuộc đảo chính trên, đề xuất một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới 5 năm.

Mười năm sau khi giao tranh bùng phát ở Mali, hy vọng về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở đất nước này đã không thành hiện thực. Mali rơi vào bất ổn nghiêm trọng, tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi. Ước tính, trong năm 2022, hơn 1,8 triệu người ở Mali cần hỗ trợ lương thực, tăng mạnh so 1,3 triệu người trong năm 2021. Đây là tình trạng mất an ninh lương thực tồi tệ nhất ở quốc gia Tây Phi này kể từ năm 2014.

Tiến trình rút quân gian nan

Mối quan hệ của Mali với LHQ xấu đi nghiêm trọng kể từ cuộc đảo chính năm 2020 dẫn tới việc một chế độ quân sự lên nắm quyền, đồng thời cắt đứt hợp tác quốc phòng với Pháp. Hồi tháng 6/2023, người đứng đầu ngành ngoại giao của chính quyền Mali Abdoulaye Diop khiến Hội đồng Bảo an LHQ bất ngờ, khi gọi sứ mệnh của LHQ tại Mali là một “thất bại” và kêu gọi chấm dứt sứ mệnh này lập tức. Theo thông lệ của LHQ, một nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cần có sự chấp thuận của nước sở tại.

Xem xét thư của chính phủ chuyển tiếp Mali yêu cầu rút MINUSMA ngay lập tức, ngày 30/6/2023, Hội đồng Bảo an LHQ đã tiến hành họp và thông qua Nghị quyết 2690, theo đó cho phép MINUSMA bắt đầu rút quân kể từ ngày 1/7/2023, hoàn tất tiến trình này và chuyển giao nhiệm vụ cho chính quyền Mali trước ngày 31/12/2023. MINUSMA tuyên bố sẽ quyết tâm rút nhân sự của mình một cách có trật tự và an toàn, phù hợp các quy định của Nghị quyết 2690. Để đạt được mục tiêu này, phái bộ khẳng định sẽ hành động với sự tham vấn chặt chẽ với chính quyền Mali trong khuôn khổ thỏa thuận giữa LHQ và Chính phủ Mali về quy chế MINUSMA.

Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ và là người đứng đầu MINUSMA, ông El Ghassim Wane, nhắc lại cam kết của MINUSMA đồng hành cùng người dân Mali trong khát vọng hòa bình, an ninh và hòa giải trong suốt 10 năm hiện diện ở Mali. Ông Wane bày tỏ lòng biết ơn đối với các quân nhân và nhân viên dân sự của Mali và cộng đồng quốc tế về sự cống hiến và hy sinh to lớn của họ.

Ông Wane nhấn mạnh thêm rằng, LHQ đã có mặt ở Mali trước khi MINUSMA được triển khai và LHQ sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân và Chính phủ Mali. Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ cam kết bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ nhất có thể, để sự rời đi của phái bộ không tạo ra khoảng trống, khiến đất nước trở nên bất ổn hơn và dân thường dễ bị tổn thương hơn. MINUSMA sẽ rời khỏi Mali, nhưng LHQ, thông qua các cơ quan, quỹ và chương trình của mình, vẫn hiện hữu ở Mali. Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ đồng thời hoan nghênh những bảo đảm nhận được từ chính quyền Mali về an ninh cho các nhân viên LHQ.

Đầu tháng 8/2023, MINUSMA đã triệu tập một hội nghị bàn tròn với các cơ quan chức năng liên quan để tổng kết những thành tựu phái bộ đã đạt được trong 10 năm qua, cũng như những công việc còn dang dở tại Mali. Người đứng đầu MINUSMA cho rằng: “Rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm. Mục tiêu của MINUSMA là giúp chính quyền địa phương chuẩn bị nhiều nhất có thể để tiếp quản và tiếp tục những nỗ lực ổn định mà phái bộ đã hỗ trợ trong 10 năm qua”.

Tiến trình rút quân, được nêu trong Nghị quyết 2690 của Hội đồng Bảo an LHQ, được chia thành hai giai đoạn, với giai đoạn đầu tiên được tiến hành kể từ tháng 7/2023. Giai đoạn này liên quan việc đóng cửa các tiền đồn và căn cứ nhỏ hơn của MINUSMA nằm ở các vùng xa xôi. Giai đoạn thứ hai, dự kiến ​​kéo dài đến giữa tháng 12/2023 tập trung vào việc đóng cửa thêm 6 căn cứ, cũng như giải quyết những thách thức về hậu cần và an ninh.

Phó Tổng Thư ký phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, ông Jean-Pierre Lacroix đã hối thúc MINUSMA nhanh chóng chuyển giao nhiệm vụ cho chính quyền và các đối tác để rút quân an toàn khỏi quốc gia Tây Phi. Ông Lacroix thăm Mali trong hai ngày cuối tháng 8 và có một loạt cuộc gặp với các quan chức cấp cao của chính quyền chuyển tiếp.

Người đứng đầu MINUSMA, ông Wane, thông báo về tiến trình rút lực lượng hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Trong quá trình đóng cửa căn cứ Ber, MINUSMA đã phải trải qua hành trình gian khổ kéo dài 51 giờ để vượt qua quãng đường chỉ dài 57 km đến Timbuktu. Đoàn xe của MINUSMA đã bị tấn công hai lần bởi các phần tử cực đoan, khiến bốn nhân viên gìn giữ hòa bình bị thương. Theo MINUSMA, các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình như vậy có thể cấu thành tội ác chiến tranh theo luật pháp quốc tế.

Nhóm phiến quân “Ủng hộ đạo Hồi và tín đồ Hồi giáo” (GSIM) có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda sau đó đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công nhằm vào MINUSMA trên một con đường ở miền bắc Mali, giữa thành phố Timbuktu và làng Ber hôm 13/8. Sau đó một ngày, GSIM cũng tuyên bố đã tấn công một vị trí của quân đội Mali gần Korioume, phía nam thành phố Timbuktu, khiến một binh sĩ thiệt mạng. Các phiến quân đã chặn mọi con đường nối giữa Timbuktu và khu vực miền nam, kể cả đường sông, khiến giá cả hàng hóa tại đây tăng lên.