Sông Tranh, dòng chảy hư ảo của truyền thuyết
Đó trước hết là con sông huyền thoại trên đất Ninh Giang, Hải Dương, chảy ôm ấp làng Tranh Xuyên thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Cũng như bao con sông gánh tên làng, tên nước khác trên dải đất hình chữ S, thậm chí có những tên sông, tên núi không hề tồn tại trên bản đồ nhưng tâm trí của người sống bên nó, nó lại là cái tên gọi nhiều ký ức.
Sông Tranh chính là con sông ấy. Nó là một khúc của con sông Luộc, một dòng chảy lớn mà sông Hồng đổ xuống từ Hưng Yên vào Hải Dương, chảy quanh làng Tranh Xuyên nên mang tên sông Tranh, chảy ra ngã ba giao giữa địa phận ba tỉnh: Hải Dương-Thái Bình-Hải Phòng thì tách dòng, phân hai nhánh; nhánh 1 chảy về Thái Bình chia đất hai tỉnh Thái Bình và Hải Phòng được gọi là sông Hóa. Một nhánh ngược hướng Đông Bắc đổ hợp lưu với hệ thống sông Thái Bình chia đất Hải Phòng và Hải Dương lại mang tên sông Luộc để tiếp tục hành trình ra biển. Và ngã ba sông ấy, dân gọi nó là ngã ba Tranh, nơi có bến đò Tranh rồi phà Tranh vốn nổi tiếng cả trong truyền thuyết lẫn đời sống xã hội, nơi một tiếng gà gáy cả ba tỉnh đều nghe và nơi khởi phát, dung dưỡng, truyền tụng truyền thuyết quan lớn Tuần Tranh - một trong những vị thần hoàng có sức sống lan tỏa, bền lâu, giàu có trong đời sống tâm linh văn hóa người Việt.
Nếu chỉ nhìn vào đời sống tâm linh người Việt thì ngã ba Tranh nơi có đền Tranh nổi tiếng linh thiêng ấy dễ bị người đời lầm tưởng là con sông Tranh không có thật. Nhưng địa danh này, sử Việt đã từng ghi: “Năm 40 trước công nguyên, cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi xướng bị nhà Hán cử Mã Viện sang đàn áp. Đất Hạ Hồng khi đó là cả một vùng Ninh Giang, Vĩnh Bảo... đã chứng kiến cuộc giao tranh ác liệt giữa hai bên. Tại ngã ba sông Tranh (có tài liệu ghi là ngã ba sông Hóa, nhánh giao với sông Tranh và sông Luộc) quân Hai Bà do Đô Lượng - một trong những tướng giỏi lập căn cứ chiếm giữ. Tại ngã ba này, quân của Đô Lượng đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt đàn áp của quan quân nhà Hán, phá được vòng vây ở Hạ Hồng giúp Hai Bà Trưng chạy về Thạch Bàn tiếp tục cuộc khởi nghĩa.
Trong cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Minh, mùa xuân năm 1418, Lê Lợi dấy binh ở Thanh Hóa thì thời điểm đó vùng sông Tranh thuộc đất Ninh Giang chứng kiến sự kiện lạ, sử cũ ghi: “Mùa hạ, tháng tư năm 1443, có rồng hiện ở bến đò Hóa, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng”. Đầu thế kỷ XVI nhà Lê bước vào thời suy vong, Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê, nội chiến Lê - Mạc phân tranh nổ ra ác liệt, trong đó có vùng ngã ba sông Tranh. Thời Lê Trung Hưng vào năm 1740, nhiều cuộc nổi dậy chống nhà Chúa, trong đó có nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) ở đất Hải Dương. Ninh Giang là một trong những địa bàn hoạt động của Quận He. Tại ngã ba sông Tranh, trên đất Tranh Xuyên có những trận giao tranh quyết liệt giữa quân nổi dậy và quân triều đình. Và dù cuối cùng khởi nghĩa Quận He - Nguyễn Hữu Cầu thất bại thì ngã ba sông Tranh vẫn là địa chỉ ghi ấn tích của người anh hùng áo vải Quận He, nhất là những trận đánh của nghĩa quân với quân do Phạm Đình Trọng đánh giải vây cho quan quân triều đình khi đó.
Nhưng nhớ tới sông Tranh, người dân nhắc nhiều tới đền Tranh, ngôi đền được người dân lập ra vào thời Trần, tại vùng ngã ba sông Tranh giao với sông Luộc, ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ nằm sát bến sông, thờ vị thủy thần cai quản khúc sông này. Sau ngôi đền bên ngã ba sông Tranh trở thành nơi tập trung, lưu giữ phong phú nhất về tín ngưỡng dân gian với nhân vật huyền thoại Quan lớn Tuần Tranh, vị quan gắn với lịch sử từ thời Hùng Định Vương (thuộc Hùng triều thập bát - 18 đời Vua Hùng) được vua Thủy Tề giao quyền thống lĩnh thủy bộ trấn giữ miền duyên hải sông Tranh. Ông đã lập được nhiều công lao to lớn nên được sắc phong công hầu. Nhân dân trong vùng gọi ông là Quan lớn Tuần Tranh. Tại quê nhà, ông yêu một người thiếu nữ xinh đẹp. Nàng giấu không cho ông biết, nàng là vợ lẽ của quan huyện đó. Quan lớn Tuần Tranh mắc án oan quyến rũ vợ người bị vua Thủy Tề đày ra biển rồi ngược lên chốn Kỳ Cùng xứ Lạng. Mang nỗi hàm oan, ông trẫm mình xuống dòng Kỳ Cùng mong gột rửa. Thác rồi, ông bơi về bến đò nơi ngã ba sông Tranh xưa làm bạn cùng cây cỏ quê nhà.
Đến thời Thục Phán An Dương Vương, nhà vua tập hợp quân lương chống Triệu Đà ở ngay bến sông Tranh, nhưng dòng nước xoáy, thuyền bè ra giữa dòng giông tố lại nổi lên. Vua cho mời các lão làng đến hỏi chuyện rồi lập đàn cầu đảo thì lập tức sóng yên bể lặng, quân sĩ ra trận cũng được ông phù trì mà thắng lớn. Ghi nhớ công đức, Thục Phán An Dương Vương giải oan, giao cho ông trấn giữ duyên hải sông Tranh tước phong: Long Cung hiển thánh Giảo Long hầu - Tranh Giang đại vương thượng đẳng thần. Khúc sông có ngã ba sông Tranh nơi có đền thờ ông mang tên “Tranh giang linh từ” từ đó.
Truyền thuyết về Quan lớn Tuần Tranh với ngôi đền thiêng nơi ngã ba sông Tranh kỳ bí có rất nhiều dị bản, ngay cả dòng Kỳ Cùng nơi xứ Lạng cũng có nhiều huyền thoại về ông nhưng tất cả đều xoay quanh một vị quan thanh liêm, văn võ toàn tài, hào hoa, phong nhã có công với dân với nước, được nhân dân tin yêu, phụng thờ. Nhân dân khu ngã ba sông Tranh lấy ngày 25/5 âm lịch là ngày ông bị lưu đày làm giỗ là ngày chính lễ; ngoài ra vào ngày 14/2, các đền thờ ông cũng mở hội, tiệc ngày sinh của Quan lớn Tuần Tranh.
Dòng sông Tranh chảy trong hiện tại
Chỉ là một đoạn sông đi qua mang tên một làng, sông Tranh giờ đây tồn tại không chỉ trong truyền thuyết mà vẫn ngày đêm trôi chảy cùng hiện thực. Nơi ngã ba sông, vốn chỗ là bến đò Tranh nổi tiếng ngày trước, một cây cầu hiện đại đã sừng sững mọc lên nối đôi bờ. Cầu Tranh đã thực hiện sứ mệnh của nó là kết giao, thông thương thủy bộ, đẩy sự phát triển cho cả ba địa phương: Hải Dương-Thái Bình-Hải Phòng. Những chuyến phà xuôi ngược có khi phải chờ hàng tiếng đồng hồ khi mùa mưa lũ đã lại trở thành hoài niệm của người dân đôi bờ. Giao thông thuận tiện, không chỉ kinh tế phát triển khi hàng loạt các khu công nghiệp trên địa bàn ba tỉnh, thành mở ra tạo công ăn việc làm cho cư dân một vùng vốn chỉ quen với mùa màng nông nghiệp mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống cư dân ven bờ. Hai bên bờ sông Tranh, vị trí của ngôi đền cổ tục gọi là đền Đoan và khu vực đền Tranh mới phía trong hiện tại thuộc thôn Tranh Xuyên xã Đồng Tâm đã được quy hoạch, bảo vệ tương xứng với vị thế của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, tương xứng với vị trí được tôn sùng trong đời sống tâm linh văn hóa người Việt, nhất là với không gian văn hóa được dân gian truyền tụng là “thiêng lắm, linh ứng lắm”. Lễ hội đền Tranh có quy mô rộng lớn, thu hút khách nhiều tỉnh phía bắc, một trong những hội lớn của Hải Dương, có sức hấp dẫn lạ thường. Không chỉ vào ngày chính lễ, ngày thường, cũng rất nhiều du khách tới thăm viếng đền Tranh.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Đất nước” có viết:
“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”.
Những con sông mang dáng hình thôn xóm, chở bao ao ước và khao khát ông cha với bao truyền thuyết, huyền thoại sẽ luôn trôi chảy trong cuộc sống hiện tại và tâm tưởng như sông Tranh huyền tích muôn đời.