Sớm có giải pháp ổn định thị trường xăng, dầu

Tình trạng các cửa hàng bán lẻ hết xăng, dầu đang gia tăng dù Bộ Công thương luôn khẳng định đủ nguồn cung, không có hiện tượng khan hiếm hàng. Trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh: “Hiện, chúng ta khẳng định là không thiếu nguồn thì tại sao lại không có nguồn, đến cửa hàng thì phải đi vào tận nơi để làm cho rõ”. Đây là điều mà cả người dân và doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đều muốn biết lúc này.
0:00 / 0:00
0:00
Một số cây xăng quá tải do nhiều điểm bán lẻ dừng hoạt động. Ảnh: NGUYỆT ANH
Một số cây xăng quá tải do nhiều điểm bán lẻ dừng hoạt động. Ảnh: NGUYỆT ANH

Đồng loạt hết hàng

Ghi nhận tại Hà Nội ngay trước kỳ nghỉ lễ, nhiều phản ánh cho thấy, các cây xăng ở vùng ngoại thành Hà Nội đã hết dầu diesel, khiến cho một số doanh nghiệp vận tải, máy móc công nghiệp bị dừng hoạt động, hoặc họ phải mua với giá cao từ các nguồn mua đi bán lại kiếm lời...

Ông Thắng, chủ một cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn La Khê (Hà Đông, Hà Nội) giãi bày về tình trạng nhập hàng rất khó khăn, phải đăng ký trước với thương nhân đầu mối và đợi lấy hàng, tuy nhiên lượng hàng chỉ nhập được “nhỏ giọt”. Theo ông Thắng, trước đây mỗi lần nhập được bốn khoang xăng (mỗi khoang 4.000 lít), thì nay chỉ nhập được hai khoang xăng và một khoang dầu. Do vậy, xe tải phải đi hằng ngày để lấy hàng. Xe phải đi nhiều lần, xếp hàng, tắc đường... vừa bị đội chi phí, lại bị trễ thời gian nhập hàng về kho, điều này làm cửa hàng hết xăng, dầu trong nhiều thời điểm. “Riêng dầu diesel hết hàng từ 15 giờ chiều 30/8 và đang đợi xe đi lấy hàng. Nhiều xe tải vào đổ dầu không có phải quay đầu, rất bất tiện”, ông Thắng nói.

Trước phản ánh từ nhiều nguồn tin về tình trạng nêu trên, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã yêu cầu tăng cường kiểm soát các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu ngay trong lễ 2/9 vừa qua. Theo đó, đối với các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu tạm dừng, ngưng hoạt động, đóng cửa, Cục Quản lý thị trường đã yêu cầu phải “đo bồn, bể” để xác định lượng hàng tồn kho; đồng thời xác minh, làm rõ cụ thể lý do, nguyên nhân tạm dừng, ngưng hoạt động.

Từ ngày 30/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có 40 cơ sở bán xăng, dầu treo biển hết xăng. Theo đơn vị này và từ phản ánh của người dân, đã có nhiều cửa hàng tạm ngưng bán, thông báo hết xăng, dầu; hoặc chỉ bán với số lượng nhỏ giọt… Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nguồn cung hạn chế, chưa cung cấp kịp thời và quan trọng là hoa hồng thấp, hoạt động thua lỗ nên các doanh nghiệp xăng, dầu không mặn mà trong việc kinh doanh, mua hàng về để bán.

Cục Quản lý thị trường An Giang đánh giá, thời gian qua hoạt động kinh doanh xăng, dầu diễn biến khá phức tạp, trong đó tình trạng đóng cửa tạm dừng hoạt động, mở cửa nhưng thông báo hết xăng, dầu, bán nhỏ giọt... ngày càng phổ biến và gây ra nhiều bức xúc cho người tiêu dùng.

Còn theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn đã có 31/168 cửa hàng hết xăng, dầu. Nguyên nhân được nêu là “chưa chuyển hàng về kịp”. Điều đáng nói, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 100 cửa hàng xăng, dầu chỉ được các đầu mối chia theo sản lượng bình quân của ba tháng chứ không phải cửa hàng đặt chừng nào được cung ứng chừng đó...

Về diễn biến chung, 25 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu cũng vừa đồng loạt ký văn bản khẩn gửi Bộ Công thương và các ban, ngành, địa phương kiến nghị tháo gỡ nhiều vấn đề bất cập trong kinh doanh xăng, dầu. Theo đó, các doanh nghiệp cho biết, mức hoa hồng trên mỗi lít xăng, dầu hiện nay chỉ 0 đồng, có nơi 200 đồng. Mức này không đủ để đại lý duy trì hoạt động kinh doanh.

Sớm có giải pháp ổn định thị trường xăng, dầu ảnh 1

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng xăng dầu Liên Ninh (Thanh Trì) sáng 1/9. Ảnh: Quản lý thị trường Hà Nội

Bình ổn thị trường xăng, dầu

Trước tình trạng trên, Bộ Công thương đã liên tiếp mở các cuộc họp để bàn giải pháp tháo gỡ. Nghi ngại về vấn đề một số doanh nghiệp “găm” hàng không bán, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta khẳng định là không thiếu nguồn thì tại sao lại không có nguồn, đến cửa hàng thì phải đi vào tận nơi để làm cho rõ”.

Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, ai cũng thấy được tình trạng thiếu hàng ở các cửa hàng bán lẻ, nhưng khó hiểu ở chỗ “Cửa hàng chỉ được lấy một mối, nhưng “găm” ở đâu chả nhẽ cơ quan chức năng lại không tìm ra”. Vị này cho hay, theo quy định, một cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy từ một thương nhân phân phối hoặc một thương nhân đầu mối duy nhất. Do đó, việc “truy vết” nguồn hàng thiếu ở đâu rất dễ.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, đây là một trong những quy định đang thể hiện sự bất hợp lý, dẫn đến những lộn xộn trong kinh doanh xăng, dầu hiện nay. Đơn cử, cửa hàng chọn thương nhân cung cấp hàng và ký hợp đồng trong vòng 5 năm, do đó chỉ được phép nhập hàng từ nguồn này. “Như vậy, nếu thương nhân đó không có hàng cũng không thể lấy nơi khác; bị ép giá, chiết khấu... cũng đành chịu”, vị thương nhân nói.

Một điểm nữa cũng có thể khiến nguồn cung khan như hiện nay là sự bất cập về thương nhân phân phối. Thí dụ, bình thường các cửa hàng bán lẻ tiêu thụ 100m3/tháng, nhưng thương nhân phân phối cung cấp hàng chỉ ký hợp đồng cố định với một đầu mối khoảng 50% lượng tiêu thụ, còn 50% còn lại mua “chộp giật” những nơi có hoa hồng cao. Điều này dẫn đến, trong tình cảnh như hiện nay, kinh doanh xăng, dầu lỗ, các đầu mối ngoài hợp đồng không cung cấp hàng nữa, đại lý bán lẻ cũng không thể làm khác. Các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này.

Qua đó, doanh nghiệp đề xuất Nhà nước nên cho cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng với nhiều đơn vị đầu mối để vừa tăng sức ép cạnh tranh vừa đáp ứng nguồn hàng; đồng thời, bỏ trích Quỹ bình ổn giá xăng, dầu; rút giấy phép vĩnh viễn đối với các công ty đầu mối không tuân thủ quy định về an ninh xăng, dầu.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, Nhà nước nên hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng, dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia, phân bổ cho các kho đầu mối lưu dự trữ để tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng, dầu thế giới bất lợi thì không nhập hàng, làm cho chuỗi cung ứng ra thị trường xảy ra như tình trạng hiện nay.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất phải điều chỉnh cơ chế giá thành bán lẻ để doanh nghiệp đầu mối chiết khấu hoa hồng ít nhất 600-800 đồng/lít cho các cửa hàng bán lẻ để họ đủ sức duy trì hoạt động.