Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong dài hạn, TP Hồ Chí Minh xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao và tăng cường ứng dụng công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo và giảm sử dụng lao động. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nằm trong nhóm 10 thành phố trên thế giới. Trước mắt, chính quyền thành phố phải tập trung nguồn lực xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh vào năm 2025. Với mục tiêu này, từ bây giờ, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều việc quan trọng cần phải làm.
Nhiều SV tại chương trình gặp gỡ cho rằng, đô thị thông minh là điều mà các bạn luôn ao ước. Thế nhưng, phải là một đô thị thông minh thật sự với hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng đạt chuẩn, những giải pháp vận hành, quản lý thông minh và cả những công dân thông minh. Nhắc đến vấn đề “nóng” khiến nhiều người lo lắng nhất hiện nay là tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhiều bạn trẻ cho rằng đã đến lúc phải quyết liệt hơn trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao ý thức của người dân. Theo phân tích của nhiều bạn trẻ, nếu tận dụng tốt tính năng của trí tuệ nhân tạo (AI), thành phố sẽ giảm được tỷ lệ người vi phạm giao thông cũng như hạn chế ùn tắc.
Ở góc độ khác, Phan Thị Thái An, Chủ tịch Hội SV Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh quan tâm nhiều hơn đến chất lượng nguồn tri thức trong việc xây dựng thành phố theo yêu cầu mới. Toàn thành phố hiện có hơn một triệu SV, phần lớn tập trung ở các khu vực ngoại thành. Vì vậy, Thái An cho rằng thời gian tới các khu vực giáo dục ngoại thành cần được đầu tư nhiều hơn để tạo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng giữa các quận, huyện. “Nếu được, em mong thành phố sẽ quan tâm đầu tư để phát triển khu đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh vì ở đây tập trung nguồn tri thức rất lớn. Khi điều kiện học tập, sinh hoạt và đi lại của SV ở đây tốt hơn sẽ giảm thiểu thời gian di chuyển, góp phần giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong khu vực trung tâm thành phố vào khung giờ cao điểm hoặc dịp cuối tuần. Như vậy có thể giảm thiểu được tai nạn giao thông hay những nguyên nhân gây ra ùn tắc, nạn trộm cắp. Khi được quan tâm nhiều hơn, chất lượng nguồn nhân lực tương lai sẽ ngày càng ổn định hơn”, Chủ tịch Hội SV Trường đại học Kinh tế - Luật đề xuất.
Nguyễn Thanh Huy, SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì cho rằng, điều quan trọng nhất để trở thành công dân của một đô thị thông minh trong giai đoạn hội nhập là phải giao tiếp được với thế giới: “Đã hội nhập thì ai cũng phải sử dụng tốt ngoại ngữ. Thế nhưng, theo em nhận thấy hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, số lượng và chất lượng của các trung tâm dạy ngoại ngữ không tương đồng. Đó là lý do tại sao thời gian gần đây rất nhiều bạn trẻ Việt Nam sang các nước châu Á du học để rèn tiếng Anh”. Do vậy, Huy và nhiều bạn SV khác mong chờ những thay đổi trong phương thức giảng dạy ngoại ngữ tại nhiều cơ sở giáo dục nhằm mang đến hiệu quả thực tế cho người học. Trong khi đó, Trương Nhựt Cường, Chủ tịch Hội SV Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mong chờ những giải pháp tối ưu hơn trong việc giảm tải cho hệ thống bệnh viện tuyến cuối.
Những câu chuyện làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho người trẻ khởi nghiệp, làm sao để các sản phẩm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao không chỉ dừng lại ở mô hình, dự án sau khi đoạt giải tại các cuộc thi cũng là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Các bạn trẻ cho rằng họ cần được đầu tư, động viên nhiều hơn để mạnh dạn khởi nghiệp, mạnh dạn hiện thực hóa rất nhiều ý tưởng đang hình thành trong đầu. Nhiều trong số những ý tưởng chưa được hiện thực hóa rất có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của đô thị thông minh trong thời gian tới.