Singapore thúc đẩy tái chế quần áo cũ

Nhằm giúp ngành thời trang phát triển bền vững, các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ tại Singapore đã có những sáng kiến tái chế quần áo cũ, không sử dụng của người dân thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên LifeLine thu gom quần áo trong các thùng rác tái chế. Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA
Nhân viên LifeLine thu gom quần áo trong các thùng rác tái chế. Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA

Trong vòng chưa đầy nửa giờ, những công nhân của Công ty tái chế LifeLine Clothing đã chất đầy 12 bao tải lớn với quần áo, giày dép và phụ kiện bỏ đi, hoặc hơn 120kg hàng dệt chỉ từ một chiếc thùng mầu vàng đặt tại khu nhà của Ủy ban Nhà ở Hougang (Singapore). Mỗi đội công nhân có thể dọn từ 18 đến 20 thùng quần áo mỗi ngày, thu gom trong một ngày khoảng hai tấn quần áo mà người dân Singapore vứt bỏ.

Kể từ sáu tháng nay, những thùng rác mầu vàng đựng vải dệt tái chế đã mọc lên khắp Singapore. Hiện có 114 thùng và con số sẽ còn tiếp tục tăng, nâng tổng số lên khoảng 200 thùng vào cuối năm nay. Những chiếc thùng rác mầu vàng nói trên là sáng kiến của Công ty tái chế LifeLine và tổ chức Cloop chuyên tái chế quần áo cũ. Quần áo được thu gom ở Singapore trước tiên sẽ chuyển đến một kho hàng ở Johor Bahru để đóng thành các kiện lớn, giúp vận chuyển và cất giữ dễ dàng hơn. Sau đó, chúng được gửi đến cơ sở tái chế của LifeLine ở Port Klang.

Theo Channel News Asia, Singapore đã tạo ra 189.000 tấn chất thải dệt may và da vào năm ngoái. Chỉ 4% trong số này, tương đương 7.000 tấn, được tái chế. Hầu hết rác thải được tái chế như vậy đều được xuất khẩu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã cấm xuất khẩu rác thải sang nước họ. Trước tình hình đó, Cloop và LifeLine Clothing đã lắp đặt các thùng rác tái chế mầu vàng ở Singapore với mong muốn tăng đáng kể tỷ lệ tái chế hàng dệt may tại quốc gia này.

Tổng Giám đốc điều hành LifeLine, ông Dale Warren tự tin rằng các thùng của họ có thể thu gom tới 40 tấn hàng dệt không còn được sử dụng mỗi tuần vào năm tới (khoảng 2.080 tấn mỗi năm, tương đương gần 30% trong số 7.000 tấn hiện tại được tái chế ở Singapore). Ông Warren cho biết: “Những gì chúng tôi làm là cố gắng lấy nguyên liệu, tìm ra nơi có thể tái chế và tái sử dụng chứ không chuyển rác thải sang một quốc gia khác”.

Sáng kiến “thùng rác vàng” đang nhận được những đánh giá tích cực của người dân và Chính phủ Singapore. Do đó, Cloop và LifeLine đang nhanh chóng nhân rộng số lượng các thùng rác tái chế này trên khắp “đảo quốc sư tử”.