“Săn quà” đại hội

Có thể xem những món quà lưu niệm, tiền mặt, đôi khi có cả… vàng là điểm nhấn thú vị tại các phiên họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) nhiều năm qua. Nhưng nếu quá tập trung vào vấn đề “săn quà” sẽ tác động không tốt đến bản chất của đại hội cổ đông, nơi những người chủ của doanh nghiệp gặp gỡ, bàn thảo về những vấn đề hệ trọng.
0:00 / 0:00
0:00

Trên mạng xã hội cách đây vài ngày có đưa ra so sánh về món quà của một ngân hàng tặng cổ đông năm 2022 là vàng lưu niệm, còn 2023 chỉ là món đồ gia dụng kèm phiếu mua hàng giảm giá. Một nhà đầu tư (NĐT) thâm niên 17 năm tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) lý giải: Thông thường doanh nghiệp (DN) nào năm trước tặng quà “xịn” là năm sau sẽ “hút” rất nhiều cổ đông đi họp với kỳ vọng lớn lắm nhưng thường thì sẽ… thất vọng. Nguyên nhân là vì có thể năm trước DN kinh doanh tốt, ở đỉnh của lợi nhuận nên rộng rãi và khi lên đến đỉnh rồi thì phải chùng xuống. Một điều nữa là đôi khi số lượng cổ đông quá nhiều cũng tác động đến cơ cấu chi phí cho đại hội, nên DN phải tính toán lại. Một NĐT khác thậm chí còn gay gắt hơn khi đặt vấn đề rằng, tiền của DN thực chất là tài sản của tất cả cổ đông, DN chi tiền làm quà tặng cho một số cổ đông đi họp, số khác không có liệu có mâu thuẫn gì về lợi ích không? Cũng theo NĐT này, nếu xem món quà là một sự tri ân cho gắn kết giữa DN và cổ đông thì có thể không phù hợp cho những NĐT chỉ mua cổ phiếu để đi họp, săn quà sau đó bán luôn.

Những ý kiến nêu trên cho thấy việc tặng quà cổ đông dù chỉ mang tính chất tình cảm, nhẹ nhàng nhưng DN phải có sự linh hoạt, khéo léo. Một luồng quan điểm khác cho rằng, các món quà cũng là một cách để “hút” cổ đông đến với đại hội, làm thương hiệu cho DN, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi. Điều này có thể đúng ở một vài khía cạnh, chẳng hạn như nếu ĐHCĐ phải hủy bỏ do không đủ số cổ phần có quyền biểu quyết thì chi phí tổ chức còn tốn kém hơn. Nhưng như đã nói ở trên, nếu làm không khéo DN sẽ ở vào thế có “quà” thì cổ đông mới đi họp, mà quà khiến ai đó không hài lòng thì dễ bị chê. Mấu chốt của vấn đề sẽ nằm ở việc cổ đông đi họp phải nhận thấy được giá trị dài hạn, bền vững và quan trọng mà đại hội đem chứ không phải vì các món quà. Đơn cử như ĐHCĐ của Công ty chứng khoán SSI, trong nhiều năm qua, luôn thu hút rất nhiều cổ đông dự họp và hôm 25/4 vừa qua cũng không còn một chỗ trống. Cổ đông đến dự chủ yếu vì muốn được trực tiếp nghe lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ các quan điểm, nhận định liên quan TTCK, hoạt động của DN. Những phân tích thấu đáo, đặc biệt là phần giao lưu trực tiếp với cổ đông khi nghỉ giải lao của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT công ty luôn có sức hút với rất nhiều người và thực tế cũng đã kiểm nghiệm được mức độ chính xác trong nhiều năm qua. Đây mới chính là những yếu tố tạo nên sức hút dài hạn cho DN nói chung và cho từng đợt họp ĐHCĐ nói riêng.