Xã hội hóa SGK là chủ trương đúng đắn
"Một chương trình, nhiều bộ SGK", xóa bỏ độc quyền xuất bản là chủ trương đổi mới quan trọng tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội nhằm huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao chất lượng SGK. Điều này cũng phù hợp với định hướng xây dựng nền giáo dục mở, “đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập” trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Từ năm học 2020-2021, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai lần đầu đối với lớp 1 và thực hiện “cuốn chiếu” để đến năm học 2024-2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới. Các bộ SGK do các cá nhân, tổ chức biên soạn, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, địa phương lựa chọn sử dụng trong các nhà trường. Sau hơn 4 năm thực hiện, cả nước có 6 NXB và 3 tổ chức đủ điều kiện tham gia biên soạn SGK. Mỗi năm đều có hơn 100 đầu SGK các môn học được phê duyệt, lựa chọn và đưa vào sử dụng trong các nhà trường.
Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (một trong những đơn vị tham gia biên soạn SGK theo Chương trình GDPT 2018) nhìn nhận, chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK đã tạo cơ hội, động lực và huy động được đóng góp, trí tuệ của các tập thể và toàn xã hội. “Hơn 1.500 GS. TS và các giáo viên có trình độ, nhiều kinh nghiệm tham gia viết sách. Việc huy động được lực lượng như vậy không phải là dễ dàng” – Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái chia sẻ.
SGK Cánh Diều - người bạn đồng hành tin cậy
Công việc viết sách giáo khoa xưa nay luôn thử thách bản lĩnh cũng như tinh thần của những người dám lựa chọn nó. Có nhiều tác giả dù đang bệnh vẫn cố gắng vượt qua, đầu tư thời gian, công sức, cống hiến hết mình đến giây phút cuối cùng của cuộc đời như PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, GS. TS Lưu Quang Hiệp,..
Trong trí nhớ của NGND. GS. TS Đỗ Thanh Bình, đồng Tổng Chủ biên SGK Lịch sử và Địa lí Cánh Diều thì viết SGK chưa bao giờ là việc dễ dàng. Ông đã từng viết rất nhiều loại sách, giáo trình nhưng chưa có loại nào khó như viết SGK. “Có những bài chúng tôi phải viết đi, viết lại cả chục lần. Có những thời điểm mọi người phải thức thâu đêm làm việc để bảo đảm kịp tiến độ” - GS, TS Đỗ Thanh Bình chia sẻ.
GS. TS Đỗ Thanh Bình tự hào nói rằng, Bộ sách Cánh Diều có ưu điểm hơn các bộ SGK khác bởi sự kết hợp giữa khoa học cơ bản và khoa học phương pháp; được thầy cô, học sinh tích cực đón nhận. Đó là niềm vui, động lực để ông cùng đội ngũ tác giả tiếp tục cống hiến.
Tin tưởng và lựa chọn SGK Cánh Diều, cô Ngô Thị Lê, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Thị trấn Núi Đối (Hải Phòng) đánh giá: “Bộ sách Cánh Diều đã thay đổi cách dạy và học; thay đổi tư duy kiểm tra, đánh giá với học sinh”. SGK Cánh Diều được sự tin tưởng của đông đảo giáo viên, học sinh trên cả nước không chỉ bởi chất lượng mà còn bởi sự đồng hành xuyên suốt của đội ngũ tác giả trực tiếp tương tác, hoặc qua các hội nhóm trên mạng xã hội để giải đáp thắc mắc của đội ngũ giáo viên. Khi khó khăn được tháo gỡ, chất lượng dạy và học được cải thiện rõ rệt. Nhiều giáo viên nhận định, mua SGK Cánh Diều không chỉ đơn giản là mua bộ sách mà còn mua cả niềm tin.
“Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống” vẫn sẽ là slogan và tư tưởng thống nhất, xuyên suốt của bộ sách Cánh Diều. Nó cũng thể hiện tâm huyết của đội ngũ tác giả và đơn vị tổ chức biên soạn, xuất bản Bộ sách trong việc đổi mới việc dạy và học theo hướng phát triển năng lực, thực hiện nhiệm vụ đào tạo những thế hệ công dân toàn cầu, phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước vững mạnh.