Sách bản đặc biệt - Từ tích chữ tới tích trữ

Bản đặc biệt, bản giới hạn, S100… là từ khóa đang nhận được nhiều sự quan tâm trên các diễn đàn về sách. Những hình ảnh long lanh của các ấn bản sách đẹp, cùng với nhiều phụ kiện đi kèm như đánh dấu trang, tranh minh họa, hộp đựng sách… luôn có sức “công phá” trái tim lẫn túi tiền của người đọc. Việc chơi sách bản đặc biệt, dẫu có vẻ là một thú vui mới nổi, nhưng lại không phải là chuyện bây giờ mới có.    

Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, tác giả cuốn “Thú chơi sách”.
Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, tác giả cuốn “Thú chơi sách”.

Kỳ 1: Những đặc biệt thuở ban đầu

Không phải đợi đến khi các cuốn S100 của Đông A nhanh chóng bán hết trong vòng một phút hoặc những lần “sang tay” sách với giá cao ngất ngưởng, dân chơi sách mới biết tới thuật ngữ “ấn bản đặc biệt”. Từ trước năm 1945, ngành sách ở nước ta đã sử dụng khái niệm này để phân biệt với ấn bản phổ thông.

Khi y phục phải xứng kỳ đức

Trong “Thú chơi sách” (Nhà xuất bản Tự do, 1961, tr. 47), học giả Vương Hồng Sển từng đề cập đến cuốn “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, bản in giấy thường, có giá 0,50 đồng. Trong khi, ấn bản đặc biệt của tác phẩm này, in trên giấy dó, có thêm tranh minh họa của Nguyễn Đỗ Cung có giá tới năm đồng bạc. Quan niệm về ấn bản đặc biệt là do các nhà xuất bản tự định nghĩa. Có thể họ quy định ấn bản đặc biệt phải có bìa cứng, in giấy dó, lụa in vân chìm… do các làng nghề Việt Nam sản xuất ra hoặc giấy nhập từ nước ngoài vào như giấy Japon, Hollande, Vélin... Nhưng nhìn chung, ngay từ giai đoạn trước năm 1945, đã có hàng loạt tiêu chí cho bản đặc biệt. Thứ nhất là có số lượng in giới hạn. Thứ hai là chất liệu giấy. Thứ ba, ấn bản đặc biệt còn có ghi tên, ghi số hoặc đóng dấu riêng của nhà xuất bản, có chữ ký của tác giả. Việc ghi tên, ghi số cũng có nhiều kiểu. Chẳng hạn, ấn bản đặc biệt có thể được đánh số từ 1 đến 100, có thể đánh số La Mã từ I đến XXX, cũng có thể có chữ viết tắt tên của chủ nhân bản đặc biệt, thí dụ sẽ có bản VTP cho nhà văn Vũ Trọng Phụng, bản TNV cho họa sĩ Tô Ngọc Vân, bản TTB cho ông chủ Nhà xuất bản Minh Đức Trần Thiếu Bảo… 

Với những khác biệt trong khâu in ấn, minh họa, ấn bản đặc biệt có giá cao hơn hẳn các bản phổ thông, có khi gấp năm đến mười lần. Vì lẽ trên nên ấn bản đặc biệt còn được gọi là bản quý. Theo nhà sưu tầm Vũ Hà Tuệ, thông thường, ở mặt sau của bìa lót sẽ có một trang thông tin ghi chú về các ấn bản, thí dụ ngoài 3.000 bản trên giấy thường, có thêm 30 bản giấy bạch vân, 10 bản giấy hồng đào, 50 bản giấy trắng Thụy Sĩ dành riêng cho gia đình và bạn đọc yêu sách đẹp... Các bản in với số lượng giới hạn này đều có thể coi là bản đặc biệt. 

Bên cạnh sự khác biệt về hình thức, nội dung của ấn bản đặc biệt cũng được chú trọng. Không phải tác phẩm nào cũng có bản đặc biệt mà chỉ những cuốn có nội dung được đánh giá cao. Chẳng hạn, về sách sáng tác có thể nhắc tới “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, “Bức tranh quê” của Anh Thơ, “Lều chõng” của Ngô Tất Tố… (trước năm 1945); về sách khảo cứu thì có “Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo đời Lý” của Hoàng Xuân Hãn, “Việt Nam bách khoa từ điển” của Đào Đăng Vỹ (sau năm 1945)… Dần dần, ngoài các tiêu chí trên, ấn bản đặc biệt còn có thêm một số yếu tố khác như phụ bản tranh khắc gỗ, do những danh họa thời bấy giờ như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đỗ Cung… thực hiện. 

Vang bóng đến vắng bóng

Cũng trong “Thú chơi sách”, trước băn khoăn tại sao phải mua ấn bản đặc biệt khi với một bản in giấy thường thì chẳng phải cũng vẫn nhà văn ấy hay sao, học giả Vương Hồng Sển đã có lời đáp rất hóm hỉnh: “Cũng một món thịt xào, một thứ rau luộc, một để trong đĩa sứ Giang - Tây, “Nội - Phủ”, một để trong chén đá, xin hỏi thứ nào ngon mắt thấy muốn thèm ăn hơn? Nếu ta phải ví sách với y phục, thì ta phải công nhận hạng sách in trên giấy thường có đóng bìa bố, bìa vải chắc chắn là những đồ nghề để giúp ta làm việc sinh nhai thường ngày, còn trái lại những quyển in giấy đẹp bìa mạ vàng xinh xinh lại là những y phục sang trọng mặc ngày lễ, khi đi ăn cưới, đi hãnh diện ngoài phố?” (trang 47-48). Ông cũng bàn khá kỹ về tiêu chí, quy cách khi làm ấn bản đặc biệt, như điển hình cho một thú chơi sách phong lưu và tốn kém. Tuy nhiên, ông lại không trả lời cho câu hỏi ấn bản đặc biệt đầu tiên ở nước ta ra đời vào khi nào. Cho đến nay, đây dường như vẫn là một bí ẩn vì hiện vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể và chính xác về vấn đề này.

Nhà báo Yên Ba, cũng là một nhà sưu tầm sách có tiếng, cho rằng nếu chỉ xét trong phạm vi sách Quốc ngữ và sách về văn chương thì hình thức sơ khai ban đầu cho bản đặc biệt ở nước ta có lẽ là tác phẩm “Một tháng ở Nam Kỳ” của học giả Phạm Quỳnh, xuất bản vào tháng 2/1919. Ấn bản đặc biệt của cuốn này chỉ in 200 bản, không bán và có đánh số thứ tự từ 1 đến 200. Sau dấu mốc đó, sách Quốc ngữ ấn bản đặc biệt cũng xuất hiện thưa thớt nhưng không phổ biến. Phải đến khi Tự lực văn đoàn ra đời (năm 1933), thành lập Nhà xuất bản Đời nay (tháng 6/1934) nhằm in ấn, giới thiệu hàng loạt tác phẩm của các thành viên trong nhóm, ấn bản đặc biệt mới nở rộ trở lại. Cũng theo nhà báo Yên Ba, trong giai đoạn này, hầu như tất cả các ấn phẩm của Nhà xuất bản Đời nay đều có bản đặc biệt. Năm 1936, Nhà xuất bản Đời nay có một ngã rẽ khác khi công bố ý tưởng về việc xuất bản sách “Lá mạ”, chủ trương in “sách giá trị và bán giá rẻ”. Đó lại là một câu chuyện thú vị khác về xuất bản nước ta trước năm 1945.  

Trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975, bản đặc biệt ở miền bắc rất hiếm. Trong khi đó ở miền nam, các nhà văn, nhà thơ như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa… tiếp tục ra mắt các bản đặc biệt dành riêng cho thành viên gia đình, bạn bè thân hữu hoặc một số ít độc giả có thú chơi sách đẹp.

Từng là một thú phong lưu thịnh hành là thế, nhưng trải qua nhiều biến động thời cuộc, những ấn bản đặc biệt thưa thớt dần. Sau năm 1975, một phần do điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, các bản in giới hạn gần như vắng bóng, hoặc nếu có thì chủ yếu phục vụ cho mục đích ngoại giao, tặng biếu các nhân vật quan trọng hoặc để tham gia hội chợ sách. Chính vì mục đích trên, nên một mặt, các ấn bản giới hạn ngay từ đầu đã không dành cho số đông người mua sách và mặt khác, cũng không được nhiều người yêu sách chú ý quan tâm.  Năm 1976, chúng ta có ấn bản đặc biệt của “Truyện Kiều”, do Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp thực hiện. Cuốn sách chỉ có 10 bản, được làm để gửi đi hội chợ sách quốc tế lần đầu tiên tại Matxcơva (Nga). Điểm đặc biệt của ấn bản này nằm ở chiếc hộp sơn mài dùng để đựng sách. Minh họa trên mặt hộp là tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn, vẽ theo tích “So dần dây vũ dây văn” trong “Truyện Kiều”. Một năm sau đó, cuốn “Hề chèo” của GS Hà Văn Cầu cũng có bản đặc biệt. Năm 1989, Nhà xuất bản Trẻ in 500 bản đặc biệt cuốn “Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ XX” để tham dự Triển lãm sách quốc tế Leipzig 89 và giới thiệu ở nước ngoài… Và cũng chỉ có vài ba lần như vậy. 

Sự xuất hiện ít ỏi, gần như vắng bóng của những cuốn sách hiếm trong một thời gian dài đã khiến ít người có thể hình dung được hơn chục năm sau, ấn bản đặc biệt bắt đầu trở lại, dần hình thành một trào lưu trong giới xuất bản, đồng thời châm ngòi cho một cuộc đua kịch tính của nhiều đơn vị làm sách.  

(Còn nữa)