Thử thách từ khi lên ý tưởng
Ý tưởng thiết kế một máy làm sạch tổ yến tự động của nhóm sinh viên ngành Cơ điện tử - Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ một đề tài thầy giáo giao trên giảng đường. Khi bắt tay vào làm, nhóm các bạn trẻ Hồ Trọng Thành Vinh, Lê Thanh Hải, Nguyễn Quốc Anh Huy, Lưu Hoàng Long không dừng lại ở một bài tập mà đã biến thành một dự án khởi nghiệp.
Hồ Trọng Thành Vinh, trưởng nhóm bày tỏ, ý định khởi nghiệp bắt đầu có từ khi nhóm tiếp cận thực trạng sản xuất tổ yến hiện nay. Theo Vinh, tổ yến không chỉ là thực phẩm “vàng” mà còn là mặt hàng có giá trị trên thị trường, nhưng quy trình sản xuất hiện vẫn dừng lại ở cách thức thủ công. Điều này ảnh hưởng năng suất và sức khỏe của người lao động. “Người lao động phải làm sạch tổ yến bằng tay, các đầu ngón tay phải gắp liên tục, ngồi lâu căng mắt hằng giờ nên sau nhiều năm thị lực suy giảm, các khớp tay bị đau nhức là điều không tránh khỏi. Việc sử dụng robot sẽ thay thế công việc cực nhọc này, qua đó có thể vừa giảm giá thành vừa có thể loại bỏ được một công việc có hại cho con người”, Thành Vinh cho biết.
Nhìn ra điểm tích cực của ý tưởng này, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, bốn chàng sinh viên Bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng không ít lần mất ăn mất ngủ. Vinh cho biết, nguyên do bởi các cơ sở sản xuất tổ yến đều theo mô hình kinh doanh khép kín nên những lần đầu đi liên hệ thực tế, nhóm đều bị từ chối. Được giới thiệu tới làm việc với một hộ kinh doanh ở huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) nhưng nhóm vẫn khó tiếp cận hoàn toàn quy trình vì chủ doanh nghiệp chưa tin tưởng. Vừa thu gom kiến thức thực tế, vừa nghiên cứu thêm, sau mỗi chuyến đi, nhóm định hình dần mô hình mà mình muốn làm.
Nhận thấy quyết tâm của nhóm, các thầy, cô đã giúp đỡ trong việc góp ý về kỹ thuật lẫn liên hệ với các hộ sản xuất. “Khi được cho phép khảo sát thực tế, nhóm đã bắt xe đi trong đêm. Đến nơi lúc 3 giờ sáng, bọn em ngủ tạm ngoài trạm xe rồi chờ gần sáng tìm cách di chuyển tới cơ sở sản xuất. Không quen đường sá, lại không có taxi hay xe máy cho thuê, chặng đầu tiên, nhóm phải đi bộ. Thật may là chuyến khảo sát thành công tốt đẹp”, chủ nhân của giải đặc biệt kể lại.
Nuôi ước mơ hiện thực hóa
Để việc dùng robot đạt độ chính xác như con người dùng mắt để nhặt lông là thách thức lớn nhất về mặt kỹ thuật mà nhóm phải đối mặt. Không chỉ có kỹ thuật, nhóm còn gặp khó khăn cả về kinh phí sản xuất. “Cái khó ló cái khôn”, nhóm đành chọn một giải pháp để tìm kinh phí: mang “đứa con tinh thần” đi thi.
Bắt tay thực hiện dự án từ tháng 5-2019, tới tháng 8 năm vừa qua, nhóm mới mang ý tưởng này tham gia cuộc thi khởi nghiệp “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ - S&IP 2020”. Các bạn đã chứng minh được việc sử dụng robot sẽ tăng năng suất từ 30 - 50% so quy trình làm sạch tổ yến hiện nay, vừa thay thế con người trong những khâu nặng nhọc. Máy cũng sẽ giúp giảm lượng nhân công làm các công việc có hại cho sức khỏe, nên về lâu dài mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững. Giải thưởng đặc biệt từ cuộc thi đã trở thành món quà tiếp sức ý nghĩa với cả nhóm.
Từ cuộc thi, những sinh viên ngành cơ khí này đã có thêm kinh phí nghiên cứu sản phẩm, trang bị kiến thức đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sáng kiến của mình. “Việc được nhận giải thưởng cũng đồng nghĩa với kỳ vọng mà Ban tổ chức đã trao cho nhóm. Đây vừa là áp lực cũng là động lực để nhóm tự tin vào hướng đi của mình. Trong tương lai, sau khi chúng em hoàn thiện sản phẩm để có thể sản xuất hàng loạt, hy vọng công việc gắp tổ yến gây hại cho sức khỏe này sẽ được máy móc thay thế”, Thành Vinh cho biết.
Thời gian tới, nhóm sẽ tập trung thử nghiệm robot tại các cơ sở sản xuất yến và nghe nhận xét từ các “đối tượng thụ hưởng”, những khách hàng tương lai. Đây cũng là điểm khởi đầu cho hành trình tìm kiếm nhà đầu tư, tìm nguồn kinh phí hỗ trợ để sản phẩm đi vào thực tiễn trong tương lai.