Quyết tâm học nghề

Sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cấm xuất khẩu gạo tấm đồng thời áp thuế 20% đối với hầu hết các loại gạo khác từ ngày 9/9 nhằm bảo đảm an ninh lương thực do nước này đang bị hạn hán, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn nhờ thế mạnh về gạo xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM
Đào tạo nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM

Từ chối cơ hội trúng tuyển ĐH

Thay vì hoàn thành thủ tục đăng ký nguyện vọng đại học và chờ kết quả, nhiều học sinh đã từ chối cơ hội trúng tuyển, chọn nhập học sớm tại các trường cao đẳng.

Em Hoàng Thanh Tùng vừa nhập học tại Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội trong khi các bạn của em chờ đón kết quả trúng tuyển đại học. Tùng thi tốt nghiệp THPT đạt 26 điểm khối C00 và từng ao ước trúng tuyển một số ngành yêu thích tại các trường đại học như: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Văn hóa và Đại học Nội vụ. “Nếu học cao đẳng, chi phí rẻ hơn, thời gian học nhanh và sẽ có nghề, có việc làm sau khi tốt nghiệp. Phần lớn chúng em bây giờ không đỗ đại học sẽ đi học nghề chứ không đi làm luôn”, Tùng chia sẻ.

Với mức điểm thi THPT 2022 khá cao, Nguyễn Thùy Dương (quê Quảng Ninh) biết chắc chắn mình sẽ có cơ hội vào đại học, nhưng em vẫn chọn cho mình học Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội. “Quê em là vùng đất du lịch, học nghề xong, em sẽ kiếm được việc làm ngay trên quê mình, có thể giúp bố mẹ sớm. Nhiều anh, chị của em đã theo nghề du lịch đều có mức thu nhập cao nên ngay từ khi học THPT em đã ấp ủ theo nghề này. Thời gian tới, vừa học ở trường, em sẽ theo học thêm tiếng Trung nữa để sau này phục vụ công việc của em tốt hơn”. Còn Hoàng Thu Hoa, học viên Trường cao đẳng Nấu ăn Hà Nội cho biết, sau khi học hết phổ thông, em đã đi học nghề và nay đang có một công việc ổn định tại một nhà hàng lớn mà không phải ngược xuôi để xin việc. “Em sẽ tích lũy kinh nghiệm, học hỏi làm việc tại các nhà hàng lớn. Sau này có đồng vốn, em sẽ mở một nhà hàng của riêng mình. Đây là ước mơ nghề nghiệp của em. Theo em, để thành công, để làm công việc mình yêu thích, không nhất thiết phải học đại học”, Hoa tâm sự.

Nhiều bạn trẻ được hỏi sau khi lựa chọn học nghề cho rằng, hai năm học tại giảng đường cao đẳng với xu hướng đào tạo thiên về thực hành (chiếm 70% nội dung đào tạo) với nhiều tình huống, trải nghiệm sát với thực tế sẽ giúp sinh viên đúc kết được những yêu cầu mới nhất của thị trường lao động. Các lĩnh vực như tiếp thị, kinh doanh, công nghệ, thiết kế, nhà hàng, khách sạn… được đào tạo với thời gian học từ hai năm đến bốn năm (tương đương chương trình cao đẳng chính quy và cao đẳng 9+). Hơn nửa lộ trình học tập sinh viên sẽ được đào tạo thiên về học nghề, bao gồm các kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn thực tế để vững vàng tay nghề sau khi ra trường.

Quyết tâm học nghề ảnh 1

Sinh viên Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội giới thiệu sản phẩm thực hành.

Cách nhìn mới

Hiện, có xu hướng học sinh không lựa chọn đại học mà chuyển hướng sang học nghề, điều này thể hiện ngay trong số lượng thí sinh đăng ký thi THPT chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp gia tăng. Ngoài ra, khá nhiều thí sinh có đăng ký để lấy kết quả đại học nhưng cũng chỉ dùng kết quả đó để học nghề.

Thực tế, việc học nghề được xem như một lựa chọn sáng suốt trong thời điểm này. Khi thị trường việc làm đang “thừa thầy thiếu thợ”, những bạn trẻ có tay nghề được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn chính là đối tượng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm. Không những vậy, nhiều đơn vị đào tạo nghề ngắn hạn hiện nay còn kết nối với các đơn vị tuyển dụng, tìm kiếm việc làm để giới thiệu cho học viên ngay sau khi ra nghề. Hoặc nếu không ứng tuyển vào bất cứ vị trí nào thì sau khi được đào tạo, bạn trẻ cũng có thể tự khởi nghiệp với sức khỏe, bản lĩnh và tay nghề của mình.

Theo các chuyên gia, sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch thì các lĩnh vực như: Du lịch, y tế, logistics, kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, sáng tạo phần mềm... được người học quan tâm nhiều hơn. Vì vậy, để bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, giới trẻ cần phải bổ sung các kỹ năng bổ trợ như: Kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ, tin học... Ngoài ra, cần thay đổi nhận thức không chỉ có một con đường duy nhất là phải vào đại học, cao đẳng mới thành công khi lập nghiệp.

Nhiều bạn trẻ hiện nay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng đã tự tìm hiểu nghề nghiệp học tới đây của mình. Nguyễn Thế Hưng, học sinh lớp 11 Trường THPT Việt Đức Hà Nội hiện rất quan tâm đến Thiết kế đồ họa vì ngành này mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn: “Bạn có thể bắt đầu với vai trò của một designer thiết kế 2D hoặc 3D; bạn có thể lấn sân sang lĩnh vực quảng cáo sáng tạo với những ý tưởng mỹ thuật có một không hai hoặc bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ trở thành một youtuber triệu view với những thước phim sắc nét, sống động được dàn dựng độc đáo nhờ sự giúp sức của các phần mềm Premiere, After Effects… kết hợp với tư duy bố cục, thẩm mỹ, viết kịch bản. Có thể nói, ngành học này giúp người trẻ tự tin xây dựng thương hiệu của riêng mình thông qua các thiết kế mang đậm dấu ấn riêng, từ đó tiếp thị dễ dàng hình ảnh cá nhân đến các đơn vị tuyển dụng”, Hưng có một góc nhìn rất rõ ràng.

Không xem nhẹ việc định hướng nghề nghiệp sớm

Nhiều phụ huynh cho rằng, cấp THCS là quá nhỏ để định hướng nghề nghiệp cho con. Nhưng theo chương trình giáo dục mới được áp dụng vài năm gần đây, đặc biệt là năm học 2022-2023, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được đưa vào môn học bắt buộc cùng các môn văn hóa. Cũng theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh lớp 10, bên cạnh các môn học bắt buộc, còn phải lựa chọn 4/9 môn tự chọn. Theo đó, học sinh và phụ huynh phải chọn lựa và phân luồng môn học ngay khi hết cấp THCS.

Thực tế, nếu phụ huynh xem nhẹ việc định hướng sớm cho con sẽ dẫn đến lúng túng khi không biết chọn môn học nào trong các môn học tự chọn ngay khi bước vào lớp 10, kéo theo những sai lầm nghiêm trọng trong việc chọn ngành nghề và chọn trường đại học trong tương lai. Do vậy, phụ huynh và học sinh cần cân nhắc dựa trên năng lực và sở thích của con để chọn lựa tổ hợp môn và ngành nghề con dự định theo đuổi.

Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp sớm nên rất sốt sắng và áp đặt con đi theo truyền thống “cha truyền con nối” nhằm tránh rủi ro trong quá trình chọn nghề của con. Nhiều phụ huynh muốn con viết tiếp ước mơ của mình, muốn con thực hiện những điều mình chưa làm được, kỳ vọng và mong mỏi ở con quá nhiều mà không nghĩ đến việc con cũng có những ước mơ riêng.

Thực tế, nhiều em bị ảnh hưởng bởi môi trường nghề nghiệp của cha mẹ nên yêu mến nghề đó. Tuy nhiên, không ít học sinh mong muốn được chọn những nghề mình thích nhưng không được sự đồng tình của bố mẹ. Phụ huynh đưa ra nhiều lý do để áp đặt suy nghĩ, áp đặt định hướng của mình lên các con, thậm chí cả đe dọa mà không quan tâm sở thích và mong muốn của con. Đây là một sai lầm mà rất nhiều phụ huynh mắc phải khi không cho con được quyền quyết định cuộc đời mình.

Cũng có nhiều phụ huynh lại quá kỳ vọng vào năng lực và muốn con theo đuổi những ngành học “hot”, những ngành học khó như bác sĩ, kỹ sư… nên các con phải học rất nhiều để đạt được điểm số cao. Nhiều học sinh vì chưa biết bản thân muốn gì hoặc không dám bày tỏ quan điểm nên nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, đến khi lỡ bước vào mới biết mình không phù hợp.

Việc định hướng nghề nghiệp và con đường học tập cho con cần có sự đồng thuận giữa học sinh và phụ huynh chứ không phải chỉ một phía. Phụ huynh cần thấu hiểu năng lực và sở thích của con để đưa ra lời khuyên hữu ích nhất. Các con cũng nên lắng nghe và thuyết phục bố mẹ, bày tỏ ý kiến và có trách nhiệm với những quyết định của bản thân mình.