Hai năm thanh sát
Sau thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011, Nhật Bản gặp phải sự cố nổ và rò rỉ chất phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, dẫn đến nước thải chứa chất phóng xạ tích tụ. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị chịu trách nhiệm khắc phục sự cố, trong những năm qua đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xử lý nước thải chứa phóng xạ trong quá trình làm mát các thanh nhiên liệu, cũng như nước mưa và nước ngầm bị nhiễm phóng xạ từ nhà máy.
Tuy nhiên, đến nay lượng nước thải ô nhiễm qua xử lý đã quá đầy và gần đạt sức chứa 1,37 triệu tấn của khoảng 1.000 bể chứa trong nhà máy. Do đó, TEPCO đứng trước yêu cầu phải xả bỏ bớt nước thải đã xử lý để tránh rò rỉ ngoài ý muốn và nhường chỗ chứa nước cho hoạt động của nhà máy. Trước vấn đề cấp bách nói trên, giới chức Nhật Bản đã quyết định phương án xả nước trữ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển vào tháng 4/2021, đồng thời yêu cầu IAEA tiến hành đánh giá chi tiết các khía cạnh liên quan mức độ an toàn của kế hoạch.
Trong hai năm qua, các chuyên gia của IAEA đã thực hiện năm chuyến công tác tới Nhật Bản để thanh sát, đánh giá; công bố sáu báo cáo kỹ thuật và gặp gỡ nhiều lần với đại diện Chính phủ Nhật Bản và TEPCO. Theo Reuters, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết: “Nhật Bản phải xử lý nước phóng xạ vì sự cần thiết và trách nhiệm bảo đảm an toàn cho môi trường và sức khỏe con người. Hiện, IAEA đánh giá các kế hoạch của Nhật Bản về việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý được lưu trữ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển là phù hợp tiêu chuẩn an toàn của IAEA”.
Ông Grossi cho biết thêm, các thanh sát viên IAEA đã phân tích hàng trăm trang tài liệu kỹ thuật và quy định, các thành viên thanh tra cũng đã nhiều lần đến địa điểm của nhà máy ở miền đông Nhật Bản để xem xét việc chuẩn bị xả nước từ nhà máy điện. “IAEA sẽ tiếp tục cung cấp thông tin minh bạch cho cộng đồng quốc tế, giúp tất cả các bên liên quan có thể dựa vào dữ liệu thực tế và cơ sở khoa học đã được xác minh để tìm hiểu và giải đáp các mối quan ngại về vấn đề này trong suốt quá trình”, Tổng Giám đốc Grossi nói.
TEPCO xử lý nước nhiễm xạ như thế nào?
Tờ Nikkei đưa tin, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét bắt đầu tiến hành xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển sớm nhất vào tháng 8 tới. Dù vậy, các quan chức Tokyo nhấn mạnh quá trình này sẽ mất từ 30 đến 40 năm để hoàn thành. TEPCO hiện vẫn phải chờ phê duyệt chính thức từ cơ quan quản lý hạt nhân quốc gia đối với quy trình này. Song theo công bố trước đó, TEPCO khẳng định, trước khi xả ra biển, nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý sẽ được pha loãng để giảm nồng độ phóng xạ xuống dưới 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với nước uống.
TEPCO đã sử dụng một hệ thống lọc chuyên dụng cao, được gọi là Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS), để loại bỏ hầu hết 62 nguyên tố phóng xạ trong nước, bao gồm cesium và stronti, nhưng vẫn tồn tại nguyên tố tritium. Tritium, một đồng vị của hydro rất khó tách khỏi nước. Một số nghiên cứu cho thấy tritium có thể gây tổn hại cho các tế bào di truyền ADN. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, tritium được cho là ít gây rủi ro đối với sức khỏe con người và môi trường vì phát ra tia bức xạ rất yếu, khó có thể xuyên qua da người. Tritium cũng khó tích tụ trong cơ thể sống. Nồng độ chất này được giữ ở mức cho phép và nước sẽ được pha loãng xuống dưới mức được quốc tế chấp nhận trước khi được thải ra Thái Bình Dương.
Ngoài việc pha loãng, trước khi xả thải ra biển, nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý sẽ được bơm vào một bể để kiểm tra nồng độ của các chất phóng xạ, qua đó bảo đảm nồng độ của các chất này thấp hơn so quy định. TEPCO khẳng định, lượng tritium được tìm thấy trong nước thải đã qua xử lý sắp được xả ra sẽ bị pha loãng rất nhiều và nằm trong tiêu chuẩn nước uống của WHO. Chỉ khi nước đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt và được kiểm tra bởi các thanh sát viên bên thứ ba, nước mới được bơm ra đại dương, cách nhà máy Fukushima số 1 khoảng 2 km.
Theo đại diện TEPCO, nước thải không đạt quy định sẽ được lọc lại bằng hệ thống ALPS cho đến khi đạt yêu cầu thì mới được phép xả thải ra biển. Tác động của việc xả nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý ra biển đối với con người và môi trường đã được đánh giá theo các phương pháp được quốc tế công nhận, trong đó có bộ tài liệu tiêu chuẩn an toàn của IAEA.
Ngăn chặn những thảm họa ô nhiễm phóng xạ
GS ngành khoa học môi trường Jim Smith của Đại học Portsmouth ở Anh cho rằng không phải lo ngại về sự an toàn của nước sẽ được xả ra biển, vì việc chủ động, xả nước đã qua xử lý sẽ an toàn hơn là giữ nước trong các bể lớn, trong khi Nhật Bản vẫn đang đứng trước các khả năng gặp thảm họa thiên nhiên khác như bão, sóng thần hay động đất.
Ông Smith nói: “Nồng độ tritium đo được thấp hơn khoảng bảy lần so tiêu chuẩn nước uống có thể sử dụng của WHO. Vì vậy, về lý thuyết, nếu đó không phải là nước mặn thì bạn có thể uống. Việc thử nghiệm và kiểm tra chất lượng đã trải qua một quy trình nghiêm ngặt. Nước trước khi xả đã qua kiểm tra chất lượng để bảo đảm có mức độ phóng xạ an toàn trước khi được xả ra biển”.
Việc xử lý nước phóng xạ là để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và tác động tiềm tàng đến hệ sinh thái và nguồn tài nguyên nước. Bằng cách loại bỏ chất phóng xạ từ nước thải, Nhật Bản có thể giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường biển và sinh vật sống trong đó. Ngoài ra, việc xử lý nước phóng xạ cũng là nghĩa vụ quốc tế và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế của Tokyo. Dù vậy, một số nhà khoa học cho biết vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc tiếp xúc lâu dài cho dù là ở nồng độ thấp với chất phóng xạ như tritium, vì vẫn chưa có bằng chứng khoa học tuyệt đối chắc chắn. Một số chuyên gia khác kêu gọi minh bạch hơn trong quá trình lấy mẫu và giám sát việc xả nước ra biển.
Ngoài ra, quyết định xả nước đã qua xử lý ra biển của TEPCO cũng đang vấp phải sự lo ngại từ nhiều phía, cả trong nước và các quốc gia trong khu vực. Các hiệp hội ngành nghề đánh cá địa phương của Nhật Bản đã phản đối kế hoạch của chính phủ, cho rằng kế hoạch này làm hủy hoại danh tiếng ngành đánh bắt cá của Nhật Bản sau khi một số quốc gia đã cấm một danh mục sản phẩm thực phẩm chế biến của Nhật Bản sau thảm họa năm 2011. Mặc dù hầu hết ngư dân đang nhận được các khoản bồi thường từ TEPCO để bù đắp thiệt hại do các quốc gia ngừng nhập hải sản từ Nhật Bản, nhưng họ lo ngại rằng một khi xả thải nước bị ô nhiễm ra đại dương sẽ có “tác động thảm khốc” hơn nữa. Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc đảo Thái Bình Dương phản đối việc xả nước vì lo ngại về mối đe dọa đối với môi trường biển và sức khỏe cộng đồng.