Quản lý tài sản

Trong vài năm gần đây, các đơn vị như ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hay cả công ty bảo hiểm đều nhấn mạnh đến khái niệm “quản lý tài sản” và cái đích hướng đến là phân khúc khách hàng cao cấp, tài sản vài chục tỷ đồng hay quy ra hàng triệu USD. Nhưng từ kỳ vọng, mong muốn cho đến việc hiện thực hóa e rằng vẫn còn khoảng cách.
0:00 / 0:00
0:00

Có thể bắt đầu từ câu chuyện trái phiếu. Cần phải khẳng định, nếu làm đúng, phù hợp, trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn tốt cho doanh nghiệp và là một kênh đầu tư phù hợp. Nhưng với những chuyện không hay xảy ra, thử hỏi trách nhiệm của những đơn vị chào bán cho khách hàng của mình đến đâu và trong số này chắc không thiếu những đơn vị quảng cáo mình chuyên nghiệp.

Rồi đến câu chuyện của cổ phiếu, đến thời điểm này, đếm chưa đủ một bàn tay các đơn vị quản lý tài sản mạnh miệng tuyên bố việc đã gia tăng tỷ trọng tiền mặt từ vùng 1.400-1.500 điểm của VN Index để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Lập luận của một vài đơn vị là do thị trường xuống nên danh mục đầu tư cũng… xuống theo. Nhưng ở đây cần xem lại tiêu chí của các đơn vị này là “bảo vệ, sinh lời” cho tài sản của khách hàng. Cũng có ý kiến cho rằng, vì theo một số ràng buộc về mặt hoạt động thì các quỹ sẽ không thể bán sạch danh mục, buộc lòng phải giữ cổ phiếu nên dẫn đến những hệ lụy. Nhưng cũng nên nhớ rằng, các quỹ nếu muốn vẫn có thể công bố hoặc tiến hành thay đổi các quy định này.

Nêu ra hai thí dụ trên để thấy rằng, những hoạt động quản lý tài sản hay nói một cách mỹ miều là “wealth management” chỉ rực rỡ khi thị trường chung thuận lợi. Còn ở thời điểm thách thức hiện nay thì sự phân hóa vẫn chưa rõ ràng, chưa thấy được những đơn vị thể hiện sự vượt trội. Có chăng, vẫn xuất hiện một số cái tên cá biệt như hai công ty chứng khoán có thị phần lớn, thời gian qua không tham gia vào mảng trái phiếu và khá chặt chẽ trong việc quản trị rủi ro.

Nhưng con số này vẫn chưa nhiều, để theo đúng như nguyện vọng của nhiều người đó là tìm một nơi có thể quản lý tốt tài sản của mình, giúp tài sản sinh lời bất chấp xảy ra những biến động khó lường. Một điểm băn khoăn ở đây là ngay cả những đơn vị ít nhiều cho thấy khả năng quản lý tài sản tốt thì dường như những chia sẻ, công bố hay nói đơn giản hơn là quảng cáo, PR ra bên ngoài về nghiệp vụ của mình cũng khá kiệm lời. Và với một khách hàng hay nhà đầu tư cá nhân không phải trong ngành quản lý tài sản thì rất khó để tìm ra những đơn vị “có nghề” mà thường dễ bị thu hút bởi những quảng cáo hào nhoáng.

Nói tóm lại, trên thị trường chứng khoán hiện nay vẫn có thể kiếm tiền khi VN Index đi xuống (bằng cách short phái sinh) thì các đơn vị quản lý tài sản cũng phải tìm được cách để bảo vệ tiền cho nhà đầu tư, rồi kế tiếp là sinh lời trong dài hạn, một cách thực chất nhất.