Qatar sẵn sàng cho World Cup 2022

Chỉ còn vài ngày nữa, giải bóng đá lớn nhất hành tinh (World Cup) sẽ diễn ra. Trong suốt 12 năm kể từ khi chiến thắng trong việc giành quyền đăng cai World Cup năm nay, nước chủ nhà Qatar đã sử dụng nguồn lực khổng lồ về kinh tế và con người nhằm phục vụ cho sự kiện bóng đá thu hút nhất thế giới. Đến thời điểm hiện tại, Qatar đã sẵn sàng cho World Cup.
0:00 / 0:00
0:00
Một sân bóng đá được trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ của Qatar. Ảnh: AP
Một sân bóng đá được trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ của Qatar. Ảnh: AP

Những con số ấn tượng

Ngày 2/12/2010, Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) đã tiến hành bỏ phiếu để chọn ra nước chủ nhà của World Cup 2018 và World Cup 2022. Thời điểm đó, trong khi Nga đã vượt qua lần lượt Bỉ, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ở các vòng để giành quyền đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm 2018, thì Qatar cũng vượt qua Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản ở bốn vòng bỏ phiếu để giành quyền tổ chức Vòng chung kết World Cup năm 2022.

Trong hơn một thập kỷ qua, theo trang thống kê Statista, Qatar đã mạnh tay đầu tư 220 tỷ USD vào công tác chuẩn bị và đăng cai World Cup. Con số này khiến Qatar đi vào lịch sử khi sự kiện thể thao được tổ chức dự kiến từ 20/11 đến ngày 18/12 tới là một World Cup đắt đỏ nhất từ trước tới nay. Biểu đồ cho thấy Qatar đầu tư ngân sách cho các công tác chuẩn bị cao hơn hẳn so các quốc gia từng đăng cai khác như Nga (11 tỷ USD) hay Đức (4,3 tỷ USD).

Với nguồn lực kinh tế lớn, Qatar đã đầu tư rất “hào phóng”, trong đó xây mới bảy sân vận động, xây dựng mới một thành phố cùng việc cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông... bao gồm tàu cao tốc, tàu điện ngầm, cảng nước sâu và sân bay quốc tế khổng lồ. Ước tính, các sân vận động mới tiêu tốn của Qatar hơn 6,5 tỷ USD, trong khi đó hệ thống tàu điện ngầm không người lái phục vụ tại 5/8 địa điểm thi đấu cũng mất 36 tỷ USD chi phí xây dựng.

Để phục vụ người hâm mộ bóng đá, Qatar sẽ dừng đường bay giữa Doha với 18 địa điểm khác để ưu tiên dành chỗ ở sân bay và các chuyến bay cho những quốc gia có đội tuyển tham dự và có đông người hâm mộ bay tới cổ vũ. “Chúng tôi đã cắt giảm chuyến bay từ khoảng 18 địa điểm khác. Ưu tiên của lúc này không phải là hoạt động của hãng hàng không Qatar, mà là giúp các khách du lịch tới Qatar được bay một cách thuận lợi hơn”, ông Akbar Al Baker - Chủ tịch Qatar Airways cho hay.

CNN dẫn số liệu do Chủ tịch FIFA Gianni Infantino công bố cho hay, khoảng 1,2 đến 1,5 triệu du khách sẽ tới Qatar xem World Cup. Con số này gần bằng một phần hai dân số Qatar. Trong khi đó, ước tính Qatar chỉ có chưa đầy 31.000 phòng khách sạn và các mục nhà nghỉ khác. Để đáp ứng nhu cầu phòng nghỉ, nước chủ nhà đã huy động thêm 130.000 dạng phòng như các căn hộ và villa trong các khu chung cư, biến chúng thành nơi lưu trú tạm thời. Ngoài ra, ba con tàu du lịch viễn dương khổng lồ sẽ đậu tại cảng Doha, cung cấp thêm hơn 5.000 phòng nghỉ. Qatar cũng đã xây dựng một làng cổ động viên có thể chứa tới 12.000 người nếu được đặt trước.

Để giải bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra thuận lợi, việc bảo đảm an ninh cũng là một thách thức lớn. Nguồn tin từ Bộ Nội vụ Qatar cho biết, quốc gia vùng Vịnh này sẽ triển khai 50.000 nhân viên, trong đó có cả người nước ngoài, làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho World Cup 2022.

Trong một tuyên bố ngày 3/11 vừa qua, ông Jabr Hammoud Jabr Al Nuaimi, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Qatar khẳng định: “50.000 người đã được đào tạo để giữ an toàn tại World Cup theo tiêu chuẩn của FIFA và các nhân viên an ninh quốc tế sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy của Qatar. Lực lượng từ các quốc gia hữu nghị, sở hữu các kỹ năng chuyên biệt, sẽ là sự bổ sung chất lượng cho an ninh của giải đấu”. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sẽ hỗ trợ Qatar 3.000 cảnh sát chống bạo động, nhưng lực lượng này sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy của Ankara.

Qatar sẵn sàng cho World Cup 2022 ảnh 1

Qatar đầu tư kỹ lưỡng phục vụ World Cup 2022. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Kỳ World Cup của những lần đầu

Theo Reuters, World Cup năm 2022 là một giải đấu rất đặc biệt, nơi có nhiều thứ lần đầu diễn ra. Cụ thể, đây là World Cup đầu tiên diễn ra ở một nước thuộc khu vực Trung Đông và là lần thứ hai tại châu Á sau 20 năm kể từ World Cup Hàn Quốc - Nhật Bản năm 2002. World Cup 2022 cũng là lần đầu trong lịch sử vòng chung kết giải đấu này, châu Á có tới sáu đại diện tham dự, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Australia và chủ nhà Qatar.

World Cup năm nay không diễn ra vào mùa hè như thường lệ. Do nền nhiệt độ mùa hè ở Qatar thường khá cao (từ 39-40oC) nên FIFA quyết định giải đấu năm nay không diễn ra vào tháng 6 hay 7 như mọi khi, mà lần đầu tổ chức vào mùa đông. Tuy nhiên, thời điểm diễn ra World Cup là thời điểm đẹp nhất trong năm của Qatar, nhiệt độ chỉ khoảng 24oC. Dù vậy, tất cả các sân vận động tại Qatar đều được lắp điều hòa nhiệt độ nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để các cầu thủ thi đấu. Đây cũng là lần đầu FIFA quyết định đưa nữ giới tham gia đội ngũ trọng tài điều khiển các trận đấu của bóng đá nam.

Sau nhiều điều “lần đầu” diễn ra, World Cup 2022 lại là vòng chung kết cuối cùng có 32 đội bóng tham dự. Theo quyết định của FIFA, kỳ World Cup thứ 23 vào năm 2026, sẽ có 48 đội bóng góp mặt.

Ngoài những “lần đầu”, World Cup 2022 tại Qatar cũng còn những điểm độc đáo khác. Theo đó, trái bóng phục vụ giải đấu có tên “Al Rihla”, tiếng Arab nghĩa là “Cuộc hành trình”, được hãng Adidas chế tạo vô cùng đặc biệt. Theo nhà sản xuất, vật liệu chế tạo Al Rihla rất thân thiện môi trường và có thể dễ dàng phân hủy trong tự nhiên. Điều này phù hợp tôn chỉ của nước chủ nhà về một kỳ World Cup xanh. Al Rihla có tốc độ bay nhanh hơn so trái bóng các kỳ World Cup khác. Bên trong được cài một cảm biến đo quán tính, giúp trọng tài và hệ thống công nghệ VAR hỗ trợ trọng tài xác định tình huống việt vị nhanh chóng và chính xác.

Việc chuẩn bị cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh của Qatar đã nhận được những đánh giá tích cực, hứa hẹn đem lại lợi ích kinh tế cho quốc gia này. “Cùng nhau, chúng tôi sẽ mang đến một kỳ World Cup tốt nhất từ ​​trước đến nay, cả trong và ngoài sân cỏ”, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino khẳng định.

Reuters cho biết, World Cup 2022 được coi là cơ hội lớn để Qatar quảng bá hình ảnh của một nền kinh tế năng động, giàu tiềm năng trong nỗ lực hướng tới phát triển kinh tế không phụ thuộc vào dầu mỏ. Qatar kỳ vọng đại hội thể thao lớn nhất hành tinh sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế 17 tỷ USD. Quốc gia này có tham vọng trở thành trung tâm kinh doanh khu vực và tăng gấp ba lần lượng khách du lịch, để đạt sáu triệu khách du lịch hàng năm vào năm 2030.

Bà Fatma Al Nuaimi, Giám đốc truyền thông giải đấu nhấn mạnh, World Cup 2022 là một phần của Chiến lược Tầm nhìn quốc gia 2030 và Chính phủ Qatar kỳ vọng những dự án được xây dựng để chuẩn bị cho ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quốc gia này, đặc biệt là ngành du lịch. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Qatar sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm nay nhờ các hoạt động liên quan World Cup.