Bất chấp chiêu trò để trục lợi
Không khó để tìm thấy những phiên livestream “bẩn” trên các nền tảng mạng xã hội. Vụ việc của ViruSs - một nhân vật có tiếng trong giới streamer, TikToker - là thí dụ điển hình cho hiện tượng tận dụng scandal đời tư để thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Bị cuốn vào lùm xùm tình cảm với nhiều cô gái nổi tiếng, thay vì giữ im lặng, ViruSs liên tục livestream đối chất. Đáng chú ý, các buổi phát trực tiếp này được tổ chức công phu, lồng ghép yếu tố giật gân, thu phí người xem tham gia bình luận. Mạng xã hội đã giúp ViruSs biến scandal thành công cụ đánh bóng tên tuổi và khai thác thương mại.
Xa hơn nữa là nhiều phiên livestream hay những video chửi bới, cổ súy hành vi “giang hồ”; ăn mặc hở hang khoe thân; lôi kéo, lừa đảo đầu tư tài chính, bán hàng giả... của nhiều ê-kíp được tổ chức bài bản. Hàng loạt người nổi tiếng trên mạng xã hội như Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog, Dưỡng Dướng Dường... đã bị khởi tố.
Dưới góc độ pháp lý, việc sử dụng mạng xã hội để công kích cá nhân có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Luật sư Hoàng Thúy Hà, Công ty Luật TNHH Queen Law & Associates (Hà Nội) cho biết, việc phát tán thông tin đời tư lên mạng xã hội có thể vi phạm: Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015; Luật An ninh mạng 2018, đặc biệt là quy định về việc không được lợi dụng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác; Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Việc thu phí trực tiếp mà không đăng ký hoạt động kinh doanh có thể bị coi là hành vi thu tiền trái phép...
Theo luật sư Hà, việc siết chặt quản lý các nội dung mạng xã hội là nhiệm vụ không thể trì hoãn. Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 của Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan trong hoạt động đăng tải nội dung, livestream để kiếm tiền, song việc thực thi cần quyết liệt hơn. Các nền tảng cần tăng cường ứng dụng công nghệ lọc nội dung và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần làm sạch không gian mạng.
Lành mạnh hóa môi trường mạng
Mạng xã hội, từ phương thức tiên tiến để kết nối người dùng trực tuyến đã bị biến thành nơi “vàng thau lẫn lộn”, khi sự giật gân bề nổi và lợi ích thương mại được đặt lên hàng đầu. Giới trẻ, đối tượng đông đảo trong số người dùng mạng xã hội đang bị cuốn vào vòng xoáy của những nội dung "rẻ tiền" dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức và hành vi.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhận định: “Lợi ích vật chất là động cơ chính thúc đẩy các livestream “bẩn”. Nhiều người bất chấp tất cả để câu view, tăng lượng theo dõi nhằm kiếm tiền, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Giới trẻ, với nhận thức chưa đầy đủ và thiếu bản lĩnh tiếp nhận thông tin, dễ bị cuốn theo những nội dung này”.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn đề xuất một loạt giải pháp mang tính tổng thể. Thứ nhất, cần tăng cường nhận thức của thanh niên về tác động tiêu cực của nội dung “bẩn”, giúp họ có bản lĩnh trong việc tiếp nhận thông tin. Thứ hai, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, như Luật An ninh mạng hay Luật Quảng cáo, để điều chỉnh hành vi trên không gian mạng. Thứ ba, cần ứng dụng công nghệ AI để kiểm soát và xử lý kịp thời các nội dung xấu.
Ngoài ra, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh vai trò của việc “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, khi cho rằng trên không gian mạng không thiếu những sản phẩm truyền thông tích cực cần lan tỏa tới cộng đồng. Ngoài ra, cần kết hợp các hoạt động tại trường học, gia đình để phổ biến các giá trị tích cực, nhân văn.
"Nâng cao khung xử phạt, kết hợp các biện pháp bổ sung như cấm hoạt động, cấm quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội trong một thời gian nhất định có thể tạo sự thay đổi rõ rệt, buộc các cá nhân và tổ chức “chùn bước” trước khi vi phạm" luật sư Hoàng Thúy Hà đề xuất.