Ngày 8/4, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi thông báo trên mạng xã hội X rằng Iran sẽ tiến hành đàm phán với Mỹ vào ngày 12/4 tới. Các cuộc thảo luận theo hình thức gián tiếp, thông qua các bên trung gian và có thể dẫn đến một thỏa thuận với điều kiện Mỹ thể hiện ý chí chính trị thích hợp. Ông Araqchi nêu rõ: Nếu có đủ ý chí, thì thỏa thuận có thể đạt được.
Thông báo của quan chức ngoại giao cấp cao Iran lại trái với tuyên bố ngày 7/4 của Tổng thống Donald Trump, khi cho biết Mỹ và Iran sẽ đối thoại trực tiếp về chương trình hạt nhân của Tehran. Tổng thống Mỹ còn nêu rõ, hai bên đang làm việc trực tiếp và sẽ đối thoại ở “cấp độ rất cao” vào ngày 12/4. Ông Trump tin tưởng khả năng đạt được một “thỏa thuận đáng kể”.
Tháng 7/2015, Iran ký thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức), chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt. Tuy nhiên, tháng 5/2018, Mỹ rút khỏi thỏa thuận và khôi phục các lệnh trừng phạt, dẫn tới việc Iran rút lại một số cam kết. Nỗ lực đàm phán khôi phục thỏa thuận đã được nối lại, song chưa đạt tiến triển.
Trong thư gửi lãnh đạo Iran tháng trước, thông qua kênh ngoại giao, Tổng thống Trump đề nghị nối lại đàm phán trực tiếp về vấn đề hạt nhân Iran và đặt thời hạn 2 tháng để hai bên đi đến thỏa thuận cuối cùng, nhằm tránh biện pháp quân sự. Đáp lại, Iran khẳng định sẵn sàng đối thoại gián tiếp, qua con đường ngoại giao và hỗ trợ của các bên trung gian, song sẽ không đàm phán dưới bất kỳ sức ép nào, ám chỉ lời đe dọa tấn công nếu không đạt thỏa thuận.
Phát biểu ý kiến tại Phòng Bầu dục hồi đầu tuần, Tổng thống Trump nêu rõ, cuộc thảo luận trực tiếp sắp tới rất quan trọng và việc đạt được một thỏa thuận chắc chắn tốt hơn nhiều so lựa chọn chiến tranh. Thông điệp này có thể được hiểu là thành bại của đàm phán sắp tới phụ thuộc vào Iran, hay “quả bóng đang nằm ở phía Iran”.
Trong bài đăng trên mạng X, Bộ trưởng Araqchi tái khẳng định chương trình hạt nhân của Iran “hoàn toàn hòa bình và hợp pháp”. Tehran sẵn sàng giải quyết mọi sự mơ hồ về các hoạt động hạt nhân của mình. Về cuộc đàm phán sắp tới, ông Araqchi viết: Đây vừa là cơ hội, vừa là phép thử. Tiến trình này phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Mỹ và “quả bóng đang ở trong sân của Mỹ”.
Khi xung đột chưa lắng dịu, khủng hoảng còn ngổn ngang tại Trung Đông, cuộc đàm phán Mỹ - Iran nhen lên tia hy vọng mới. Tuy nhiên, tới sát ngày gặp hai bên vẫn khác biệt về hình thức đối thoại và gán trách nhiệm lẫn nhau, cho thấy tiến trình đàm phán sẽ còn nhiều gian nan.