Tỉnh táo trước lời kêu gọi từ thiện

“Kêu gọi từ thiện” vài năm gần đây đã trở thành cụm từ “nhạy cảm”. Bởi nó không chỉ là câu chuyện về sự giúp đỡ những thân phận người khó khăn mà còn gắn liền với niềm tin, sự minh bạch và đạo đức.
Mọi người cần lựa chọn ủng hộ qua các tổ chức, quỹ từ thiện uy tín, có giấy phép hoạt động rõ ràng. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Mọi người cần lựa chọn ủng hộ qua các tổ chức, quỹ từ thiện uy tín, có giấy phép hoạt động rõ ràng. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Thật giả lẫn lộn

Đầu năm 2024, chuyện về một người mẹ livestream bán hàng tại bệnh viện để kiếm tiền chữa bệnh cho con mắc ung thư nhanh chóng thu hút sự chú ý của hàng nghìn người. Một người dùng TikTok (TikToker) nổi tiếng đứng ra kêu gọi quyên góp cho bé qua tài khoản ngân hàng cá nhân. Ngoài ra, trên mạng xã hội, người mẹ cũng đăng tải 2 số tài khoản của mình để nhận sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.

Tuy nhiên, đến tháng 2/2025, tài khoản của người nổi tiếng trên bị phát hiện còn lại vỏn vẹn 55 triệu đồng, trong khi trước đó số tiền quyên góp đã lên tới hơn 16 tỷ đồng. Số tiền khổng lồ này đã đi đâu? Để giải đáp, TikToker nổi tiếng đã tổ chức một buổi livestream giải trình, thu hút hơn 600 nghìn người xem, nhưng để lại rất nhiều khúc mắc. Trước những thông tin về số tài sản bất thường mà gia đình người mẹ sở hữu sau đợt kêu gọi quyên góp ủng hộ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương đã phải vào cuộc xác minh.

Đây không phải là trường hợp cá biệt về những ồn ào liên quan đến công tác từ thiện. Tháng 9/2024, sự thật về cơ sở “Mái ấm hoa hồng” tại TP Hồ Chí Minh được phơi bày khiến dư luận phẫn nộ. Dưới vỏ bọc là một cơ sở tình thương chuyên chăm sóc trẻ mồ côi, trong đó có cả trẻ sơ sinh, bà Giáp Thị Sông Hương đã thu lợi lớn từ những khoản tiền quyên góp. Trong khi đó, những đứa trẻ trong “mái ấm” phải sống thiếu thốn và chịu sự bạo hành cả thể chất lẫn tinh thần.

Mới đây, một câu chuyện khác lại khiến dư luận “ngã ngửa”. Một người mẹ livestream khóc lóc kể về việc bị móc túi khi đang đưa con vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Hàng nghìn người đã chia sẻ và quyên góp nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc, sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Không có vụ móc túi nào, chỉ đơn giản là người này làm rơi tiền và quyết định livestream theo lời khuyên của bạn để “xin tiền hỗ trợ”.

Có thể thấy, những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hay chịu thiệt hại vì thiên tai... đều có thể trở thành lý do để kêu gọi ủng hộ từ thiện. Ban đầu, việc từ thiện có thể thật sự xuất phát từ tâm nhưng khi lòng tham trỗi dậy trước số tiền quá lớn, hoạt động ủng hộ dễ biến thành trục lợi cá nhân.

Đừng để lòng tốt bị lợi dụng

Trục lợi từ thiện đang trở thành vấn nạn nhức nhối gây mất lòng tin trong xã hội, ảnh hưởng đến những hoàn cảnh yếu thế cần sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng. Trước sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, người dùng khó có thể kiểm chứng. Vì vậy, nhiều người luôn ưu tiên ủng hộ qua các tổ chức, quỹ từ thiện uy tín, có giấy phép hoạt động rõ ràng. Chị Nguyễn Thanh Dung (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, bản thân chị không tiếc tiền để đi từ thiện nhưng phải đúng người, đúng hoàn cảnh. Vì vậy chị chỉ ủng hộ qua Hội Chữ thập đỏ.

Trên lý thuyết, từ thiện là quan hệ dân sự giữa những người có khả năng giúp đỡ và những người cần giúp đỡ. Nhưng thực tế, khi sự thiếu minh bạch lên đến mức nghiêm trọng, mọi chuyện có thể trở thành tranh chấp pháp lý. Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội), những người quyên góp có quyền yêu cầu người nhận giải trình, sao kê, giải ngân nếu vụ việc có dấu hiệu trục lợi, đặc biệt khi số tiền quá lớn. Hành động lợi dụng niềm tin chiếm đoạt tài sản từ 4 triệu đồng hay sử dụng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng có thể bị xử lý hình sự về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Từ thiện không chỉ là hành động nhân văn, mà còn đòi hỏi cái tâm và trách nhiệm của cả người cho lẫn người nhận. Vì vậy, mỗi chúng ta cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn những tổ chức, cá nhân có uy tín để đồng hành. Đừng để lòng tốt bị lợi dụng và cũng đừng để sự mơ hồ làm mất đi giá trị chân thành của hoạt động từ thiện.

Minh bạch và công khai là yếu tố sống còn đối với bất kỳ hoạt động từ thiện nào. Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thanh Lan, Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Tâm An Hà Nội cho biết: “Chúng tôi luôn công khai kế hoạch, không để số tiền từ thiện tồn đọng. Mọi người có thể tham gia trực tiếp chuyến đi, cùng chứng kiến việc làm từ thiện để bảo đảm minh bạch”.