Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đánh giá, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ hơn 50 năm qua, đặc biệt là từ khi nâng cấp lên Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu.
Trong lĩnh vực thương mại, Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm tỷ trọng gần 80% xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này. Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, liên tục đạt tăng trưởng đều đặn trong những năm qua. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Ấn Độ đã tăng từ 2,75 tỷ USD năm 2010 lên 8,5 tỷ USD năm 2023. Ấn Độ trở thành một trong tám đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam nằm trong top bốn quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có quan hệ thương mại với Ấn Độ.
Ông Sandeep Kumar Singh, Trưởng phòng Ngân hàng Ấn Độ, Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng thu hút thêm nhiều phái đoàn doanh nghiệp giữa hai quốc gia, tập trung vào một số lĩnh vực nhất định và có thế mạnh của Ấn Độ. Dịch vụ ngân hàng cũng là một khía cạnh rất quan trọng của nền kinh tế và lĩnh vực này đang đứng trước nhiều cơ hội hợp tác giữa hai quốc gia”.
Còn theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Ấn Độ đang duy trì một tổ chức tín dụng hiện diện tại Việt Nam. Trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có một số buổi làm việc về hệ thống thanh toán nhanh trên thiết bị di động, đồng thời hai bên nhận thấy tiềm năng hợp tác giữa Tập đoàn Thanh toán quốc gia Ấn Độ (NCPI) và Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS)…
Ông Hùng cho biết thêm, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, có độ mở lớn, ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình hội nhập kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện Việt Nam khuyến khích các tập đoàn lớn của Ấn Độ đầu tư tại Việt Nam trong những lĩnh vực quan trọng chiến lược như cơ sở hạ tầng, cảng biển, logistics, thăm dò và khai thác dầu khí, năng lượng tái tạo, đồng thời cũng mong muốn hai bên tích cực mở rộng hợp tác trên những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh...
Trong giai đoạn tới, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ tập trung vào các trọng điểm như tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế; thúc đẩy thanh toán, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng nhằm thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; phát triển chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tập trung vào các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tài chính…
“Vì vậy, các tổ chức tín dụng Việt Nam mong muốn Ấn Độ sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ xúc tiến xuất - nhập khẩu, đầu tư, các chính sách để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng, ứng dụng công nghệ tài chính, thúc đẩy thanh toán… những cải tiến về mặt công nghệ để nâng cao hiệu quả của hệ thống ngân hàng”, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết thêm.
Đại sứ Sandeep Arya bày tỏ tin tưởng sự kiện gặp gỡ giữa đại diện các đơn vị tài chính, ngân hàng hai nước sẽ tạo nền tảng để trao đổi ý tưởng và cơ hội hợp tác về dịch vụ ngân hàng giữa các bên liên quan và doanh nghiệp hai nước. Ông nhấn mạnh: “Diễn đàn hôm nay nhằm mở ra cơ hội giữa các ngân hàng hai nước, lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu để dịch vụ tài chính có thể hoạt động tích cực hơn, thực chất hơn, qua đó mở rộng giao lưu thương mại, kinh tế Việt Nam - Ấn Độ”.