Rừng nuôi sâm & người trồng sâm giữ rừng

Việc liên kết với người dân tộc bản địa để trồng sâm Ngọc Linh mang lại nhiều lợi ích. Họ đã có những thay đổi tích cực trong việc giữ rừng, bảo vệ môi trường rừng. Việc trồng sâm đã thay đổi tập tục canh tác nhưng vẫn giữ gìn văn hóa của đồng bào dân tộc.

Người dân xã Măng Ri tập trung phát triển sâm Ngọc Linh và sâm dây dưới tán rừng. Ảnh tư liệu
Người dân xã Măng Ri tập trung phát triển sâm Ngọc Linh và sâm dây dưới tán rừng. Ảnh tư liệu

Trồng sâm nhưng không xa rừng và văn hóa

Trong dịp trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa và sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thời gian qua, ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum mời đi theo một số đồng bào dân tộc Xê-đăng - là những người đang trực tiếp trồng sâm cho công ty. Qua lễ khai mạc, chỉ ngày hôm sau là đồng bào đã đòi về nhà. Đồng bào không quen với cuộc sống ở thành phố, ở khách sạn khó ngủ, về với núi rừng của mình thấy thoải mái hơn nhiều. “Hết khai mạc là mình muốn về thôi”.

Người các dân tộc địa phương được chọn để trồng sâm với ý tưởng chính đồng bào sẽ vừa là người phát triển, vừa là người bảo vệ cây sâm. Những tri thức bản địa của đồng bào được vận dụng tối đa để làm bẫy đã tỏ rõ hiệu quả. Khi chuột “nhờn” loại bẫy này đồng bào lại sáng tạo loại bẫy khác, như một cuộc chạy đua. Dù công việc chẳng nhẹ nhàng nhưng đồng bào đều yêu thích vì được sống trên phần rừng quê hương của mình, sống cùng cộng đồng thân quen của mình, vui với văn hóa của mình…

Hiện nay, vì khan hiếm nên sâm Ngọc Linh bị đẩy giá lên quá cao. Ông Trần Hoàn cho biết: “Thông thường, giá giao dịch sâm từ 60 triệu đồng đến hơn một trăm triệu đồng/kg tùy chất lượng củ. Những củ sâm “khủng” nhất có thể bán tới giá hơn 10.000 USD/kg. Chính vì vậy, sâm Ngọc Linh đang bị làm giả (bằng củ tam thất hoặc sâm đất từ vùng Lai Châu). Một số cá nhân và doanh nghiệp còn cố tình mang hạt giống có hình dạng giống với sâm Ngọc Linh vào vùng Kon Tum và Quảng Nam để bán (giá cao) cho người dân đang có nhu cầu (cao) mua cây giống để trồng”. Nguy cơ rất lớn đe dọa chất lượng sâm Ngọc Linh gốc là hạt giống không đúng được trồng vào vùng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh sẽ khiến cây sâm Ngọc Linh gốc bị lai tạp dần và làm hỏng nguồn gen gốc quý giá. Vì thế cùng với việc phát triển cây sâm gốc cũng phải đồng thời tiến hành việc bảo vệ nghiêm ngặt nguồn gen quý giá của nó. Vùng trồng sâm được cách ly đặc biệt, có trạm bảo vệ, có người tuần tra và canh gác. Luật tục được vận dụng và những quy ước được người dân tự định ra để cùng nhau tuân thủ. Chẳng hạn, từng nhóm khoảng 10 hộ được hình thành cùng đưa ra quy ước nếu ai vi phạm kỷ luật sẽ bị cộng đồng tẩy chay và phần rừng, phần sâm được chia cho những hộ còn lại tiếp tục sản xuất. Lòng tự trọng của đồng bào được phát huy rất cao. Không những không có ai mang cây ngoại lai, không rõ nguồn gốc vào vùng trồng sâm, cũng không có tình trạng nhổ cây sâm non đem đi bán ra vùng khác.

Trồng sâm đã gắn với bảo vệ và phát triển rừng

Không chỉ trồng và qua đó bảo tồn được nguồn gen quý của sâm Ngọc Linh, đồng bào còn trực tiếp bảo vệ những cánh rừng. Trước đây, để có lương thực, đồng bào phải phát nương trồng sắn (củ mỳ). Trên triền núi cao, cây sắn chỉ đạt năng suất 7 tấn/ha (so ở vùng thuận lợi có thể đạt năng suất 25 tấn/ha). Vì năng suất thấp nên đồng bào muốn đủ ăn càng phải tăng diện tích và mất thêm nhiều công sức. Rừng lại càng bị phá rộng hơn. Cây sâm cũng bị đẩy lùi lên độ cao hơn trên ngọn núi.

Từ năm 2010, UBND tỉnh Kon Tum đã chấp thuận cho việc trồng cây dược liệu và sâm Ngọc Linh dưới tán rừng kết hợp bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích 5.000 ha. Năm đó, diện tích trồng sâm mới đạt 140 ha. Nay con số này đã tăng gấp gần ba lần, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 300 hộ nghèo dân tộc Xê-đăng tại hai huyện Tu Mơ Rông và Đác Glei. Đồng bào tham gia trồng sâm được nhận tiền công bảo vệ rừng (nhà nước trả) hằng năm, tiền lương và lương thực hằng tháng (doanh nghiệp trả) cùng với những sự hỗ trợ giống cây sâm, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc. Khi sâm được thu hoạch (sau sáu hoặc bảy năm) đồng bào lại được hưởng 100% tiền bán sâm cho công ty theo giá thị trường.

Từ khi làm “công nhân trồng sâm”, đồng bào không còn lo bị đói và chỉ cần chăm chú làm công việc duy nhất là trồng, chăm sóc và bảo vệ những luống sâm của mình. Tập quán phát nương làm rẫy của người dân đã được thay đổi. Thu nhập của bà con được nâng cao đáng kể, nhiều nhà đã trở nên sung túc. Cây sâm Ngọc Linh đã phát triển vững chắc trên quê hương của nó bởi những người dân sống cùng và chăm sóc nó.