Ngược thượng nguồn

Pô Kô ngân vang một dòng chảy

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dòng Pô Kô (Kon Tum) là biểu tượng đồng lòng, hiệp sức của tình quân dân, hình ảnh người lái đò A Sanh giữa sông sâu đẩy lùi sóng dữ, được bao thế hệ mãi khắc ghi...
0:00 / 0:00
0:00
Thác Siu Puông đầu nguồn sông Pô Kô. Ảnh: NGUYỄN BAN
Thác Siu Puông đầu nguồn sông Pô Kô. Ảnh: NGUYỄN BAN

“Hỡi Pô Kô ơi, dòng sông mênh mông/Đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm”. Pô Kô luôn ngân vang một dòng chảy mang bản sắc độc đáo của Tây Nguyên hùng vĩ.

Đăk Na, nỗi buồn để lại phía sau

Đăk Na cách thị trấn Tu Mơ Rông khoảng 40km, cách thành phố Kon Tum khoảng 90km, dân thôn bản sống trong nhà sàn trải dọc ven sông, lưng chừng núi, gần gũi thiên nhiên. Văn hóa của đồng bào gắn với những bộ cồng chiêng, nghi thức truyền thống tốt đẹp. “Trong dòng chảy của cuộc sống hôm nay, người Xơ Đăng cũng nhận ra giá trị của riêng mình, chúng tôi khôi phục lại đội chiêng trong sinh hoạt cộng đồng, hóa giải nỗi đau, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thỉnh thoảng cũng được mời đi thi thố với nhiều địa phương khác”, nghệ nhân A Gạo, thôn Mô Bành 2, cho biết.

Người Xơ Đăng ở xã Đăk Na (Tu Mơ Rông, Kon Tum) - thượng nguồn của dòng sông Pô Kô vẫn giữ cuộc sống cộng đồng gắn kết, thân thương. Nơi đây có thác Siu Puông, thác Siu Mô Mam, thác C2 chảy ra từ những cánh rừng phía tây của dãy Ngọc Linh. Nhìn xa, dòng thác như một búi tơ trắng muốt được kéo ra, trục xuống từ cánh rừng. Mà rừng ở đây rất lạ, lá non ngọn cây luôn có mầu đỏ hoặc vàng.

Thác đẹp chỉ để cho người đi chơi ngắm nó, còn người dân ở đây phải lo lao động mùa màng, khi nông nhàn thì họ lại đan lát để giữ gìn đôi bàn tay khéo léo. “Dòng sông trong vắt, dòng suối ngân vang, dòng thác thì ồn ào. Quanh năm nó chảy mãi nên chúng tôi không bị khô khát. Nhưng có lúc nó cũng như bà điên, ông khùng, ùng ục, húc núi, lấp ruộng, cuốn trôi mùa màng nhà cửa trâu bò và cả con người nữa”, ông A Đơng, thôn Mô Bành 2 (Đăk Na) hồi tưởng.

Tháng 10/2009, mưa dầm bão đổ, một trận lở núi ở hai thôn Mô Bành 1 và Mô Bành 2, cướp đi nhiều mạng người. A Đơng nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi đang nghỉ ngơi. Có nhà thì đang ăn, có nhà chuẩn bị ăn bữa cơm trưa. Bỗng thình thịch, răng rắc quanh nhà của mình. Nền đất chuyển động. Người trong thôn bỏ cơm mà chạy, kêu nhau mà chạy”.

Trận sạt lở ở xã Đăk Na đã trôi qua 13 năm, thế hệ trẻ em ngày đó, nay nhiều người đã có gia đình, Y Riêng, bản Mô Bành 1, địu con, giặt giũ bên dòng nước, cho hay: “Ngày đó tôi còn nhỏ, đang ở trên trường học, được thầy cô giáo nói cứ ở lại trường học. Các thầy cô nấu cơm cho chúng tôi ăn. Mấy ngày sau, có bộ đội mang gạo, mang thức ăn và quần áo chăn màn đến trường”.

Đồi núi sạt lở đã được cây rừng mọc lên che phủ, mọi biến động của thiên nhiên cũng đã được chính thiên nhiên chuyển động vá víu lấp đầy. Bên thượng nguồn, vẫn là câu chuyện bàn định làm mùa, chăn nuôi phát triển kinh tế của mỗi gia đình hướng về phía trước và chuyện buồn để lại phía sau.

Pô Kô ngân vang một dòng chảy ảnh 1

Đầu nguồn sông vào mùa khô. Ảnh: NGUYỄN BAN

Giữ rừng thượng nguồn Pô Kô

Sông Pô Kô còn có tên gọi Krông Pô Kô hoặc Đak Pô Kô. Chữ Đắk theo cách lý giải của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, có nghĩa là nước. Vậy, không cần phải thêm chữ “nước” cho tên sông thêm dài. Sông Pô Kô nhập vào dòng Đắk Bla và đổi thành sông Sê San, qua nước bạn Campuchia, sông chảy vào dòng Mê Công.

“Trong kháng chiến, chúng ta cùng đánh Mỹ”, anh Nguyễn Văn Hoàng, phụ trách một đội cao-su, hát vậy. Đơn vị khai thác cây cao-su của anh, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai nằm cuối nguồn dòng chảy trước khi sang nước bạn. Huyện Ia H’Drai được tách ra từ huyện Sa Thầy, năm 2015. Và dòng Pô Kô sau nhiều lần đổi tên, có một đoạn chảy là biên giới với nước bạn. Hoàng nói: “Thực ra, có chỗ đã gọi là dòng Sê San, nhưng có chỗ vẫn gọi là sông Pô Kô. Phải tính từ thủy điện Yaly trở xuống, sông mới chính thức có tên gọi Sê San”.

Hoàng kể, ngày trước, đóng quân ở Tây Nguyên và sau đó về các đơn vị làm kinh tế. Ngày đó, đường giao thông không thuận tiện, mỗi khi đứng trước một dòng sông, nhìn sự cuộn chảy của nó, trong tôi đều ngân vang, “hỡi Pô Kô, ơi dòng sông mênh mông” cho tôi sang bờ bên kia với.

Hoàng trưởng thành trong quân đội, lặn lội trên vùng đất Tây Nguyên và phá cách những câu hát để đặt vào tình huống khó khăn ngặt nghèo của bản thân khi qua sông, qua suối, qua núi, qua đèo. Trên dòng sông Pô Kô - Sê San, sau khi hình thành các hồ chứa nước cho thủy điện, tại đây cũng hình thành nhiều làng nổi, xóm chài của người từ đồng bằng sông Cửu Long lên, người từ làng chài ở Huế vào lập làng đánh cá và nuôi cá lồng bè. Nói đến đặc sản của dòng sông, mọi người đều nhớ mãi món cá cơm thơm giòn.

Trong lịch sử thủy điện theo dòng chảy sông Pô Kô, thủy điện Yaly được xây dựng sau khi khánh thành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Nhiều công nhân xây dựng thủy điện Hòa Bình được khuyến khích vào Tây Nguyên.

Trở lại cuộc sống bên dòng chảy của dòng Pô Kô, vào mùa mưa bão, nhiều cây cầu treo qua sông bị nước cuốn trôi, người dân đôi bờ qua lại tạm thời bằng cáp treo tự tạo. Cơn bão số 9 (30/10/2020) khiến người dân thôn Tà Poók (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) không thể qua sông để thâm canh ruộng nương của mình. Anh A Cường, ngụ tại thôn trên cho biết: “Mỗi ngày đu dây bốn hoặc sáu lần. Ruộng của mình bên kia sông, không sang làm thì không có ăn. Phải liều thôi. Nhưng đi quen cũng thấy bình thường”.

Dòng Pô Kô là dòng chảy đối lập hai mùa. Mùa mưa, nước đục, chảy ầm ào, phá núi, mở dòng. Mùa khô, dòng chảy êm đềm, trong vắt, nhiều đoạn đầu nguồn, đá chỏng chơ phơi nắng. Trong quan niệm của Xơ Đăng, nước là tặng phẩm tinh tế của rừng già cho con người, ông A Đơng, thôn Mô Bành 2 (Đăk Na, Tu Mơ Rông) cho hay: “Lễ cúng thần nước vào ngày trăng tròn tháng 3. Thần nước (Yang Dak) giúp cho cây lúa tốt, giúp con người tắm gội khỏe mạnh để lao động mỗi ngày”. Bên dòng Pô Kô, người ta không chỉ bàn về nước, về năng lượng, nông nghiệp, sức khỏe, đa dạng sinh học, mà còn nói với nhau về một dòng chảy nữa, ấy là văn hóa lễ hội mang bản sắc riêng của Tây Nguyên.

Một nhánh khác của dòng sông Pô Kô bắt đầu từ đỉnh đèo Lò Xo (xã Đăk Man, Đăk Glei, Kon Tum). Phía đông của đèo, rừng còn nhiều, phía tây, rừng bị phá tan hoang. Vào đầu mùa khô, khi đầu nguồn con sông Pô Kô nắng vàng nhẹ và bụi đỏ của đất thì phía đông vẫn mưa từng cơn ướt đường. Trên đường Hồ Chí Minh có cây cầu Đăk Niên (Đăk Glei, Kon Tum), là cây cầu đầu tiên bắc qua dòng Pô Kô tính từ thượng nguồn phía bắc của dòng chảy. Ở nhánh này, nước cũng được bắt đầu từ những cánh rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Nhiều năm nay, các lớp tập huấn giữ rừng cộng đồng các thôn Măng Khênh, Đông Lốc, Đông Nây đều đặn được tổ chức, nhằm giữ gìn, bảo tồn rừng và nguồn nước.

Sông Pô Kô hôm nay nước vẫn chảy xiết sâu thẳm nhưng đôi bờ cây đã bớt biếc xanh. Thật tiếc! May chăng, ngược thượng nguồn vẫn còn chút bóng dáng hùng vĩ của dòng sông xưa, đó là không gian rừng còn sót lại trên đỉnh núi cao nhưng cũng đầy thảng thốt.

Những năm gần đây, bằng mắt thường cũng nhận thấy, nạn phá rừng Trường Sơn Đông của các tỉnh duyên hải miền trung, nạn phá rừng ở Tây Nguyên đã đến mức báo động. Rừng mất, khiến nhiều cơn bão cuối năm đã vượt dãy núi lên Tây Nguyên quần thảo, gây hậu quả khốc liệt ở bất cứ địa bàn nào vào mùa mưa. Ngược lại, vào mùa khô, lưu vực của nhiều dòng sông lại chuyển thành vùng hạn hán.