“Pho sử” làng Đông Ngạc

Có thời gian, ông Phạm Quang Đại, người làng Đông Ngạc, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lại tìm hiểu về sử làng. Việc nghiên cứu ngôi làng hơn 500 năm tuổi cũng là “của để dành”.

Ông Phạm Quang Đại nghiên cứu văn bia trong nhà thờ họ Đỗ.
Ông Phạm Quang Đại nghiên cứu văn bia trong nhà thờ họ Đỗ.

1/Hỏi nhà ông Đại, ai cũng biết. Vừa tận tình chỉ, một cụ già ở đầu làng còn dặn với: “Biết đâu ông ấy lại không có nhà. Dạo này nhiều người tìm đến hỏi chuyện gia phả, gốc tích”. 

Căn nhà nhỏ khuất trong con ngõ xanh mát. May mắn gặp ông ở nhà, khi vừa mới tiếp chuyện, một đoàn khách từ miền nam ra. Rót nước mời khách, ông chỉ lên cánh cửa chi chít phấn, cười nói: “Những người mới đến có gốc gác tại làng, nhưng không biết cụ thể. Tôi phải giảng giải tỉ mỉ về sử làng, về các dòng họ nơi đây”.

Căn nhà nhỏ hơi tuềnh toàng của ông cơ man là sách. Có những cuốn nguyên vẹn, có cuốn mòn bìa, sờn gáy, có những cuốn chỉ là xấp giấy in được ông đóng quyển lại ngay ngắn. Cầm một “cuốn sách” tự làm, bên trên đánh máy bốn chữ “Đông Ngạc xã chí”, ông Đại bảo: “Tôi đi nhiều thư viện, tìm nhiều tài liệu. Không phải chỗ nào cũng mượn được sách, mà phải phô-tô, dịch, chép tay lại rồi ghép thành tập”. Cái thú đi khắp nơi nghiên cứu về sử làng Đông Ngạc cũng hàng chục năm rồi, cho nên tài liệu bây giờ cũng không ít. Như cuốn “Đông Ngạc xã chí” này, được ông ghi chép vào khoảng đầu những năm 2000, sau khi sao lục các bài văn bia, minh, thuật của các bậc khoa bảng sống dưới thời Lê - Trịnh và triều Nguyễn. “Trước cũng có một vị túc nho dịch nghĩa, nhưng sau này tôi dựa vào bản chữ Hán ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm để đối chiếu, dịch lại, sửa những chỗ sai và bổ sung phần ghi chú cho người đọc dễ hiểu”, ông kể.  

2/Ông Đại sinh ra tại làng Đông Ngạc. Lớn lên, ông vào nội thành học tập, rồi trở về quê dạy học. Đến tuổi hưu cũng là lúc có nhiều thời gian, vì muốn giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống làng mà mỗi khi rảnh rỗi, ông lại đến các viện nghiên cứu hoặc những nơi còn lưu được các thần tích, sắc phong của làng để tìm hiểu tài liệu. Gia đình có truyền thống Hán học nên ông thông thạo chữ Hán, giúp việc nghiên cứu dễ dàng hơn.

Cũng trên “tấm bảng” đặc biệt với một hộp phấn luôn treo phía dưới, ông Đại giảng giải cho tôi về câu chuyện làng Đông Ngạc. Ngôi làng ngày xưa có tên nôm là làng Vẽ, xuất hiện vào cuối đời Trần (khoảng thế kỷ 14), khi các dòng họ Nguyễn, Phạm, Đỗ, Phan… từ các nơi đến đây định cư, dựng làng. Như có “long mạch”, người làng Đông Ngạc đỗ đạt, làm quan rất nhiều. Từ đầu thế kỷ 14 đã có cụ Phan Phu Tiên đỗ học vị tương đương tiến sĩ. Từ đó đến hết triều Nguyễn, làng có 21 tiến sĩ văn và một tiến sĩ võ. Gia đình Hoàng giáp Hoàng Tế Mỹ có ba đời nối tiếp nhau đỗ tiến sĩ và một phó bảng. Gia đình bảng nhãn Phạm Quang Trạch có tới bảy người đỗ đại khoa. Làng Đông Ngạc được xã hội suy tôn làng văn hiến và được triều đình ban tặng bốn chữ “Mỹ tục khả phong”.

Đi quanh làng, ông Đại say mê chỉ cho tôi từng địa danh. Những con đường, gian nhà, mái đình phủ màu thời gian đều mang những sự tích, câu chuyện. Ông tự hào: “Qua nhiều năm, không ít đình, chùa, nhà cổ… phải trải qua các đợt trùng tu, tôn tạo nhưng tất cả đều giữ được vẻ cổ kính, uy nghiêm”. Chỉ tay về đình làng Đông Ngạc, ông Đại cho biết, đây còn gọi là đình Vẽ, có tuổi đời hơn 400 năm. Đình thờ ba vị thần tượng trưng cho “thiên, địa, nhân” và thờ Tiến sĩ Phạm Quang Dung, người làng có công trùng tu đình năm 1718 và cụ Phạm Thọ Lý, người cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635. Tại nhà thờ họ Đỗ, có tuổi đời lâu nhất trong làng, ông Đại cho biết, công trình xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ 18 để thờ cụ Đỗ Thế Giai (1709 - 1766), nay vẫn giữ được nguyên vẹn về cấu trúc và các bức hoành phi, câu đối, tượng gỗ... Đặc biệt, nơi đây có hai tấm bia đá niên đại 1771 khắc ghi công trạng của cụ Đỗ Thế Giai. Cụ từng làm đến chức quan đầu triều, nổi tiếng là người chính trực, ngay thẳng và được vua ban bốn chữ “Thiết thạch tinh trung” để khen ngợi về lòng trung sắt đá. Cụ cũng là người duy nhất thời Lê được phong vương (Đỗ đại vương) khi còn sống. Khi mất, cụ được phong Thượng đẳng phúc thần vì có nhiều công lao với đất nước. 

3/Ông Đại cho biết, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu về sử làng chừng nào còn khỏe. “Gần trung tâm Hà Nội, bởi thế làng Đông Ngạc khó tránh khỏi những đổi thay của cuộc sống hiện đại, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Trong làng, đã có tình trạng “cài răng lược”, khi những ngôi nhà cổ nằm đan xen các công trình kiến trúc hiện đại. Bởi vậy, việc tìm hiểu, gìn giữ sử làng lại càng quan trọng. Tôi mong muốn có thể một phần nào đó giúp thế hệ mai sau biết được truyền thống hiếu học của làng để ra sức học tập, phấn đấu, cống hiến cho quê hương, đất nước. Đây cũng là cách để gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa có giá trị hàng trăm năm của làng”, ông Đại chia sẻ.