Phố mới ở Hội An lại bị đào lên

Đường Nguyễn Duy Hiệu, phường Cẩm Châu, TP Hội An (Quảng Nam), vốn là một tuyến đường đẹp nên thơ với hàng cây cổ thụ xanh mát hai bên tạo nên một không gian yên bình, dễ chịu cho người dân và du khách. Tuy nhiên, đường đang đẹp bỗng hóa công trường.
0:00 / 0:00
0:00
Đường Nguyễn Duy Hiệu vừa làm xong lại đào bới gây bất tiện trong việc đi lại của người dân.
Đường Nguyễn Duy Hiệu vừa làm xong lại đào bới gây bất tiện trong việc đi lại của người dân.

Ngổn ngang trên con đường đẹp

Cuối năm 2024, con đường được khoác một lớp áo mới, mặt đường nhựa phẳng lỳ, mịn màng khiến ai nấy đều phấn khởi. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ một tháng sau con đường lại bị xới tung để thi công đường điện, đường nước ngầm. Những chiếc máy xúc ầm ĩ, máy móc ngổn ngang phá tan vẻ đẹp yên bình vốn có.

Bà Đỗ Thị Lan, bán văn phòng phẩm, than thở: “Tiếc của thiệt luôn, đường đẹp như vậy mà giờ bị đào xới thành con đường “đau khổ” cho nhiều người”. Ông Hà Lê Tấn Hùng, chủ một quán cà-phê cùng tuyến đường chung nỗi niềm: “Khách đến quán tôi ngày càng ít. Họ kêu ca về con đường bụi bặm, bất tiện. Chẳng biết khi mô mới hết cảnh này?”.

Những vết khoét sâu trên đường không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Anh Đinh Trọng Tuấn, một người dân thường xuyên đi qua con đường này, cho hay: “Mấy hôm trước, tôi suýt bị té xe vào cái hố sâu. May mà tôi kịp thắng và chống chân kịp”.

Ai sống ở phố cũng từng trải qua những kỷ niệm không vui, những tháng ngày khó hiểu về cảnh đường đang mới lại bị đào lên để làm công trình ngầm. Điều này không những bất tiện cho việc đi lại mà còn ảnh hưởng đến những vấn đề ngoài ý muốn, đó là ngày trời nắng thì bụi, trời mưa bùn đất lênh loang khiến “áo dài, váy đẹp” cơ hồ lấm bẩn. Và đường Nguyễn Duy Hiệu trong những ngày này trở thành một điểm “gai mắt” không chỉ với người dân địa phương, mà cả với du khách du lịch.

Làm gì để đường mới đẹp luôn?

Thi công đường điện và nước ngầm được đoạn nào là mặt đường trở nên gồ ghề đoạn đó. Những chỗ lồi lõm, những vết vá víu nham nhở khiến con đường trở nên xấu xí, nhếch nhác. Bà Lan lắc đầu ngao ngán: “Không hiểu sao họ làm đường kiểu gì mà nhìn vá víu tạm bợ. Con đường đẹp đẽ ngày nào giờ nhìn nát bụi thật chán”. Ông Hùng thở dài: “Tôi chỉ mong con đường này sớm được sửa sang đẹp đẽ như xưa”.

Câu chuyện về đường Nguyễn Duy Hiệu là một thí dụ cho tình trạng thi công đường sá thiếu quy hoạch, thiếu đồng bộ không chỉ gây lãng phí tiền của mà còn gây ra những bất tiện, bức xúc cho người dân và du khách.

Hiện tượng đường vừa làm xong lại đào lên để thi công công trình ngầm ở nhiều đô thị là một vấn đề nhức nhối, gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Tình trạng này đã diễn ra trong khoảng 20 năm nay và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trò chuyện về việc này, kỹ sư xây dựng Nguyễn Bá Hùng, Công ty xây dựng Tuấn Tài (Hội An, Quảng Nam), cho biết: “Quy hoạch hạ tầng đô thị ở nhiều nơi chưa có tầm nhìn dài hạn, dẫn đến tình trạng các công trình ngầm (điện, nước, viễn thông) không được xây dựng đồng bộ cùng lúc. Khi nhu cầu sử dụng tăng lên, các công trình ngầm này cần được xây mới hoặc nâng cấp, dẫn đến việc phải đào đường”.

Nhiều ý kiến khác của người dân cho rằng, sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý đường, điện, nước, viễn thông còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng mỗi đơn vị làm một kiểu, không thống nhất về thời gian và phương án thi công. Điều này dẫn đến tình trạng đường vừa làm xong thì đơn vị khác lại đào lên để thi công.

Nói về chất lượng mặt đường sau khi thi công ngầm, kỹ sư cầu đường Đinh Xuân Ngà, Công ty Xây dựng Thương mại Nam Dương (Điện Bàn, Quảng Nam), cho hay: “Cấp phép và giám sát thi công các công trình ngầm còn lỏng lẻo và các đơn vị thi công làm ẩu dẫn đến việc sau khi thi công xong hoàn trả mặt đường thường không bảo đảm chất lượng, dẫn đến tình trạng đường bị lồi lõm, xuống cấp nhanh chóng”.

Những người dân như bà Lan, ông Hùng cho rằng, cần tăng cường quản lý, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. “Tôi và nhiều người dân Hội An mong muốn cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ hơn trong việc quy hoạch và thi công đường sá, để những con đường không chỉ đẹp về hình thức mà còn bảo đảm chất lượng, an toàn và bền vững cho người sử dụng”, ông Hùng mong mỏi.

Giải pháp nào cần bàn tới trong thi công? Cái cần ưu tiên làm trước và cái cần làm sau sao cho phù hợp? Kỹ sư Đinh Xuân Ngà, góp ý: “Cần có quy hoạch hạ tầng đô thị đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan”.