Những nguy cơ cần chung tay ứng phó
Biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thiên nhiên cực đoan ngày càng nhiều hơn, để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn, đặt các di sản văn hóa trước nguy cơ bị biến dạng, mai một, thậm chí bị phá hủy. Mực nước biển dâng cao, bão xảy ra với tần suất dày hơn và cường độ lớn hơn, biển xâm thực... đang đe dọa tàn phá các công trình văn hóa. Những tác động trực tiếp khác như không khí bị ô nhiễm, mưa, lũ, các tác nhân hóa học (các loại khí thải gây môi trường axit) và sinh học (nhiệt độ tăng nên rêu, nấm mốc sinh sôi mạnh hơn) cũng là những hiểm họa với các di sản văn hóa vật thể, đặc biệt là các di sản kiến trúc. Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm cho các di sản văn hóa và thiên nhiên đồng thời là các tài nguyên du lịch phân bố trải dài ven biển và hệ thống gần 3.000 đảo ven bờ Việt Nam như các khu dự trữ sinh quyển, hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn, rừng nhiệt đới tại các vườn quốc gia... thay đổi. Việc thay đổi tập quán sản xuất tất yếu kéo theo biến đổi văn hóa. Ảnh hưởng xấu từ biến đổi khí hậu cũng lan tới cả những nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian - những người nắm giữ bí quyết, thực hành và truyền dạy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Những câu chuyện vẫn chưa “cũ”
Tại Hội thảo quốc tế Bảo tàng với di sản ở lưu vực sông Mê Công và sông Hằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hóa (Huế, ngày 11, 12/6/2012) các nhà khoa học bàn luận về câu chuyện: Trong trận lụt lịch sử năm 1999 ở vùng Thừa Thiên Huế, kinh nghiệm của cư dân vùng đầm phá đã dự báo trước tới 10 ngày cơn đại hồng thủy này. Tuy nhiên những dự báo đó đã bị bỏ qua và hậu quả đã nặng nề hơn suy nghĩ của những người có trách nhiệm trù liệu.
TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, trong Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII (Hà Nội, ngày 24/11/2021) kể một câu chuyện khác: Ngày 8/2/2010, Vườn quốc gia Hoàng Liên bùng cháy dữ dội, thiêu rụi hơn 1.000ha rừng. Lực lượng của Quân khu 2 và dân quân tỉnh Lào Cai đã huy động hơn 3.000 người đến dập lửa nhưng ngọn lửa vẫn tiếp tục lan rộng. Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân còn huy động cả trực thăng để chữa cháy, nhưng do địa hình phức tạp nên việc dập lửa bằng máy bay không hiệu quả. Ba ngày sau, tỉnh Lào Cai huy động gần 500 đồng bào người H’Mông, người Dao lên núi dập lửa bằng kinh nghiệm dân gian. Đồng bào đã nhìn hướng gió, căn cứ vào đặc điểm địa hình núi đá, đặc điểm cây rừng để làm đường ranh cản lửa, tổ chức vận chuyển nước và ngọn lửa đã được dập tắt chỉ sau 6 giờ. Tri thức dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đã chiến thắng được nạn cháy rừng. Những câu chuyện đó cũng cho thấy sự nên/cần kết hợp hài hòa những kiến thức cổ truyền với kiến thức và phương tiện hiện đại để phục vụ công tác dự báo và phòng, chống thiên tai.
Trong quá trình sống lâu dài, các cộng đồng cư dân đã tích lũy được những tri thức bản địa (Local knowledge) của mình và cho mình. Đó là những kinh nghiệm, cách thức hợp lý của họ để tồn tại và phát triển trên mảnh đất của mình, những cách ứng phó và giảm hậu quả của thiên tai... Vai trò của tri thức bản địa vẫn còn thể hiện trong nhiều lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ đất, khai thác và quản lý nguồn nước; các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản, quản lý ngư trường, sản xuất ngư cụ; những cách dự báo thời tiết, khí hậu... Những tri thức kinh nghiệm truyền thống để đối phó với biến đổi khí hậu vẫn hữu ích và cần được chia sẻ. Hơn thế, các nhà khoa học, văn hóa học đang hướng việc sử dụng các tri thức bản địa để tạo nên cơ chế tự ứng phó cho các cộng đồng địa phương, hướng tới sự phát triển bền vững, trong đó những di sản văn hóa cũng cùng được bảo vệ.
Bảo vệ di sản tri thức bản địa
Theo chiều ngược lại, các tri thức bản địa cũng là một loại hình di sản phi vật thể cần được bảo vệ và phát huy. Cùng với các chính sách và hoạt động bảo vệ di sản trên các lĩnh vực khác, vai trò của các nhà bảo tồn và các bảo tàng trên lĩnh vực nhân học cần được nhấn mạnh trong việc chủ động và sớm triển khai các hoạt động nhằm kịp thời cứu vãn, bảo tồn kho tàng các tri thức bản địa.
Các nhà bảo tồn và các bảo tàng cũng góp phần lưu trữ, bảo tồn và từng bước làm sáng tỏ những tri thức dân gian của các cộng đồng trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên cũng như kinh nghiệm cổ truyền để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các bảo tàng có thể tổ chức những trưng bày và đưa những chương trình giáo dục tới công chúng với các chủ đề cụ thể về biến đổi khí hậu, về những phương cách bảo vệ các di sản văn hóa (cả hữu hình và vô hình) trước những nguy cơ từ biến đổi khí hậu…
Các nhà bảo tồn còn cần đánh giá một cách chi tiết những nguy cơ và những rủi ro tiềm năng có thể tác hại trực tiếp và gián tiếp đối với các tri thức bản địa có thể dẫn đến thất truyền, từ đó đề xuất những kế hoạch phù hợp. Những đánh giá này là cơ sở để soạn thảo những chương trình kết hợp hành động giữa chính quyền và người dân trong việc bảo tồn di sản văn hóa này.