Nỗ lực phát triển bền vững
Hình thành năm 2017, P4G có bảy thành viên tham gia sáng lập gồm Đan Mạch, Chile, Ethiopia, Kenya, Hàn Quốc, Mexico và Việt Nam. Sau đó, Nam Phi, Hà Lan, Colombia, Bangladesh và Indonesia cũng tham gia, nâng tổng số quốc gia thành viên lên 12 nước. Bên cạnh đó, P4G còn có mạng lưới đối tác gồm Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), Mạng lưới các siêu đô thị thế giới C40, cùng đông đảo đại diện hơn 90 quốc gia và các tập đoàn, doanh nghiệp khắp thế giới. Mục tiêu của P4G là thúc đẩy hợp tác đối tác công - tư, đóng vai trò kết nối các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội để cùng nhau thảo luận, đưa ra những giải pháp hiệu quả, mang tính đột phá, góp phần cùng đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.
Theo trang P4gpartnerships.org, P4G thúc đẩy dự án đầu tư vào mô hình kinh doanh sáng tạo ở các nước đang phát triển nhằm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm, tập trung chủ yếu ở những lĩnh vực như tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, phát triển các thành phố và cộng đồng bền vững, sản xuất năng lượng sạch, thực phẩm và nông nghiệp, nước sạch và vệ sinh môi trường...
Cool Food là một trong những dự án tiêu biểu trong lĩnh vực thực phẩm và chống biến đổi khí hậu của P4G. Được thành lập năm 2018, dự án Cool Food đặt ra mục tiêu giúp các cơ sở ăn uống đến năm 2030 giảm được 25% lượng khí thải nhà kính liên quan sản xuất thực phẩm. Hiện Cool Food mở rộng quy mô lên 40 công ty toàn cầu, với thành viên ở khắp Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, cam kết phục vụ hơn 850 triệu bữa ăn mỗi năm. Nếu đạt được mục tiêu giảm 25% phát thải, thì lượng khí thải mỗi năm mà Cool Food giảm được sẽ tương đương lượng phát thải ra từ hơn 700.000 phương tiện vận tải hành khách của châu Âu.
P4G cũng đầu tư vào các dự án đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật số quy mô lớn, giúp người nông dân vận dụng thành quả công nghệ vào sản xuất. P4G cùng các đối tác giúp hàng nghìn nông dân tại Malawi canh tác dễ dàng và hiệu quả hơn nhờ việc truy cập dữ liệu thông qua các câu lệnh bằng giọng nói hoặc tin nhắn SMS trên điện thoại. Tại Kenya, đối tác của P4G cung cấp các thiết bị làm mát bằng năng lượng mặt trời và giúp cộng đồng ngư dân tránh thất thoát lượng hải sản đánh bắt được. Một dự án tương tự với các kho lạnh được lắp đặt tại các nông trang và khu chợ giúp hàng nghìn nông dân Nigeria lưu trữ và bảo quản trái cây, rau quả tươi với chi phí thấp.
P4G hiện tích cực tham gia tái cấu trúc và mở rộng quy mô phát triển của các cụm, khu công nghiệp bền vững trên khắp châu Phi và châu Á. Mô hình này có tiềm năng mở rộng quy mô lên 50 khu vào năm 2030, mang lại việc làm cho người dân và tăng trưởng bền vững cho các ngành nông nghiệp và sản xuất thực phẩm, dệt may, chăm sóc sức khỏe… Quan hệ đối tác về các Khu kinh tế bền vững đặc biệt (SSEZ) được thiết lập trong khuôn khổ P4G nhằm mục đích biến các đặc khu kinh tế thành những trung tâm với lượng phát thải carbon thấp, tăng trưởng xanh và bao trùm.
Tại các đô thị, P4G nỗ lực thúc đẩy những dự án giao thông xanh quy mô lớn. Bốn trong số các nhà sản xuất động cơ và xe bus lớn nhất thế giới gồm BYD, Cummins, Scania và Volvo cam kết giúp các thành phố lớn mua xe bus trang bị công nghệ phát thải thấp hơn, góp phần giải quyết ô nhiễm không khí. Từ năm 2018, các công ty trong dự án này cung cấp công nghệ động cơ không có muội than ở 20 siêu đô thị trên thế giới và đang tiếp tục mở rộng mạng lưới này. SHIFT Asia khởi động dự án giao thông xanh, thử nghiệm tại Thái-lan với 10.000 xe máy điện và 22.000 pin thay thế dùng chung, cùng hệ thống trạm sạc trong khu vực dân cư diện tích 100 km2. Mô hình này dự kiến mở rộng quy mô ít nhất gấp 10 lần trước năm 2030. SHIFT Asia lên kế hoạch triển khai các dự án tại Lào, Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Nhiệm vụ dài hạn
Theo số liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), năm 2020 nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,2OC; trong khi đó 5 năm trước, hơn 190 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và nhất trí nỗ lực giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5OC. Như vậy, năm 2021 là năm quan trọng để thế giới đưa các giải pháp cấp bách và lâu dài để đạt được mục tiêu đề ra. Thời gian gần đây, các tín hiệu tích cực đã được ghi nhận từ nhiều phía trong nỗ lực giải quyết nhiệm vụ toàn cầu và dài hạn này, như: Mỹ quay trở lại Thỏa thuận Paris, những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Canada, Anh, Hàn Quốc… đều công bố các chính sách đầy tham vọng về chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị cấp cao P4G năm 2021 do Hàn Quốc chủ trì, nhận được sự hưởng ứng và tham gia của các lãnh đạo đến từ 40 nước, 21 tổ chức quốc tế như LHQ, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN),… cùng đông đảo chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp. Tại phiên đối thoại cấp cao, lãnh đạo các nước trao đổi ý kiến về chủ đề “Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon”, trong đó tập trung vào ba nội dung ưu tiên, gồm: Phục hồi xanh từ đại dịch Covid-19; nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đạt được mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050; tăng cường hành động vì khí hậu và tạo thuận lợi cho hợp tác công - tư.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra các phiên thảo luận chuyên đề về quản lý nước thông minh để chống chịu với biến đổi khí hậu, chiến lược giúp hành tinh xanh hơn với các giải pháp về năng lượng sáng tạo, nông nghiệp và an ninh lương thực… Hội nghị cấp cao P4G đã thông qua Tuyên bố Seoul, trong đó các bên nhất trí với nỗ lực chuyển đổi xanh, thông qua nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo, dần loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than trong nước và ngừng đầu tư xây mới các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài.
Hội nghị cấp cao P4G cùng Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ chủ trì ngày 22-4-2021 là những bước đệm quan trọng chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Anh vào tháng 11 tới. Đây là các diễn đàn quan trọng, nơi các nước phát triển và đang phát triển, những nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ ý kiến, thể hiện trách nhiệm, quyết tâm cũng như cam kết ở cấp độ toàn cầu nhằm thúc đẩy giải quyết các bài toán chung của nhân loại là tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển biền vững.