OPEC+ đối phó các “cơn gió ngược”

Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm và thị trường biến động khó lường, các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) bắt đầu thảo luận về cắt giảm sản lượng, vấn đề dự kiến được đưa ra đàm phán tại hội nghị sắp tới của nhóm này vào ngày 5/10 tới tại Vienna (Áo).
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: EMAD HAJJAJ
Biếm họa: EMAD HAJJAJ

Trước đó, trong cuộc họp chính sách diễn ra vào đầu tháng 9, OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô ở mức 100.000 thùng/ngày trong tháng 10 so tháng 9. Quyết định này của OPEC+ được đưa ra nhằm hỗ trợ giá dầu dần tuột dốc và thúc đẩy sự ổn định của thị trường trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái làm giảm nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.

Được công bố tại cuộc họp thường kỳ, quyết định cắt giảm số lượng thùng dầu nói trên của OPEC+ tương ứng 0,1% nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới. OPEC+ cũng nhất trí các nước có thể nhóm họp bất cứ thời điểm nào để điều chỉnh sản lượng cho phù hợp tình hình thực tế, trước thời điểm họp định kỳ vào ngày 5/10.

OPEC+ đã tăng sản lượng dầu mỏ từ đầu năm đến nay, sau khi cắt giảm kỷ lục vào năm 2020 do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ. OPEC+ đã từng từ chối lời kêu gọi của một số quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng, trong đó có Mỹ, về việc tăng sản lượng dầu mỏ nhằm “hạ nhiệt” giá dầu toàn cầu vốn ở mức cao hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, OPEC+ đã không tăng được sản lượng như kế hoạch đề ra do một số thành viên thiếu đầu tư vào các mỏ dầu, cũng như sản lượng của Nga sụt giảm. Một nguồn tin của OPEC cho rằng, Nga có thể đề xuất OPEC+ cắt giảm lên đến một triệu thùng/ngày.

Giá dầu thế giới đã sụt giảm mạnh trong tháng 9 sau khi xuất hiện quan ngại về nền kinh tế toàn cầu, đồng USD mạnh lên và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất. Riêng trong phiên giao dịch ngày 26/9, giá dầu đã giảm hai USD/thùng, xuống mức thấp nhất trong chín tháng. Cụ thể, trên thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2022 giảm 2,03 USD, hay 2,6%, xuống 76,71 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 2,09 USD, hay 2,4%, xuống 84,06 USD/thùng.

Trong khi đó, OPEC vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023, khi viện dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế chủ chốt đang hoạt động tốt hơn dự kiến, bất chấp những “cơn gió ngược” như lạm phát ngày càng tăng. Trong báo cáo hàng tháng mới công bố, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 2,7 triệu thùng/ngày năm 2023, không thay đổi so với những mức dự báo được đưa ra hồi tháng trước. OPEC dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ lần lượt ở mức trung bình 100 triệu thùng/ngày và 102,73 triệu thùng/ngày.

Theo OPEC, nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023 dự kiến được hỗ trợ bởi tình hình kinh tế vẫn vững chắc ở các nước tiêu thụ chủ chốt và một số yếu tố quan trọng khác, như khả năng nới lỏng các hạn chế phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, báo cáo của OPEC cũng cho rằng triển vọng nhu cầu dầu mỏ thế giới vẫn đối mặt với một số rủi ro, xuất phát từ những căng thẳng địa chính trị hiện nay, tác động của đại dịch Covid-19, các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, mức nợ chính phủ cao tại nhiều khu vực và xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

Giá dầu đã chứng kiến nhiều biến động trong năm nay. OPEC+ đang bước vào giai đoạn đầy thử thách khi các yếu tố toàn cầu hiện nay, đặc biệt là tăng trưởng giảm và lạm phát tăng đang khiến giá dầu đi xuống. Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar, OPEC+ đang theo dõi sát tình hình giá dầu và mong muốn giữ cân bằng cho thị trường dầu mỏ. Do vậy, trong cuộc họp chính sách sắp tới, nhiều khả năng các thành viên OPEC+ sẽ cân nhắc cắt giảm sản lượng để ổn định giá dầu, bảo vệ thị trường dầu mỏ.