BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Ông Bụt giữa đời thường

Đã bước sang tuổi 102 nhưng cụ Trần Cang ở xã Phú Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Mấy chục năm qua cụ miệt mài đi làm thiện nguyện giúp đỡ cho gần 5.000 người có hoàn cảnh khó khăn.
Cụ Cang tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành, Sóc Trăng).
Cụ Cang tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành, Sóc Trăng).

Tuổi già nhưng chí không già

Về ấp Phú Thành B (xã Phú Tâm) hỏi thăm cụ Trần Cang thì già trẻ gái trai ai đều cũng biết, ít nhiều trong số họ còn từng được cụ giúp đỡ bao gạo, sách vở hoặc tiền trong hoàn cảnh khó khăn.

Trong gian nhà nhỏ của cụ Trần Cang treo đầy những bằng khen của các tổ chức đoàn thể cũng như những bức ảnh thời thanh niên của cụ. Nghe kể cụ sinh năm 1922 trong một gia đình gốc Hoa và năm nay đã bước sang tuổi 102, tôi rất bất ngờ dù đã tìm hiểu về cụ trước. Cụ có mái tóc bạc như cước, trán cao, nước da hồng hào tuy giờ đi lại phải chống gậy nhưng vài năm trước cụ vẫn đi được xe máy. “Năm tôi 98 tuổi tôi vẫn lái chiếc xe Cub đèo một ông 87 tuổi đi xác minh các hoàn cảnh khó khăn. Đi đến đâu bà con cũng đón chào, vui vẻ...”, cụ Cang nói.

Hồi trẻ, cụ Cang có nghề làm bánh pía gia truyền nên cuộc sống cũng khá ổn định. Ngay từ thời đó cụ đã thường xuyên làm thiện nguyện giúp đời, thấy ai khó khăn cụ đều bỏ tiền ra giúp đỡ. Khi về già, cụ có nhiều thời gian để đi tìm kiếm những mảnh đời khó khăn, từ đó nhiều người đã ủng hộ tiền và nhờ cụ làm cây cầu kết nối yêu thương. “Từ năm 2000 tôi bắt đầu ghi chép lại thông tin của những người gửi và người nhận, đến nay tôi đã tiếp nhận trên 17 tỷ đồng tiền mặt và nhiều quà hiện vật trị giá hàng tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng gần 5.000 người có hoàn cảnh khó khăn”, cụ Cang cho biết.

Học hỏi công nghệ để làm thiện nguyện

Tuy tuổi đã cao nhưng trí óc của cụ Cang còn rất minh mẫn, cụ vẫn nhớ như in những câu chuyện xúc động về các mảnh đời khó khăn, rồi đã từng giúp đỡ họ những gì. Tôi có hỏi cụ rằng, tại sao cụ biết đến các hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ, bởi cụ không chỉ giúp những hoàn cảnh ở địa phương mà ở khắp nơi, hễ nơi nào cụ biết cụ đều cố gắng đến tận nơi.

“Bây giờ ai cũng sử dụng điện thoại và dùng Zalo, Facebook... Ngày xưa tôi cũng không biết dùng đâu nhưng được con cháu hướng dẫn và cảm thấy tiện lợi nên dùng. Nhờ mạng xã hội mà tôi biết đến các hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các vụ cấp cứu, tai nạn giao thông...”, cụ Cang cho biết.

Để xác minh hoàn cảnh cụ Cang thường trực tiếp lái xe đến tận nơi tìm hiểu, động viên và xác định mức hỗ trợ phù hợp. Sau đó, cụ lấy minh chứng để lưu lại thông tin và gửi cho những nhà hảo tâm để họ san sẻ cùng gia đình. “Càng không phải tiền của mình thì phải sử dụng đúng mục đích, hỗ trợ đúng hoàn cảnh, vừa để tạo động lực cho người được hỗ trợ vươn lên không ỷ lại vừa để gây dựng chữ tín với nhà hảo tâm. Các nhà hảo tâm xa quê hương năm nào cũng gửi về cho tôi từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để làm thiện nguyện. Tôi cảm ơn chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, bạn bè gần xa hỗ trợ tôi làm việc thiện chứ mình sức tôi thì cũng không thể làm nổi”, cụ Cang bộc bạch.

Cụ bảo, có những người ở xa quê, chưa từng gặp mặt chỉ trao đổi qua điện thoại, cũng có người chẳng giàu có gì nhưng đều phát tâm thiện nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. “Tôi tuổi già rồi không có tiền để làm nên nguyện làm người kết nối giữa nhà hảo tâm và những người khó khăn”, cụ Cang cho biết.

Ông Bụt giữa đời thường ảnh 1

Cụ Cang tặng quà cho học sinh ngay tại nhà cụ.

Ngoài tặng quà an sinh, cụ Cang còn giúp hơn 500 người cao tuổi được đi mổ mắt, hơn 40 người đi điều trị bệnh ung bướu và tổ chức đưa gần 100 trẻ em khuyết tật bẩm sinh các loại đi chữa trị tại trung tâm phục hồi chức năng ở TP Hồ Chí Minh. Đối với bà con vùng sâu vùng xa, cụ đã hỗ trợ đóng hơn 30 cây nước, làm một số cây cầu giao thông nông thôn và hàng chục căn nhà tình nghĩa khắp tỉnh Sóc Trăng và một số tỉnh lân cận. Hằng năm, cụ Cang còn đóng góp cho bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện trong tỉnh và phát từ thiện hơn 3 tấn gạo nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của đồng bào người Khmer, lễ Vu lan, Tết Thiếu nhi...

Trường hợp của Thạch Thị Thanh Hương, 14 tuổi ở huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) bị ung thư máu mà gia đình quá nghèo không có tiền chạy chữa. Cụ đã đến tận nhà tìm hiểu và hỗ trợ gia đình hơn 100 triệu đồng. Thanh Hương cho biết: Con rất cảm ơn cụ Cang, nhờ cụ mà con được cứu sống và đi học trở lại. Con mong cụ nhiều sức khỏe, trường thọ để có thể tiếp tục đi giúp đỡ mọi người.

Còn sức khỏe còn đi giúp đời

Trước đây cụ Cang từng là chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phú Tâm và được các hội viên kính trọng. Năm 2016 cụ nhận nuôi hơn 100 cụ già neo đơn, cung cấp 10 kg gạo/tháng cho họ sinh sống.

Kể chuyện, cụ Cang cười sảng khoái bảo, việc đi làm thiện nguyện bao nhiêu năm nay không những không làm cụ mệt mỏi mà còn giúp cụ khỏe mạnh hơn mỗi ngày, trí óc được rèn luyện nên cũng không bị lẫn. Chỉ có điều, giờ cụ không tự đi xe máy được nữa hoặc đi phải có người chở để đi xác minh. “Những trường hợp gần tôi nhờ người chở đi còn xa thì nhờ họ đi luôn rồi kết nối qua mạng”, cụ Cang cho biết.

Cụ Cang có tới 10 người con, ai nấy cũng được ăn học đầy đủ và thành đạt. Noi gương cha thường xuyên làm việc thiện, mỗi khi quỹ từ thiện gần cạn các con cụ lại tự động đóng góp. Cụ Cang bảo, con cái như thế là thấy có hiếu rồi, biết giúp người giúp đời, giúp họ bớt khổ thì mình cũng vui lây.

Để sống thọ và có sức khỏe tốt như hiện nay cụ Cang cũng không có bí quyết nào cụ thể cả. Hằng ngày, cụ đều vận động, chăm tập thể dục. Thời trẻ cụ hay đá banh, đá cầu, ngoài ra cụ có chế độ ăn uống lành mạnh, không ăn gì quá nhiều. Đặc biệt cụ luôn giữ cho tinh thần vui vẻ, lạc quan mà chính việc đi làm thiện nguyện bao năm vừa qua đã đem lại cho cụ điều đó.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, một người từng cùng cụ Cang đi làm thiện nguyện chia sẻ: Gặp hoàn cảnh khó khăn nào cụ không chỉ tặng quà mà còn hỏi han, động viên để họ vươn lên. Nhiều khi đi phát quà cho người cao tuổi, họ không tin nổi người đang xách quà, chia gạo cho mình là cụ ông đã gần trăm tuổi, hơn họ tới hai ba chục tuổi. Hầu hết mọi làng xóm ở Sóc Trăng này cụ Cang đã đều đặt chân đến, cụ đi xe máy rất vững chẳng bao giờ bị ngã. Mỗi lần cụ đến thăm người ta đều trìu mến gọi cụ là “ông Bụt giữa đời thường”.

Trong thư khen của Chủ tịch nước gửi cụ Trần Cang nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống thi đua yêu nước 11/6 (năm 2021), Chủ tịch nước đã trích 2 câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng người cao tuổi để khen ngợi cụ Trần Cang:

“Tuổi già nhưng chí không già,

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh.”

“Tôi sẽ cố gắng làm việc thiện giúp bà con nghèo khó đến khi nào sức tàn, lực tận hoặc bị lẫn. Ông trời cho tôi sức khỏe và sống đến bằng này tuổi là điều rất đáng quý, vì vậy tôi không muốn phí phạm sức khỏe, hãy cứ đi làm việc tốt nếu còn có thể”, cụ Cang chia sẻ.