Ôi, Chapi...

Nhớ một chiều sơn cước sẫm màn sương, tôi dừng chân nơi palay của người Raglai ở vùng đất Ma Nới, Ninh Sơn, Ninh Thuận. Những ngôi nhà nép yên bình giữa những vườn cây giữa thung lũng bên con suối Hà Dài xanh trong. Bóng hai ngọn núi xa xa hằn in lên nền trời tím ngắt. Núi lớn Chơ Prông như người mẹ vững chãi và nhân hậu. Núi nhỏ Pơto Patí hiền hòa, cần mẫn giống hình dáng người cha.

Theo dòng mẫu hệ, người Raglai nơi này vẫn xúc cảm về hai ngọn núi ngàn đời trên quê hương của mình như thế. Bóng núi như dáng người, tự nhiên, giản dị mà thẳm sâu. Tôi về đây, ngắm rừng xanh suối trong và tìm nghe tiếng đàn Chapi, tìm giấc mơ mang hồn tiếng đàn tre của những người anh em Raglai xứ núi.

Nghệ nhân già Chamalé Âu mang cây đàn ra. Cây đàn Chapi, ôi Chapi, nhạc cụ giản dị của người Raglai, ai nghèo cũng có. Chỉ đơn giản là một ống tre, hai đầu có mấu, dài khoảng 40 cm, có tám giây, bốn phím bao quanh ống. Lên cao hay xuống thấp cao độ là nhờ 16 “con ngựa” chêm ở các đầu dây. Người chơi đàn gảy vào phím, hộp cộng hưởng là ống tre được úp một đầu vào bụng. Khác với nét vui vẻ thoáng đầu gặp gỡ, ngắm cây đàn trầm ngâm, người già Chamalé Âu nói: “Bây giờ cũng chẳng có mấy thằng con trai đủ ham đi tìm ống tre gai này nữa. Cũng chẳng còn mấy đứa biết gảy Chapi…”. Tre làm đàn phải là ống tre gai tròn, vỏ bóng và mỏng, mọc trên những đồi cao, vì mọc dưới thấp, rễ uống nhiều nước, tiếng kêu sẽ không thanh. Chamale Âu kể rằng, muốn tìm được cây tre làm đàn, ông đã phải đợi đến gần hai năm trời. Khi tìm được bụi tre ưng ý, thân tre còn xanh, đánh dấu để đó. Đợi hơn một năm sau khi vỏ tre chuyển mầu vàng thì dùng rựa vạt ngang thân, đốn thành lóng mang về. Còn phải gác trên chái bếp khoảng 3-4 tháng cho ống tre thật khô, thật dai, thật bền mới hạ xuống làm đàn. Làm một cây đàn Chapi không mất thời gian lắm, chỉ hơn một buổi. “Nói là thế nhưng không phải ai cũng làm được đàn Chapi. Muốn làm đàn phải biết gảy đàn, thuộc điệu nhạc của đàn Chapi mới có thể thẩm âm mà chế tác thành đàn…”, người già Raglai lại trải giọng buồn.

Nhạc sĩ Trần Tiến thật tinh tế và mẫn cảm khi chỉ với mấy dòng ca từ thấp thoáng và những giai điệu khoan thai như nhịp sống của người Raglai đã gợi lên một không gian thấm đẫm hồn người Raglai: “Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi. Một mái tranh nghèo, một nhà sàn đơn sơ. Ở nơi ấy, họ đã sống cuộc sống yên lành. Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi…” .

Chamale Âu đã ở tuổi thất tuần. Từ nhỏ, nghe hoài đàn Chapi, mê lắm! Mê thì học gảy, học làm. Ông cậu Chamale Lơ thấy Âu ham Chapi, dạy cho, dạy bằng cách gảy cho nghe và làm cho xem. Tập gảy lâu thành nhớ, thành quen, rồi thì làm được cả đàn nữa. Thế đấy, mê Chapi từ nhỏ tới giờ! Chamale Âu cười một cách hồn nhiên. Rồi hứng lên, ông ôm đàn Chapi và gảy. Điệu “Con ếch” vang lên như báo những cơn mưa đầu mùa, gọi nhau lên nương trồng tỉa. Điệu “Con chim” báo cho nhau khoảng thời gian trong ngày. Điệu “Thở than” như chia sẻ những nỗi niềm buồn khổ. Điệu “Em ở lại anh về” nói lời giã biệt sau trắng đêm hò hẹn nơi suối vắng, rừng sâu. Rồi đến “Con gái lúa”, “Con trai bắp” cũng chỉ đơn giản là những lời tâm sự từ đáy lòng người Raglai yêu quý hạt lúa, hạt bắp như chính con trai, con gái của mình. Chamale Âu lại thong thả giới thiệu cây đàn. Đây là dây mẹ, đây là dây cha, đây dây con trai, đây dây con gái. Dây cha thì cao, dây mẹ thì trầm, dây con lớn thanh, dây con út nhỏ. Rồi ông hát lên ngôn ngữ Raglai theo tiếng đàn Chapi trầm bổng: “Hỡi bắp trắng con trai của mẹ. Hãy để cho mẹ được bình an, no đủ. Hỡi bắp trắng con trai của mẹ. Đừng để nước muốn đổ, nồi muốn nghiêng…”.

Tiếng đàn Chapi, điệu nhạc Chapi chính là lòng người Raglai, hồn người Raglai. Như Chamale Âu đó, đang hồi cố về ngày xưa, về những kỷ niệm buồn vui của đời mình qua tiếng đàn tre. Ông không nói gì về những giấc mơ của mình, nhưng trong hồn ông, trong ánh mắt ông đang bỏng cháy về một miền thẳm xa ký ức…