Sức chịu đựng con người cũng có giới hạn. Còn ở quê tôi, một vùng nông thôn ngoại thành, tiếng ồn do karaoke cũng gây khá nhiều bức xúc cho những người bất đắc dĩ phải hứng chịu cho dù không gian có rộng rãi hơn thành phố đôi chút.
Ngoài chuyện “hát cho nhau nghe” hằng ngày hằng đêm của những gia đình có người yêu “văn nghệ” thì việc các đám cưới dùng âm nhạc để thể hiện niềm vui cũng có nhiều chuyện để nói. Tiếng loa công suất lớn khiến trẻ em không học bài nổi và người lớn muốn xem tivi cũng không xong, gây khó chịu cho rất nhiều người. Nhưng có lẽ người nhà quê vốn “dĩ hòa vi quý”, ai cũng cố cam chịu bởi suy nghĩ “bán anh em xa mua láng giềng gần” và “cả đời người ta mới có việc” nên vẫn nín nhịn nhau là chủ yếu.
Mùa cưới năm nay có vẻ sôi động hơn mọi khi, có thể là do nhiều đôi uyên ương đã phải hoãn niềm vui của mình sau hai năm dài dịch bệnh. Đám cưới quê tôi chủ yếu được tổ chức tại gia nên các gia đình sẽ dựng rạp, dựng sân khấu ở địa điểm nào rộng rãi và gần nhà nhất để bày tiệc. Đám cưới thì phải có nhạc sống với những dàn âm thanh ánh sáng như sân khấu chuyên nghiệp thì mới được cho là “hoành tráng”. Nhiều người nhất thiết cho rằng chúc phúc cho cô dâu chú rể là phải hò dô nâng ly, là phải hát hò rôm rả. Ngoài lúc rước dâu hay đang đãi tiệc có các ca sĩ nghiệp dư hoặc có chút ít tên tuổi đến biểu diễn, còn lại thì sẽ là hát karaoke. Hơi men làm niềm phấn khích dâng cao, người ta mở loa hết công suất và hát hò suốt ngày, kéo dài cho đến tận 10 giờ đêm. Cứ như thế trong hai ngày đám cưới. Mà karaoke thì thôi đủ các thể loại “ca sĩ” cây nhà lá vườn, đủ loại âm nhạc, mỗi người hát lại có một thể loại yêu thích riêng.
Việc hát sai nhạc sai lời khi đang vui là chuyện thường gặp. Thanh niên thì bật nhạc sàn, đập bùm bùm như đi vũ trường làm rung cả cửa kính những nhà chung quanh, cộng thêm ánh sáng nhấp nháy lập lòe khiến người không quen phải choáng váng. Chỉ khổ cho những gia đình ở gần và bị buộc “thưởng thức”, ấm ức trong lòng mà không tiện nói ra, ngại mang tiếng là nhỏ nhen, ích kỷ.
Những câu chuyện như thế là chỉ là một trong vô vàn những chuyện về tiếng ồn gây khó chịu, vẫn biết ngày vui đôi lứa người ta có thể vui một chút nhưng thiết nghĩ cũng nên hiểu cho người nghe, đặc biệt người già và trẻ em sống gần bên. Đừng để niềm vui của mình thành nỗi khổ của hàng xóm. Để không xảy ra cảnh “tức nước vỡ bờ”, ngoài trông chờ ở sự tự ý thức của gia chủ hay những “trai làng” dự đám cưới, thì rất cần có những quy định để tiếng ồn - nhất là từ những tiệc cưới ở quê - sớm đi vào khuôn khổ.