Nút thắt chính trường Iraq

Không khí căng thẳng tại Iraq tạm lắng sau khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ sau hai ngày áp đặt và người biểu tình rút khỏi Vùng Xanh ở Thủ đô Baghdad. Nút thắt bế tắc chính trị dần được tháo gỡ, với thông báo của Tổng thống Barham Saleh về ý định tổ chức bầu cử sớm, đáp ứng đòi hỏi của vị giáo sĩ quyền lực Moqtada Al-Sadr.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: EMAD HAIJA
Biếm họa: EMAD HAIJA

Tổng thống Iraq Barham Saleh đã bày tỏ ủng hộ tổ chức bầu cử trước thời hạn, coi đây là phương án phù hợp bối cảnh hiện nay nhằm tháo gỡ bất đồng chính trị, vốn là nguyên nhân khiến chính trường Iraq bế tắc kéo dài và là nguồn cơn dẫn đến các cuộc đụng độ bạo lực chết người những ngày qua. Trong bài phát biểu hôm 30/8, ông Saleh nói: Tổ chức cuộc bầu cử mới và sớm, phù hợp đồng thuận quốc gia sẽ mở lối thoát cho khủng hoảng chính trị hiện nay, bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội và đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Tuyên bố của Tổng thống Saleh được đưa ra chỉ vài giờ sau khi những người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Moqtada Al-Sadr rút khỏi Vùng Xanh, nơi tập trung các trụ sở của chính phủ và nhiều cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Thủ đô Baghdad. Ngay sau phát biểu của Tổng thống, lệnh giới nghiêm toàn quốc cũng được dỡ bỏ. Theo các nguồn tin, người biểu tình rút đi theo lời kêu gọi chấm dứt biểu tình của giáo sĩ Moqtada Al-Sadr.

Trước đó, hôm 29/8, những người ủng hộ giáo sĩ Moqtada Al-Sadr đã tiến hành biểu tình, xông vào tòa nhà chính phủ, đối đầu với lực lượng an ninh. Biểu tình nổ ra ngay sau khi nhân vật quyền lực này tuyên bố rời chính trường để phản đối tình trạng bế tắc chính trị tại Iraq. Người biểu tình xông vào Vùng Xanh buộc Thủ tướng Mustafa Al-Kadhimi phải ngừng phiên họp chính phủ. Đụng độ khiến ít nhất 30 người chết và 570 người bị thương. Các nguồn tin còn cho biết, có ít nhất bảy quả đạn pháo được bắn vào khu vực Vùng Xanh, song chưa rõ bên nào đứng sau các vụ pháo kích. Lệnh giới nghiêm sau đó được ban hành. Các đơn vị quân đội Iraq được điều đến Baghdad tăng cường bảo đảm an ninh.

Từ cuối tháng 7 vừa qua, những người ủng hộ giáo sĩ Moqtada Al-Sadr liên tiếp tổ chức “biểu tình ngồi” trước tòa nhà Quốc hội để phản đối nhóm các đảng phái dòng Shi’ite, có tên là Khuôn khổ hợp tác (CF), đề cử người vào vị trí Thủ tướng. Mâu thuẫn giữa giáo sĩ Moqtada Al-Sadr và các đối thủ chính trị thuộc CF kéo dài từ sau cuộc bầu cử tại Iraq hồi tháng 10/2021 và bùng lên khi nhóm này đề cử người giữ chức Thủ tướng. Giáo sĩ Moqtada Al-Sadr kêu gọi người ủng hộ tiếp tục biểu tình cho đến khi yêu cầu giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử trước hạn được đáp ứng.

Gần 10 tháng sau cuộc bầu cử năm ngoái, Iraq vẫn chìm trong khủng hoảng, cả bế tắc chính trị lẫn khó khăn về kinh tế-xã hội. Bất đồng giữa các đảng phái, nhất là giữa phe của giáo sĩ Moqtada Al-Sadr với khối CF, khiến Iraq đến nay vẫn chưa thành lập được chính phủ mới. Đảng của giáo sĩ Moqtada Al-Sadr giành được nhiều ghế nhất sau bầu cử (73/329 ghế), tuy nhiên toàn bộ nghị sĩ thuộc đảng này đã rút khỏi Quốc hội. Do không hội đủ hai phần ba số phiếu cần thiết tại Quốc hội, Quốc hội Iraq vẫn chưa bầu được Tổng thống mới, để từ đó chỉ định Thủ tướng đứng ra thành lập chính phủ.

Tổ chức bầu cử trước hạn là một trong những yêu sách chính của giáo sĩ Moqtada Al-Sadr. Bởi thế, thông báo của Tổng thống Barham Saleh ủng hộ giải pháp bầu cử sớm (chưa đầy một năm sau cuộc bầu cử gần nhất) được cho là phù hợp yêu cầu của phe phản đối, giúp hạ nhiệt tình trạng căng thẳng và bạo lực những ngày qua tại Iraq. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể chưa được ấn định.

Diễn biến bất ổn tại Iraq thời gian qua khiến LHQ và nhiều nước lo ngại. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đề nghị các bên ở Iraq kiềm chế, vượt qua bất đồng và thực hiện các bước nhằm giảm căng thẳng. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi các phe phái ở Iraq nhanh chóng đối thoại để xoa dịu căng thẳng, giải quyết bất đồng chính trị.