Dù Ilam, khu vực phía đông Nepal có cảnh quan vô cùng đẹp mắt, có lợi thế về làm du lịch song cuộc sống người dân vẫn rất khó khăn. Ông Pasang Sherpa là một trong số đó. Trước đây, ông Pasang trồng ngô và khoai tây, nhưng vườn của ông thường xuyên bị động vật hoang dã phá hoại. Vì vậy, khoảng chục năm trước, ông đã chuyển sang trồng argeli - một loại cây bụi thường dùng để làm củi hoặc hàng rào. Ông Pasang không hề biết rằng vỏ cây argeli của ông một ngày nào đó sẽ dùng để sản xuất tiền mặt.
Theo Japan Times, tiền yên Nhật Bản được in trên loại giấy mitsumata. Tuy nhiên, nguồn cung mitsumata đang cạn kiệt. Loại bột làm giấy mitsumata được khai thác từ các loại cây thuộc họ Thymelaeaceae, mọc ở vùng cao. Loại cây này thường phát triển trong điều kiện nắng và nước vừa phải. Tuy nhiên, dân số nông thôn giảm và biến đổi khí hậu đang khiến nông dân Nhật Bản phải từ bỏ những mảnh đất trồng cây Thymelaeaceae.
Đối mặt tình trạng khan hiếm nguồn cung, Kanpou Incorporated - công ty sản xuất tiền giấy phục vụ cho Chính phủ Nhật Bản - đã tìm kiếm nguồn cung thay thế. Chủ tịch của Kanpou lâu nay biết rằng cây để tạo ra giấy mitsumata có nguồn gốc từ dãy Himalaya. Một trong những hoạt động từ thiện của Kanpou là khảo sát các chân đồi của dãy Himalaya từ những năm 90 của thế kỷ trước để giúp nông dân địa phương đào giếng, đã giúp họ tình cờ tìm ra được giải pháp cho vấn đề thiếu nguồn cung giấy mitsumata.
Một “cuộc cách mạng” thầm lặng đã diễn ra sau khi trận động đất tàn phá phần lớn Nepal vào năm 2015. Người Nhật Bản sau đó đã cử các chuyên gia đến Thủ đô Kathmandu để giúp nông dân Nepal tham gia quy trình tạo ra những tờ tiền yên. Đây là quy trình đòi hỏi sự tỉ mỉ. Đầu tiên, người nông dân Nepal phải tự cắt vỏ cây và đun sôi trong thùng gỗ. Tiếp theo là quá trình tước, đập, căng và sấy khô vỏ cây đầy vất vả. Theo hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản, vỏ cây argeli phải thu hoạch ba năm sau khi trồng, trước khi vỏ cây chuyển sang mầu đỏ.
Ban đầu, ông Pasang bắt tay vào kinh doanh và sản xuất 1,2 tấn vỏ cây mỗi năm. Năm nay, ông đã thuê 60 người Nepal địa phương tham gia vụ thu hoạch và kỳ vọng lãi khoảng 8 triệu rupee Nepal, tương đương 60.000 USD. Đây là mức thu nhập cao hơn nhiều so thu nhập trung bình hằng năm ở Nepal là khoảng 1.340 USD, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Ông Pasang hy vọng sẽ sản xuất được 20 trên tổng số 140 tấn nguyên liệu giấy mà Nepal sẽ vận chuyển sang Nhật Bản.
Ông Pasang hào hứng nói: “Tôi chưa từng nghĩ những nguyên liệu thô này sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản hay tôi sẽ kiếm được tiền từ loại cây dại này. Bây giờ tôi rất hạnh phúc. Thành công này không đến từ đâu cả, nó đến từ chính khu vườn nhà tôi”. Trong khi đó, ông Shreshta - người nông dân khác trồng argeli tại Ilam - cũng bày tỏ: “Là một người Nepal, tôi cảm thấy tự hào khi quản lý nguyên liệu thô để in tiền của một nước phát triển như Nhật Bản. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời”.
Năm 2024 là thời điểm quan trọng đối với đồng yên Nhật, bởi cứ sau 20 năm, đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên thế giới lại được thiết kế lại vì người Nhật Bản yêu thích những tờ tiền đẹp mắt với thiết kế trang nhã, tinh tế. Các tờ tiền hiện tại được in lần đầu vào năm 2004, trong khi đó, những tờ tiền thay thế dự kiến sẽ đến tay các nhân viên thu ngân vào tháng 7 tới.