Nông dân Kenya từ bỏ cây thuốc lá

Các nông dân trồng thuốc lá ở hạt Migori (Kenya) đã tham gia dự án chuyển đổi từ cây thuốc lá sang trồng các loại cây lương thực như đậu, ngô, khoai lang. Vụ thu hoạch đầu tiên của họ vào mùa hè này đã giúp tăng giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn hằng ngày, vừa tăng giá trị kinh tế cho gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Người nông dân được hỗ trợ để canh tác cây lương thực. Ảnh: DW
Người nông dân được hỗ trợ để canh tác cây lương thực. Ảnh: DW

Hơn 100 gia đình ở hạt Migori, thuộc tỉnh Nyanza (Kenya) đã tham gia dự án thử nghiệm nhằm giúp nông dân chuyển đổi từ cây thuốc lá sang canh tác cây lương thực thay thế. Theo Deutsche Welle, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) tài trợ dự án và giúp đào tạo các nông dân canh tác cây trồng mới.

Trước đây, trồng cây thuốc lá khiến người nông dân phải đối mặt những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tim mạch, hô hấp và nhiều bệnh suy nhược khác do để da tiếp xúc với chất nicotine trong quá trình rửa lá thuốc bằng tay mà không có găng tay bảo hộ.

WHO cũng cảnh báo, hơn 6.000 người Kenya chết vì các bệnh liên quan thuốc lá mỗi năm. Số người chết hằng năm trên toàn cầu là tám triệu ca tử vong chủ yếu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, những nước thường là mục tiêu cho các kế hoạch tiếp thị của ngành công nghiệp thuốc lá. Mặc dù trồng thuốc lá đã lâu năm, song ngành này chỉ mang lại chưa đầy 1% GDP cho Kenya, theo thống kê của WFP. Một vấn đề nan giải khác với địa phương còn là tình trạng con em nông dân bỏ học hàng loạt để kiếm tiền bằng cách bán thuốc lá.

Do đó, các cơ quan của LHQ và Chính phủ Kenya đã khởi động dự án “Trang trại không thuốc lá” ở Migori nhằm giảm những vấn đề trên. Bộ Y tế Kenya đánh giá cao dự án ở Migori dành cho nông dân trồng thuốc lá là một sự thay đổi lớn, cải thiện tình trạng sức khỏe cho nông dân và sức khỏe cộng đồng. Anh Patrice Chitang’ita Kisunte, một nông dân đến từ Sakuri ở hạt Migori cho biết: “Tôi đã khuyên người làng ngừng canh tác thuốc lá và trồng những thứ cây khác như ngô, đậu hay khoai tây. Vào mùa thu hoạch, bữa ăn của gia đình ngon miệng và thu nhập cũng tốt hơn rất nhiều”.

Kenya đã phê chuẩn Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá từ năm 2004 và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thí điểm dự án trồng cây lương thực thay thế cây thuốc lá. Anh Husna Mubarak, một cán bộ dự án của FAO cho biết: “Chúng tôi đang khuyến khích nông dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế tương đương hoặc hơn. Ngoài hoa màu, một số nông dân đã chuyển sang trồng cà-phê. Do thuốc lá có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe mọi người, nên họ sẵn sàng chuyển đổi khi có yêu cầu và được hỗ trợ”. Ngoài hạt Migori, Chính phủ Kenya còn có kế hoạch nhân rộng dự án đến nông dân vùng “vành đai thuốc lá” ở bang Tây Kuria của nước này.

Theo WHO, dự án đã giúp cải thiện y tế công cộng, đồng thời tăng cường tỷ lệ đi học của con em các gia đình trước đây làm việc trong trang trại trồng thuốc lá. Cùng với đó, các loại cây trồng thay thế mang lại lợi ích tốt hơn cho môi trường. “Hiện tại, các con tôi có thời gian để làm bài tập về nhà, trước đây khi trồng cây thuốc lá thì chúng không có nhiều thời gian như thế”, bà Alice Achieng Obare, một người trồng thuốc lá lâu năm cho biết.

Đến nay, nông dân đã bán 135 tấn nông sản chủ yếu là đậu cho WFP theo chương trình thu mua ở khu vực của tổ chức này. Chuyên gia của WFP Simon Cammelbeeck cho biết: “WFP có thị trường sẵn sàng thu mua các loại đậu có hàm lượng sắt cao và thúc đẩy thực hành nông nghiệp chất lượng với các loại cây trồng cao dinh dưỡng”.

Theo WFP, sở dĩ khuyến nghị người nông dân chuyển sang trồng đậu là vì lợi thế của loại cây trồng này là chúng chứa nhiều sắt, được cho là có thể giúp chống lại nhiều vấn đề về sức khỏe và phát triển ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Anh Husna Mubarak chia sẻ: “Quan trọng nhất là dự án có hỗ trợ kỹ thuật về cách xới đất, gieo hạt và hỗ trợ năng lực để bảo đảm rằng người nông dân có thể gia tăng giá trị cho nông sản, đóng gói và đưa trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng”.